+
Aa
-
like
comment

Phản ứng của Trung Quốc khi Mỹ không mời tham gia G7 mở rộng

08/06/2020 21:16

Tổng thống Mỹ đưa ra ý tưởng mời Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và có thể cả Brazil tham dự G7 mở rộng nhưng lại “phớt lờ” Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đưa ra ý tưởng mời Nga, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc và có thể cả Brazil tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở rộng với lý do nhóm này đã “lỗi thời”. Tuy nhiên, trong số các nền kinh tế lớn mới nổi được mời vắng bóng Trung Quốc. Vậy Bắc Kinh nghĩ gì về đề xuất này của Washington?

my khong moi tham gia g7 mo rong, trung quoc noi gi? hinh 1
Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 ở Nhật Bản. Ảnh: Business Insider

Vì sao mở rộng G7 vào lúc này?

Về lý do Tổng thống Mỹ mong muốn mở rộng G7 trong khi liên tục tuyên bố rút khỏi các định chế quốc tế, gần đây nhất là Hiệp ước Bầu trời mở, ngoài điều ông nói là bởi tổ chức này đã “lỗi thời”, báo chí và chuyên gia Trung Quốc cho rằng, còn có những lý do từ chính trong lòng nước Mỹ và những toan tính chính trị khác.

Bài viết trên tờ Tin tức tham khảo, một ấn phẩm của Tân Hoa Xã cho rằng, đây là những chiêu thức còn lại cuối cùng trước bầu cử của ông Trump, bởi chính quyền Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông đã “bất lực” trong xử lý dịch bệnh, càng “bó tay” trước những vấn đề tồn tại bấy lâu trong xã hội Mỹ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong nước hiện nay. Nguyên do sâu xa hơn là kiềm chế sự phát triển lớn mạnh của Trung Quốc.

Ngoài ra, theo ông Tô Hiểu Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng định mượn diễn đàn G7 lần này chứng minh cho thế giới thấy nước Mỹ đã chiến thắng dịch bệnh và khôi phục mối liên hệ với bên ngoài; muốn một lần nữa phát huy vai trò “Lãnh đạo liên minh” của Mỹ trong G7, nhằm tìm kiếm sự phối hợp của các đối tác trong các mục tiêu chiến lược của Mỹ.

Cũng theo chuyên gia này, Mỹ kéo nước khác vào liên minh còn nhằm “thị uy” các đối tác truyền thống rằng mọi khuôn khổ đều có thể thêm thành viên mới. Không chỉ vậy, việc ngày càng có nhiều các quốc gia “then chốt” gia nhập “phe cánh” của mình để “phân hóa” quan hệ với Trung Quốc phù hợp với lợi ích của Mỹ, bởi lúc này Trung Quốc chính là vấn đề Tổng thống Trump quan ngại nhất.

Còn theo ông Điếu Đại Minh, Phó Giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, việc Mỹ chọn mời 4 quốc gia trên phù hợp với quan tâm của Mỹ trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Như việc mời Nga, vừa có thể đối trọng với những đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu, như Đức, Pháp, vừa là đối tác then chốt trong trong vấn đề năng lượng hay tình hình Trung Đông. Mời Australia và Ấn Độ xuất phát từ tính toán liên quan đến chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương” của Mỹ, còn Hàn Quốc là một đồng minh khác ngoài Nhật Bản của Mỹ ở khu vực châu Á.

Không thể gạt Trung Quốc sang một bên?

Thiết lập liên minh chống Trung Quốc, đây là nhận định phổ biến của báo chí và chuyên gia Bắc Kinh khi đề cập đến ý tưởng biến G7 thành G11 và nhiều hơn thế của ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, nếu thiếu Trung Quốc, ý tưởng này của ông Trump khó có thể thành hiện thực.

Ông Vương Tuấn Sinh, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương và Chiến lược toàn cầu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, việc G20 thay thế vị trí chủ đạo của G7 trong việc xử lý các vấn đề quốc tế đã trở thành nhận thức chung rộng rãi của các quốc gia trên thế giới. Một trong những thay đổi chính của thế giới hiện nay là sự trỗi dậy đồng loạt của các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển. Sự đóng góp của họ đối với tăng trưởng kinh tế thế giới lên đến 80%. Tỷ trọng nền kinh tế của nhóm này chiếm gần 40% tổng lượng kinh tế thế giới và rất có thể lên tới gần 1/2 trong 10 năm tới.

Cũng theo chuyên gia này, trong cơ chế G11 hay G12 mà Tổng thống Trump dự định thiết lập, Brazil, Ấn Độ và Nga là những nền kinh tế mới nổi và quốc gia đang phát triển được mời, trong khi Trung Quốc – nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới, lại bị gạt ra ngoài. Rõ ràng, xuất phát điểm của ông Trump là những tính toán chính trị khác, mà không phải là việc thiết lập 1 cơ chế quốc tế mang tính đại diện hơn, thay thế cho một G7 đã “lỗi thời”.

Việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga hôm 2/6 tuyên bố, nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng sẽ không đảm bảo được “tính đại diện phổ biến”, cùng với việc tổng lượng nền kinh tế Trung Quốc gấp hơn 2 lần cả Brazil, Ấn Độ và Nga cộng lại, đóng góp lên tới hơn 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu mỗi năm…, là những lý do mà theo chuyên gia này Mỹ không thể gạt Trung Quốc ra ngoài nếu muốn có một định chế quốc tế mới “phản ánh hiện trạng thế giới”.

Ngoài ra, theo ông Viên Chinh, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mong muốn của Mỹ đưa G7 tiến lên G11 khó thực hiện, bởi ở khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc vẫn cần dựa vào Trung Quốc, giữa Trung Quốc và Nhật Bản có mối hợp tác kinh tế trong khu vực Đông Á, một số quốc gia châu Âu cũng hợp tác với Trung Quốc, trong khi nội bộ của khu vực này vẫn còn những khác biệt.

Bên cạnh đó, bài bình luận đăng trên mạng Tin tức tham khảo cũng cho rằng, “mưu đồ” của Mỹ sẽ không thực hiện được, bởi các thành viên khác của G7 sẽ không vì Mỹ mà mạo hiểm. Dù là đồng minh của Mỹ, song họ có những tính toán lợi ích riêng và khá độc lập trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc, không dễ gì để Mỹ “dắt mũi”, trở thành công cụ vây hãm Trung Quốc. G7 cũng không muốn mở rộng thành G11, bởi dù sức ảnh hưởng trên trường quốc tế của tổ chức này đã yếu đi nghiêm trọng, nhưng họ vẫn luôn cho rằng mình là đại diện cho các quốc gia công nghiệp chủ yếu của phương Tây, nước khác không đủ “tư cách” gia nhập nhóm nhỏ khép kín này. Sự phản đối của Nga đối với việc hình thành các tập đoàn “vây hãm” Trung Quốc cũng sẽ cản trở ý tưởng này của ông Trump.

Về vấn đề này, trong một phát biểu chính thức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên mới đây khẳng định, Trung Quốc nhất quán cho rằng, dù là tổ chức quốc tế hay hội nghị quốc tế, đều cần có lợi cho việc tăng cường tin cậy giữa các nước, có lợi cho việc bảo vệ chủ nghĩa đa phương, cũng như thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới. Việc kết bè kéo phái theo nhóm nhỏ nhằm vào Trung Quốc sẽ không được lòng người, cũng không phù hợp với lợi ích của các quốc gia liên quan.

Bích Thuận/ VOV

Bài mới
Đọc nhiều