+
Aa
-
like
comment

Pháo xe tăng càng to, uy lực càng lớn nhưng to bao nhiêu là vừa?

03/01/2021 05:00

Trong các loại vũ khí trên xe tăng thì pháo là vũ khí chính, không thể thiếu. Vấn đề đặt ra với các nhà chế tạo là lựa chọn cỡ nòng bao nhiêu là vừa?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Pháo xe tăng càng to, uy lực càng lớn nhưng to bao nhiêu là vừa?
Xe tăng T-90 Việt Nam. Ảnh minh họa.

Kiểu pháo nên như thế nào: nòng dài hay ngắn? Nòng trơn hay có rãnh xoắn? v.v…

Pháo to lên thì tốt thôi nhưng…

Nhìn chung, khi đánh giá uy lực của mỗi khẩu pháo, một chỉ số mà người ta hay dựa vào là cỡ pháo. Cỡ pháo lớn thì đầu đạn lớn làm cho động năng càng lớn và khả năng xuyên phá mục tiêu càng cao, còn nếu là đầu đạn nổ phá thì khối lượng thuốc nổ sẽ lớn hơn sinh ra sóng nổ lớn hơn, số lượng mảnh nhiều hơn…

Kết luận lại: cỡ pháo càng lớn thì uy lực càng lớn.

Trong thực tế, cùng với thời gian cỡ pháo trên xe tăng được tăng lên đều đều. Bước vào Thế chiến II, hầu hết xe tăng chỉ có pháo 37, 40 mm.

Đến khi kết thúc Thế chiến 2, nhiều nước đã đưa cả pháo 85, 88 mm lên xe tăng. Từ đó, người ta dự báo cỡ pháo xe tăng sẽ tiếp tục tăng lên.

Tuy nhiên, đây không phải là một chỉ số có thể tăng vô giới hạn được. Có nhiều lý do hạn chế ước muốn đó: Khi tăng cỡ pháo sẽ làm tăng kích thước tháp pháo, khối lượng xe tăng, khối lượng đạn v.v…

Pháo xe tăng gồm hai phần: thân pháo và máng pháo. Thân pháo bao gồm hai bộ phận quan trọng nhất là nòng pháo và hộp khóa nòng. Còn máng pháo là một ống lớn ôm lấy thân pháo, trên đó gá lắp các bộ phận khác của pháo nhằm điều khiển pháo và đảm bảo an toàn khi bắn.

Máng pháo cho phép thân pháo được trượt theo phương trước – sau trong lòng nó. Thân pháo và máng pháo liên kết với nhau thông qua bộ phận “Hãm lùi – Đẩy lên”. Trên máng pháo có 2 trục tai máng tựa trên 2 ổ đỡ ở tháp pháo.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Pháo xe tăng càng to, uy lực càng lớn nhưng to bao nhiêu là vừa? - Ảnh 2.
Xe tăng T-34

Ở trạng thái bình thường, hai phần của khẩu pháo ở hai bên ngõng trục này phải đảm bảo cân bằng với nhau (khi đạn đã được lắp vào buồng đạn) cho phép pháo quay lên xuống nhẹ nhàng bằng tay.

Thông thường, pháo xe tăng là pháo nòng dài, chiều dài nòng pháo vào khoảng trên dưới 60 lần cỡ. Vì vậy, khối lượng lượng phần nòng pháo thường rất nặng và tăng lên nhiều khi cỡ pháo tăng lên.

Để hai phần trước và sau ngõng trục cân bằng thì khối đối trọng với nó cũng phải tăng lên. Đó là lý do làm kích thước tháp pháo phải tăng lên khi cỡ nòng pháo tăng lên.

Kích thước tháp pháo tăng lên sẽ làm tăng diện tích mục tiêu và xe tăng trở nên dễ bị trúng đạn đối phương hơn. Vậy là “lợi bất cập hại”!

Mặt khác, khi tiến hành mỗi phát bắn thuốc phóng cháy sinh ra nhiệt độ hàng nghìn độ C và áp suất thuốc phóng lên đến 3000 kG/cm2 trong nòng pháo.

Năng lượng này đẩy đầu đạn về phía trước với vận tốc hàng nghìn mét/ giây khi rời nòng pháo và cũng tác động đẩy nòng pháo về phía sau với một năng lượng tương ứng.

Để khử năng lượng lùi này người ta sử dụng bộ phận “hãm lùi – đẩy lên”. Nghĩa là, khi nòng pháo lùi thì bộ phận này sẽ triệt tiêu dần năng lượng, “hãm” cho pháo lùi êm nhẹ. Khi nòng pháo đã lùi hết cỡ thì nó lại đẩy cho nòng pháo tiến lên để sẵn sàng bắn phát tiếp theo, đồng thời tận dụng năng lượng đó để mở khóa nòng, hất vỏ đạn.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Pháo xe tăng càng to, uy lực càng lớn nhưng to bao nhiêu là vừa? - Ảnh 4.
Xe tăng T-72MS của Serbia mới tiếp nhận từ Nga gần đây.

Chiều dài lùi nòng của pháo từ vài chục cm lên tới hàng mét tùy loại pháo (Ví dụ: Pháo 100 mm trên xe T54, T55 lùi khoảng 60 cm). Mặc dù đã được triệt tiêu ở bộ phận này song năng lượng lùi của pháo vẫn còn làm xe tăng lùi 2-3 mắt xích trên đất bằng khi bắn.

