Pháo đài bay B-52 mòn mỏi chờ động cơ mới
Máy bay ném bom chiến lược B-52 sẽ được nâng cấp với động cơ mới để tiếp tục tung cánh trên bầu trời cho đến năm 2050, đưa nó trở thành phi cơ lâu đời nhất thế giới.
Sau vài tháng trì hoãn, Không quân Mỹ hy vọng sẽ nhận được sự chấp thuận từ Quốc hội về đề xuất động cơ mới cho máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress, pháo đài bay huyền thoại của Mỹ từ Chiến tranh Lạnh cho đến nay, Defense News cho biết.
Tuy nhiên, tại căn cứ không quân Barksdale ở Louisiana, những người bảo trì máy bay ném bom B-52 đang khao khát động cơ mới, hy vọng sẽ giảm bớt thời gian cần thiết để chẩn đoán và khắc phục các sự cố về động cơ.
“Nếu được ưu tiên các hệ thống theo quan điểm của tôi, không quân cần thay thế các động cơ mới trước”, trung tá Tiffany Arnold, chỉ huy đội bảo trì tại căn cứ nói với Defense News trong chuyến thăm đến căn cứ.
Cuộc tranh luận kéo dài 30 năm
Mỗi máy bay B-52 sử dụng tới 8 động cơ phản lực TF33, điều đó buộc nhân viên bảo trì phải dành nhiều thời gian để đảm bảo mỗi động cơ hoạt động tốt. Trong một số trường hợp, có nhiều hơn một động cơ cần được sửa chữa, điều đó đòi hỏi nhiều công việc và thời gian hơn cho các kỹ thuật viên để kiểm tra và đánh giá.
Không quân tin rằng họ có thể giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, thời gian cần thiết để bảo trì B-52 bằng cách thay thế 8 TF33 bằng động cơ mới. Thay động cơ cho B-52 đã trở thành một cuộc thảo luận kéo dài trong 30 năm qua, Alan Williams, phó giám sát chương trình B-52, Bộ tư lệnh Không kích toàn cầu cho biết.
B-52 được dự kiến nghỉ hưu vào năm 1996, sau đó lùi lại vào năm 2000, tiếp tục lùi thêm vào năm 2003, sau đó là năm 2040 và bây giờ là 2050. “Việc kéo dài thời gian sử dụng B-52, chúng ta cần bật đèn xanh cho những nâng cấp mà chúng ta đã tìm kiếm trong 20 và 30 năm qua, nhưng chưa bao giờ được tài trợ”, ông Williams nói.
Việc đề xuất thay thế động cơ cho B-52 được lên kế hoạch vào tháng 3, sau đó lùi lại vào cuối năm 2019. Hợp đồng dành cho nhà sản xuất động cơ được lên kế hoạch sau khoảng một năm, kể từ khi đề xuất được phê duyệt.
Khi nhà thầu giành chiến thắng sẽ chuyển sang giai đoạn thiết kế và thử nghiệm. Động cơ mới dự kiến lắp đặt trên B-52 để bay thử vào năm 2023 hoặc 2024. Williams thừa nhận sự chậm trễ một phần do lo ngại của các nhà lập pháp Hạ viện về chiến lược mua sắm của không quân.
Vấn đề khúc mắc là quyết định của không quân trong việc trao hợp đồng cho nhà thầu chế tạo nguyên mẫu, trước khi các yêu cầu và dự toán chi phí được hoàn thành. Ủy ban Quân vụ Hạ viện muốn không quân nộp thêm tài liệu về lịch trình và chi phí cho vấn đề này.
Các lãnh đạo không quân đang nỗ lực làm việc để trả lời tất cả câu hỏi của Quốc hội. “Không có lý do nào cho sự chậm trễ ngoài việc vượt qua cánh cửa của Quốc hội”, ông Williams nói.
Ba nhà cung cấp động cơ tiềm năng gồm General Electric, Rolls Royce và Pratt & Whitney đang ký hợp đồng cho giai đoạn phát triển nguyên mẫu. Quá trình đấu thầu sẽ diễn ra vào tháng 11, mỗi nhà sản xuất sẽ giới thiệu nguyên mẫu động cơ và giải pháp tích hợp nó vào B-52.
Pratt & Whitney dự kiến giới thiệu động cơ PW815, nhưng công ty này ủng hộ giải pháp nâng cấp kéo dài tuổi thọ cho động cơ TF33 như một giải pháp thay thế cho việc mua động cơ mới.
Rolls Royce giới thiệu phiên bản của động cơ F130 và hứa sẽ xây dựng một nhà máy ở Indianapolis, Indiana nếu giành chiến thắng. General Electric dự kiến giới thiệu động cơ CF34-10 hoặc Passport.
Chìa khóa cho sức mạnh của B-52
Động cơ TF33 được phát triển vào cuối những năm 1950, chúng không được trang bị các cảm biến như động cơ hiện đại được sử dụng để theo dõi hiệu suất hoặc chẩn đoán sự cố trước khi nó xảy ra.
Trung tá Arnold nói: “Chúng tôi có thể thấy một chỉ báo về việc động cơ có vấn đề, nhưng chúng tôi không biết mất bao lâu cho đến khi nó thực sự xảy ra. Trong thế giới bảo trì, chúng tôi muốn ngăn chặn các lỗi kỹ thuật làm gián đoạn quá trình huấn luyện theo lịch trình hoặc nhiệm vụ chiến đấu”.
Ông Arnold bày tỏ mong muốn có được động cơ mới cho máy bay ném bom B-52 để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu cao nhất của cỗ máy ném bom huyền thoại này.
Gregory Gatdula, phi công cao cấp, một thợ cơ khí máy bay phản lực, cho biết thời gian sử dụng kéo dài khiến việc bảo trì động cơ gặp nhiều rắc rối, ảnh hưởng đến độ tin cậy của B-52.
“Chúng tôi có thể xác định một số thứ, nhưng hầu hết là ngẫu nhiên. Các máy móc này không có bất kỳ thứ gì có thể giúp chúng tôi khắc phục sự cố động cơ ngoài thao tác thủ công. Vì vậy, nếu có động cơ mới với khả năng có thể giúp phát hiện và xác định lỗi kỹ thuật của động cơ sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều”, Gatdula nói.
Máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress, biệt danh “Pháo đài bay” được đưa vào sử dụng từ năm 1955. Pháo đài bay tham chiến lần đầu trong Chiến tranh Việt Nam, theo một số thống kê chưa thống nhất, khoảng 31 chiếc B-52 bị bắn hạ trong Chiến tranh Việt Nam.
Đến Chiến tranh Vùng Vịnh, Không quân Mỹ đã nâng cấp B-52 với vai trò tấn công tầm xa bằng tên lửa hành trình để tránh thiệt hại do phòng không như trong Chiến tranh Việt Nam. Ngày nay, B-52 được sử dụng trong vai trò tấn công tầm xa với vũ khí dẫn đường công nghệ cao.
Dù đã trải qua hơn 67 năm sử dụng nhưng vai trò của B-52 vẫn chưa thể thay thế. Việc Không quân Mỹ liên tục hoãn thời điểm cho B-52 ngưng hoạt động đã nói lên điều này. Việc kéo dài thời gian sử dụng B-52 đến năm 2050, đưa nó trở thành máy bay được sử dụng lâu nhất trong lịch sử hàng không.
Trung Hiếu/ Zing News