+
Aa
-
like
comment

Pháp luật không chỉ răn đe mà còn sẵn sàng mở đường cho những kẻ lầm đường lạc lối để làm lại cuộc đời

Hải Anh - 09/09/2020 18:22

Bước sang ngày thứ ba của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra sáng 9-1-2020 tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã chuyển sang phần tranh luận. Trước khi bước vào tranh tụng, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án với từng bị cáo. Theo đó, VKS đã quyết định thay đổi tội danh truy tố đối với 19/29 bị cáo từ tội “Giết người” (theo quy định tại Điều 123 – Bộ luật Hình sự năm 2015) sang tội “Chống người thi hành công vụ” (theo quy định tại Điều 330 – Bộ luật Hình sự năm 2015). Đây có thể nói là một quyết định quan trọng, có sự cân nhắc kỹ càng của Viện kiểm sát, thể hiện sự nhân văn, khoan hồng của pháp luật.

Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát đã đưa ra đề nghị mức án đối với 29 bị cáo. Với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Giết người”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 2 bị cáo: Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình; Lê Đình Doanh mức án tù chung thân; Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Quốc Tiến mức án 16-18 năm tù; Nguyễn Văn Tuyển mức án 14-16 năm tù.

Đối với nhóm các bị cáo bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ”, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt: Lê Đình Uy, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Quân mức 6-7 năm tù; Bùi Văn Tiến mức 5-6 năm tù; các bị cáo: Lê Đình Quân, Trịnh Văn Hải, Bùi Thị Nối mức 4-5 năm tù; các bị cáo: Bùi Thị Đục, Bùi Văn Tuấn, Trần Thị La, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Xuân Điều mức 3-4 năm tù; các bị cáo: Nguyễn Thị Lụa mức 2 năm 6 tháng – 3 năm tù; Mai Thị Phần, Bùi Văn Niên mức 2 năm – 2 năm 6 tháng tù; Lê Thị Loan mức 2 năm 6 tháng – 3 năm tù treo; Đào Thị Kim mức 2 năm – 2 năm 6 tháng tù treo; Nguyễn Văn Trung mức 18-24 tháng tù treo; các bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng mức 15-18 tháng tù treo.

Nhiều bị cáo vụ giết người ở xã Đồng Tâm thừa nhận họ bị lôi kéo, hứa hẹn chia đất nếu tham gia vụ chống đối.

VKS đánh giá hầu hết các bị cáo này là nông dân, khi nghe Kình, Công và Hiểu lôi kéo kích động, hứa sẽ được chia đất nên đã tham gia “Tổ đồng thuận” để chiếm đất Đồng Sênh và đi theo Kình, Công, Hiểu thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Qua xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo này đã cơ bản biết rằng vì nhận thức pháp luật hạn chế, do được hứa hẹn nên đã mù quáng tin tưởng và đi theo Lê Đình Kình. Các bị cáo đã nhận thức được sai phạm, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Xét về bản chất, các bị cáo này đều không phải là những đối tượng chống đối quyết liệt, tham gia có mức độ, phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và đặc biệt là không trực tiếp thực hiện hành vi dẫn đến hậu quả làm 3 cán bộ công an bị tử vong tại hiện trường.

Có thể thấy sự thay đổi bất ngờ trong bản cáo trạng thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của Nhà nước, để áp dụng tội danh nhẹ hơn và theo đó có áp dụng hình phạt nhẹ dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với một số bị cáo, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên những kẻ chống phá lại cho rằng tuyên xử Lê Đình Công, Lê Đình Chức mức án tử hình là không hợp lý vì 2 bị cáo này không có tội. Nhưng xin nhắc lại rằng 2 bị cáo này đã nhận tội trong ngày 7/9, bị cáo Lê Đình Công và em trai thừa nhận cáo buộc giết người. Họ xin lỗi gia đình các nạn nhân, mong HĐXX cho hưởng khoan hồng. Nói ra điều này, chắc các luật sư biết rõ vì một người tự nhận phạm tội giết người nhưng nếu không có chứng cứ thì cơ quan tố tụng không thể ra phán quyết người đó là tội phạm giết người.

Hơn nữa, trong phần luận tội của Viện kiểm sát sáng nay, trường hợp Lê Đình Doanh là trường hợp khá đặc biệt. Doanh là kẻ đã tiếp tay cho Lê Đình Chức trong việc giết hại 3 cán bộ công an. Khi nghe Chức nói “Đưa chậu xăng lên cho tao”, Doanh đã chạy vào cửa tum lấy 01 can xăng 20 lít, sau đó, Doanh đổ một ít xăng ra chậu, rồi châm lửa. Sau khi Doanh châm lửa, Chức đã lấy gậy đẩy chậu xăng xuống hố, khiến 03 cán bộ công an hi sinh. Đại diện VKS khẳng định, hành vi của Lê Đình Doanh là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả là sự hi sinh của 3 cán bộ công an, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Bản thân Lê Đình Doanh đã có 3 tiền án về các tội khác nhau như cướp giật, tàng trữ ma túy,… Tuy nhiên, gia đình Lê Đình Doanh đã có ông nội là Lê Đình Kình đã chết, bố đẻ là Lê Đình Công bị đề nghị mức tử hình, chú là Lê Đình Chức cũng bị tuyên án tử hình, em trai cũng là bị cáo trong phiên tòa!

Tuy nhiên, xuất phát từ tinh thần nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, muốn cho bị cáo một cơ hội sống, bên cạnh đó, bị cáo Doanh sau khi bị bắt cũng là thành thật khai báo, nhận tội và cầu xin sự khoan hồng của pháp luật, VKS đã đề nghị Lê Đình Doanh mức phạt tù là chung thân. Tôi nghĩ Viện kiểm sát đã cân nhắc kỹ, lượng hình trên cơ sở thái độ thành khẩn và thực tế khai báo của các bị cáo mới đưa ra quyết định thay đổi tội danh. Việc thay đổi tội danh đối với 19 bị cáo là minh chứng thuyết phục cho tính ưu việt của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta.

Thiết nghĩ, sẽ có rất nhiều ý kiến liên quan đến việc đề nghị mức án cho các bị cáo đặc biệt là ý kiến của những kẻ chống phá nhưng theo tôi, chắc chắn bản án cuối cùng của pháp luật sẽ là một bản án nhân văn, có tình có lý. Pháp luật Việt Nam không chỉ có tác dụng răn đe, mà còn có tính chất giáo dục, sẵn sàng mở đường cho những kẻ lầm đường lạc lối để làm lại cuộc đời!.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều