+
Aa
-
like
comment

Phân vân hai phương án hồi sinh sông Tô Lịch

25/01/2021 14:22

Các sở, ngành của Hà Nội và nhà khoa học đang tính toán bổ cập nước cho sông Tô Lịch bằng 2 phương án là qua hồ Tây hoặc qua cống Liên Mạc.

Hà Nội đang gấp rút hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hạng mục cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch nhằm giải quyết dứt điểm bài toán ô nhiễm tại con sông này hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, bước tiếp theo để hồi sinh con sông là tạo dòng chảy vẫn chưa thể chốt được phương án chính thức. Bài toán này đã được đặt ra từ lâu, nhưng việc bổ cập bằng nước sông Hồng qua hồ Tây hay cống Liên Mạc đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Một bài toán, hai lời giải

Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc BQL dự án Cấp nước, thoát nước và môi trường Hà Nội, cho biết đơn vị đang phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát các phương án phù hợp. Trong đó, việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch bằng nước sông Hồng là hợp lý hơn và đang được nghiên cứu theo 2 cách.

Cách thứ nhất là bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt sát mép nước sông Hồng, đặt tuyến ống dẫn nước từ trạm bơm đi qua ngõ 464 Âu Cơ, đê sông Hồng dẫn vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây.

bo cap nuoc song To Lich anh 1
Cống Liên Mạc (đoạn đỏ) đặt trên sông Nhuệ, đoạn qua quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Google Maps.

Mương tiêu này có vai trò lọc nước qua bể lắng trước khi đưa nước vào Hồ Tây. Nước Hồ Tây xả qua các cửa điều tiết A và B để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch và tạo dòng chảy cho con sông.

Cách thứ 2, các đơn vị liên quan đang báo cáo TP bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Theo ông Hùng, phương án này đem lại nhiều lợi ích do hệ thống đã được quy hoạch sẵn một số đoạn tuyến nên tiết kiệm được thời gian, kinh phí đầu tư.

“Ban sẽ không phải lập thêm một dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ, thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Phải tạo dòng chảy 5-10 m3/s

Ông Hoàng Xuân Hồng, Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, cho rằng mỗi cách làm đều có khó khăn, thuận lợi riêng.

“Mục tiêu là tạo ra dòng chảy tối thiểu 5-10 m3/s và đảm bảo tương đối bền vững thì mới hồi sinh được con sông này. Bổ cập nước sông Hồng vào Tô Lịch đã được nhắc đến từ lâu và các nhà khoa học đã tính tới 2 phương án này”, ông Hồng nói với PV.

bo cap nuoc song To Lich anh 2
Sông Tô Lịch sẽ thoát cảnh ô nhiễm khi Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động. Ảnh: Việt Linh.

Về phương án sử dụng cống Liên Mạc, ông Xuân Hồng cho rằng cần đáp ứng 2 yếu tố. Thứ nhất là tạo độ dốc đảm bảo tốc độ dòng chảy và thứ hai là tính đến việc xây lắp các trạm bơm phục vụ sông Hồng mùa cạn, mực nước dưới cao trình của cống.

“Mùa cạn, lúc thấp nhất thì nước sông Hồng cũng không vào được sông Nhuệ qua cống Liên Mạc. Để dẫn nước vào Tô Lịch cũng rất khó khăn. Theo tôi, các đơn vị nên tính toán thật kỹ phương án này, đảm bảo hiệu quả nhất”, ông Hồng nói.

Làm việc với Sở Xây dựng trước đó, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao đơn vị này khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch khi TP chuẩn bị đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào sử dụng.

Bí thư Hà Nội cho rằng khi tách được toàn bộ nước thải, sông Tô Lịch gần như sẽ không còn nguồn cấp. Vì vậy, tìm nguồn cấp bổ sung, tạo dòng chảy cho con sông phải được triển khai từ lúc này.

PV liên hệ với Sở Xây dựng về vấn đề này và được lãnh đạo sở cho biết việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch vẫn đang được các đơn vị TP và cơ quan này nghiên cứu. Trước mắt, Sở Xây dựng tập trung hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trước, rồi thống nhất phương án tạo dòng chảy cho Tô Lịch để trình TP.

Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm. Tổng mức đầu tư được duyệt là gần 16.300 tỷ đồng do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ. Dự án được khởi công từ 2016, nhưng đến năm 2019 công trình mới chính thức khởi động.

Dự án gồm 4 gói thầu chính. Gói thầu số 1 (xây dựng nhà máy xử lý nước tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) và số 4 (xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới) được khởi công trong năm 2019. Gói thầu số 2 (xây dựng hệ thống cống bao quanh sông Tô Lịch và cống chính) và số 3 (xây dựng hệ thống thu gom nước thải tại sông Lừ) vừa được triển khai vào tháng 5.

Ban quản lý dự án cho hay các hạng mục chính của dự án cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Sơn Hà/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều