“Pháo lệnh” cấm biếu, tặng quà Tết 2020 dưới mọi hình thức
Năm nào Trung ương cũng phải chỉ đạo những việc tưởng chừng như cũ. Vì sao không phải là chỉ đạo một lần và thực hiện xuyên suốt? Điều đó cho thấy nhiều địa phương rất hay… “quên” chỉ đạo của Trung ương. Phải chăng vẫn phổ biến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, trên “nóng” dưới “lạnh”? Và chuyện biếu xén sẽ còn nhức nhối?
Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40 về việc tổ chức Tết năm 2020. Đáng chú ý, Chỉ thị quán triệt nghiêm túc việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.
Sẽ còn nhức nhối chuyện quà Tết
Thời xa xưa cho đến nay, chuyện tặng quà Tết là một nét đẹp văn hóa, người tặng quà mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với người nhận. Nó không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương, quan tâm mà còn mong muốn những điều may mắn sẽ đến với người được nhận. Và việc cấp dưới tặng quà cho cấp trên cũng không ngoài ý nghĩa đó.
Đúng là, không phải ai tặng quà cũng có ý đồ xấu và không phải ai cũng có “điều kiện” để biếu những vali tiền mặt phải chở bằng ôtô. Nhưng nhìn chung, đa số biếu quà vì tâm lý…lo sợ, sợ mất an toàn, mất cơ hội, sợ bị đẩy ra ngoài tầm ngắm… Lắm lúc người nhận quà rơi vào trạng thái “sự đã rồi” nên đành phải nhận. Cũng bởi “đa chỉ một cành mà kiến cả nghìn con”. Ai mà không sợ “trâu chậm uống nước đục” – ông cha ta đã “đóng đinh” như thế.
Cái sự biến tướng của quà tặng được những kẻ thực dụng nói “miếng trầu là đầu câu chuyện”, người đức cao trọng vọng bác lại “lời chào cao hơn mâm cỗ”, người lõi đời thì thấy “ăn cỗ đi trước lội nước theo sau”, thằng sòng phẳng muốn “ông trao chân giò bà thò chai rượu”…cho nên câu “ông nói gà bà nói vịt” là…có thật 100%.
Thế nên, trong thực tiễn đời sống xã hội nước ta thì có chuyện lợi dụng quà tết để “tranh thủ nọ kia”. Đây là lợi dụng biếu xén để tranh thủ cơ hội, có động cơ không tốt, là hành vi tiêu cực chứ không phải quà văn hoá.
Theo đó, cứ mỗi đợt xuân về là “cơ hội” tặng quà mang tính chất hợp lý, đúng quy trình lại tới với những ai có tư tưởng “cơ hội”. Tuy nhiên, chuyện quà cáp biếu xén ở ta cũng có những chuyện kinh thiên động địa, chẳng phải chờ đến dịp tết để người ta tỏ “lòng thành”. Ví như, trong đại án Ocean Bank, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Nguyễn Xuân Sơn khi còn làm Phó Tổng giám đốc OceanBank, đã nhiều lần biếu “quà” cho Ninh Văn Quỳnh tại phòng làm việc. Mỗi lần như vậy, ông Sơn bỏ tiền vào với túi quà rồi để lên bàn của ông Quỳnh và nói: “Em biếu anh chai rượu hoặc chiếc áo”, nhưng khi mở ra, bên trong là nhiều xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng. Tổng số “quà biếu” Quỳnh nhận từ Sơn lên đến 20 tỷ đồng.
Chính từ thực tế nhức nhối của nạn lợi dụng lễ tế để biếu xén, việc Trung ương ra chỉ thị 40 nhằm cấm cấp dưới tặng quà cấp trên, cấm cấp trên không được nhận quà cấp dưới như lẽ đương nhiên.
Trước chỉ thị 40, cách đây 7 năm trước, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chỉ thị 21-CT/TW cũng đã nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên; không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết”. Hay, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương ngày 28/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị “Tết này, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành không phải đi thăm Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các Bộ trưởng nữa. Miền Nam không ra Bắc và miền Bắc cũng không đến Hà Nội”.
Vấn đề ở chỗ, năm nào Trung ương cũng phải chỉ đạo những việc tưởng chừng như cũ. Vì sao không phải là chỉ đạo một lần và thực hiện xuyên suốt? Điều đó cho thấy nhiều địa phương rất hay… “quên” chỉ đạo của Trung ương. Phải chăng vẫn phổ biến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, trên “nóng” dưới “lạnh”? Và chuyện biếu xén sẽ còn nhức nhối?