Cỡ pháo càng lớn thì năng lượng lùi càng lớn và để triệt tiêu được nó, bộ phận “hãm lùi- đẩy lên” cũng sẽ phải có kích thước càng lớn. Cỡ pháo càng lớn, độ lùi nòng cũng càng lớn đòi hỏi có một không gian rộng hơn. Tất cả những cái đó kéo theo kích thước của tháp pháo cũng phải tăng lên. Đó là điều không ai muốn.

Thứ ba, khi pháo càng lớn thì khối lượng đạn cũng càng lớn. Trước hết nó gây khó khăn cho quá trình nạp đạn- nhất là đa số các xe tăng hiện nay vẫn còn nạp đạn bằng tay.

Với pháo 100 mm, mỗi quả đạn nặng khoảng 32 kg, đã có trường hợp pháo thủ số hai bị ngất khi nạp liền 16 viên đạn. Nếu cỡ đạn lớn hơn nữa thì khối lượng đạn cũng lớn hơn và việc nạp đạn sẽ khó khăn hơn, kéo theo tốc độ bắn sẽ chậm đi.

Mặc dù hiện nay một số loại xe đã có cơ cấu nạp đạn tự động song khi khối lượng và kích thước đạn lớn quá cũng sẽ gặp khó khăn- kể cả khi nạp đạn cũng như khi tiếp đạn vào cơ cấu nạp đạn tự động.

Khi khối lượng đạn lớn hơn, muốn tống nó ra khỏi nòng với sơ tốc lớn bắt buộc phải có lượng thuốc phóng lớn hơn nhằm tạo ra một năng lượng lớn hơn. Yêu cầu này kéo theo yêu cầu về độ bền nòng pháo phải cao hơn, giá thành đắt hơn.

Thứ tư, khi đạn càng to, càng nặng thì cơ số đạn trên xe tăng cũng bị giảm đi bởi không gian của buồng chiến đấu bất kỳ loại xe tăng nào cũng hết sức chật hẹp. Đó cũng là một hệ lụy gây bất lợi cho kíp xe trong chiến đấu.

photo-1
Xe tăng M1A2 Abrams của Mỹ.

Cuối cùng, pháo càng to, đạn càng lớn cũng sẽ làm tăng khối lượng của tháp pháo nói riêng và khối lượng xe tăng nói chung. Sự tăng khối lượng này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cơ động- vốn cũng là một thế mạnh của xe tăng.

Tóm lại, để nâng cao uy lực của pháo trên tăng thì tăng cỡ nòng là một giải pháp. Tuy nhiên, quá trình tăng cỡ nòng cũng chỉ đến một giới hạn nào đó mà thôi.

Vậy cỡ nòng pháo bao nhiêu là phù hợp?

Thực chất cuộc chạy đua tăng cỡ nòng pháo xe tăng có nguồn gốc chính là cuộc đua tăng khả năng bảo hộ của vỏ giáp. Đó chính là cuộc đua “vô tiền khoáng hậu” của ngọn giáo và cái khiên trong câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa.

Trong cuộc đua đó, song song với sự tăng lên của cỡ nòng pháo là sự cải tiến không ngừng của vỏ giáp. Từ vỏ giáp đồng nhất tiến tới giáp phức hợp, giáp hợp kim, giáp phản ứng nổ, v.v… đã nâng khả năng phòng hộ của vỏ giáp lên gấp nhiều lần.

Trong cuộc đua này, phần thắng đã có thời điểm nghiêng về một bên nhưng rồi sẽ nhanh chóng đổi chiều bởi sự cải tiến của phía bên kia.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Pháo xe tăng càng to, uy lực càng lớn nhưng to bao nhiêu là vừa? - Ảnh 8.
Xe tăng T-14 Armata của Nga

Tuy nhiên, cả hai bên rồi sẽ tới giới hạn của sự cải tiến và cuộc đua trở lại thế cân bằng. Tất nhiên, đây chỉ là cân bằng động và có nhiều nguyên nhân khác nhau quyết định. Thời điểm hiện tại có lẽ cũng là một thời điểm đạt đến sự cân bằng tương đối đó.

Iran tuyên bố cực nóng: Tấn công thẳng vào nước Mỹ – Washington rầm rộ điều quân Tiêm kích Mỹ lập kỷ lục thế giới: Một tên lửa hạ cùng lúc 3 máy bay MiG – Chưa từng có Tàu dầu Mỹ bị cài mìn, căng thẳng tột độ – Toàn bộ lực lượng Mỹ ở Trung Đông báo động Đỏ, B-52 xuất kích

Sở dĩ nói như vậy bởi vì cỡ nòng pháo tăng từ 120 đến 125 mm đã được hai trường phái chế tạo xe tăng chủ yếu trên thế giới lựa chọn và đã “đứng” được khá lâu.

Với các loại đạn mới nhất của hai loại pháo này đều có khả năng xuyên phá được cỡ 600- 700 mm thép đồng nhất. Đó dường như cũng là giới hạn hiện tại mà các loại giáp xe tăng hiện tại đạt đến.

Gần đây, cũng đã có những nghiên cứu nhằm lắp đặt pháo 140 mm (trường phái Mỹ – Tây Âu) và 152 mm (trường phái Nga – Xô) lên xe tăng. Song dường như chưa có một cú “hích” đủ mạnh cho trạng thái cân bằng ngả về một phía nên sự việc mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu.

Cuộc đua tăng uy lực súng pháo và khả năng phòng hộ của vỏ giáp là cuộc đua “vô tiền khoáng hậu” song đó không phải là tất cả. Con người với bản lĩnh chính trị vững vàng, sử dụng thành thạo và sáng tạo trang bị kỹ thuật mới là yếu tố quyết định thắng bại của chiến tranh.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều