Pháo không nổ và Nghị định 137/2020 của Chính phủ
Có lẽ, dạo gần đây không chỉ tôi mà khá nhiều người bất ngờ khi nghe đến việc Chính phủ cho phép đốt pháo không nổ trong dịp sinh nhật, đám cưới, lễ khai trương… tại Nghị định 137/2020 vừa được ban hành. Pháo nào mà lại không nổ? Không nổ thì sao gọi là pháo?
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu rõ ràng về Nghị định 137/2020 thì mới vỡ lẽ, hóa ra mình đã hiểu sai. Lâu nay vẫn tồn tại 2 loại pháo là pháo nổ và không nổ. Và pháo không nổ mà người dân được sử dụng là những loại lâu nay vẫn được bán ở các cửa hàng hay tiệm bánh ngọt như cây pháo dài một gang tay, nhỏ bằng ngón tay cái mà người dân thường dùng đốt, cắm trên bánh sinh nhật, hoặc loại tròn to bằng cổ tay và dài vài chục cm hay đốt trong đám cưới, tân gia hoặc lễ động thổ khai trương.
Và sau khi tìm hiểu Nghị định cũng hiểu thêm tại sao, lâu nay chúng ta vẫn thường sử dụng là những loại đó, đâu có khác gì, tại sao phải quy định về pháo nổ và pháo không nổ? Đó là bởi vì, việc đốt pháo trong những ngày Tết, lễ hội…là một phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân ta. Tuy nhiên, do không có những quy định rõ ràng về khái niệm pháo nổ và pháo không nổ nên dẫn tới có những trường hợp lách luật để sai phạm. Từ đó, kéo đến những tai nạn thường xuyên xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển và đốt pháo, hàng năm đã cướp đi sinh mạng nhiều người, làm bị thương hàng nghìn người, nhiều người bị tàn tật suốt đời, gây lãng phí về tiền bạc, ô nhiễm môi trường. Đơn cử như vụ nổ container pháo hoa nổ ở Mỹ Đình năm 2010, vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa nổ ở Phú Thọ năm 2013. Dịp Tết năm 2019-2020 tình trạng đốt pháo hoa nổ tăng đột biến khiến 200 người gặp nạn. Bên cạnh đó, tình trạng đốt pháo sáng phổ biến trong các trận đấu bóng đá, đã gây ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng… Từ đó để thấy việc ban hành khái niệm rõ ràng như vậy là để bảo vệ tính mạng của người dân, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra khi biết rõ nguyên nhân phải tìm cách ngăn chặn.
Bên cạnh tình trạng sử dụng pháo hoa nổ trái phép, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã mua bán trái phép pháo hoa (không nổ), nhưng việc xử lý gặp khó khăn vì chưa rõ khái niệm. Trước thực tế đó, Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định 137/2020, tách riêng khái niệm về pháo hoa gồm pháo hoa và pháo hoa nổ. Đây chính là điểm mới đáng chú ý của Nghị định này. Nhờ vậy, có thể quy trách nhiệm và có cơ sở pháp lý rõ ràng để xử lý những trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán trái phép pháo. Từ đó, có thể răn đe những kẻ đã và đang ấp ủ hành vi phạm tội liên quan đến pháo. Nhất là trong những dịp Tết, tình trạng pháo tự chế đang rao bán tràn lan trên mạng xã hội mà không có bất cứ một quy chế nào xử lý.
Đặc biệt, nhờ có Nghị định mới này mà người dân biết được những cửa hàng mà mình có thể mua pháo tránh tình trạng gián tiếp tiếp tay cho những kẻ phạm pháp. Đồng thời, khi có nghị định, các cơ sở sẽ được phép sản xuất pháo không nổ, tránh được tình trạng sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng buôn lậu gây nguy hại cho người sử dụng. Và cũng từ Nghị định này, mà cơ quan chức năng sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, vừa quản lý tốt những cơ sở sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho người dân.
Một điều khá thích thú mà rất nhiều người chưa biết được trong Nghị định này là, “Vào dịp giao thừa Tết Nguyên đán, các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Các tỉnh còn lại được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút”. Điều này có nghĩa là từ nay tất cả các tỉnh thành đều có thể bắn pháo hoa vào dịp Tết. Mặc dù, là đốt pháo hoa tầm thấp nhưng như vậy thôi cũng đủ để mang lại niềm vui cho người dân ở các tỉnh thành trong cả nước. Không khí đón thời khắc năm mới sẽ được lan rộng, thực tế chứ không phải là qua màn hình tivi. Rồi đây, những đứa nhỏ sẽ vui lắm đây!
Bạn đọc Hải Anh