“Pháo lệnh” chống tham nhũng vặt!
Dẫu biết tặng quà Tết thể hiện tình cảm của cá nhân. Nhưng thử hỏi chi phí dùng để quà cáp, biếu xén ấy là từ đâu ra? Nó cũng có thể là tiền túi của người đi tặng quà. Nhưng đáng nói là, nhiều người đã lợi dụng tiền công quỹ của cơ quan, đơn vị để thăm, tặng quà Tết cấp trên nhằm mục đích củng cố, thắt chặt các mối quan hệ cá nhân. Mà người có thể lợi dụng công quỹ là ai? Chẳng phải cũng là người có chức quyền hay sao. Như một vòng tuần hoàn, tiền của nhà nước đang chảy vào túi của những ai có chức quyền.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: “Không chúc Tết lãnh đạo không có nghĩa là sứt mẻ tình cảm. Không phải không biếu quà thì thành kiến, suy nghĩ không đúng về cấp dưới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 40 sẽ tạo nếp sống tốt đẹp, ứng xử giữa lãnh đạo cấp trên với cấp dưới, giữa con người với nhau để xã hội ngày càng tốt đẹp thêm”.
Suy cho cùng để dẹp nạn quà cáp, biếu xén quan chức dịp Tết là điều không dễ chút nào, bởi từ chối nhận quà hay không vẫn là do thái độ, bản lĩnh của mỗi người, nếu như cấp trên cương quyết ngay từ đầu thì người tặng sẽ biết đường rút lui. Thế nhưng, nếu sếp từ chối mà cửa vẫn rộng mở, lần này không được thì lần sau lính sẽ tiếp tục “tấn công” bằng mọi cách và chuyện lãnh đạo “sa ngã” là điều dễ xảy ra.
Nói như nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt thì “Đảng đã có chỉ đạo việc kiểm tra giám sát, nhưng không gì bằng những đồng chí có trách nhiệm làm sao thấm nhuần, hiểu biết sâu sắc việc thực hiện Chỉ thị đó mà tự giác thực hiện trong ngành, địa phương, đơn vị mình. Từng đồng chí có ý thức thì công việc chuyển biến tốt, bên cạnh đó việc giám sát của cơ quan có trách nhiệm và giám sát của dân cũng đánh giá đúng đắn. Đừng để Nghị quyết, Chỉ thị mà cuối cùng thực hiện không đến nơi đến chốn”.
Hàng loạt sai phạm của cán bộ cấp cao đã làm nhân dân ngán ngẩm. Hãy loại ngay những con sâu trong Đảng, những cán bộ biến chất coi chức quyền là phương tiện để đục khoét của công, áp chế nhân dân khg còn là nô bộc tận tuỵ vì dân vì nước! Đây là lúc Đảng cần phải thắt chặt kỷ cương để lấy lại lòng tin của nhân dân.
Chưa biết sau Chỉ thị của Ban Bí thư, các bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện quy định này như thế nào, nhưng ngay ở Thủ đô Hà Nội, người dân không muốn thấy những chiếc xe mang biển số ngoại tỉnh lòng vòng, ngang dọc, vừa gây ùn tắc giao thông, vì ai cũng hiểu, địa phương lên Trung ương vào dịp cận Tết có mục đích gì.
Mặt khác, chúng ta cũng không thể tổ chức ra đường dây nóng xong ngồi chờ “bốc máy” là chống được nạn “biếu”, “xén”. Mà làm sao để mệnh lệnh của những người đứng đầu được thực hiện trên 63 tỉnh thành, 713 quận huyện và hàng ngàn xã phường thị trấn.
Điều này cũng có nghĩa, làm sao dẹp bỏ nạn “xén” mang đi “biếu” để những gói quà ngày tết trở lại với nét đẹp vốn có là một việc làm không phải dễ thực hiện nếu như không có sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ các cấp
Hy vọng Chỉ thị 40 của Ban Bí thư sẽ góp phần khởi đầu cho một cuộc cách mạng chỉnh đốn đạo đức cán bộ, tạo hình ảnh đẹp về người cán bộ liêm chính, vì dân, thể hiện nhất quán tinh thần hành động của bộ máy hành chính.
Sông Trà