+
Aa
-
like
comment

Phẫn nộ với nhóm người trục lợi từ mua thiết bị chống dịch

Thành Nhân - 24/04/2020 06:21

Trong khi cả nước căng mình chống dịch thì một số cá nhân tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội bắt tay doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Các bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng /// Ảnh: Bộ Công an cung cấp
Các bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng

Như đã thông tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) và một số đơn vị liên quan; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và bắt tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 7 người để điều tra về hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo thông tin ban đầu, các bị can trong vụ án đã có hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động – xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.

“Ăn không chừa thứ gì”

Vụ việc khiến bạn đọc (BĐ) phẫn nộ, cho rằng những cá nhân trên đáng bị trừng trị nghiêm khắc trước pháp luật. Hành động của họ thật đáng hổ thẹn với biết bao cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ đang ngày đêm chống dịch; với những cụ già mang tiền tích cóp cả đời, những đứa trẻ đập heo đất tiết kiệm tiền ăn sáng… đem ủng hộ công tác phòng chống dịch.

“Họ đã ăn cắp một cách trắng trợn”, BĐ Tâm Phạm bất bình. “Xã hội người thì góp từng đồng, từng cân gạo, người thì ăn uống kham khổ để sống qua ngày. Mỗi người một cách để cùng đất nước vượt qua đại dịch. Vậy mà những người này lại rình rình cướp tiền của xã hội. Những loại người này cần xử phạt thật nghiêm, có ăn có học, có hiểu biết mà lại làm điều bẩn thỉu trong lúc đất nước đang khốn khổ”, BĐ Hà Nguyễn bức xúc.

Cùng quan điểm, BĐ Công Nguyễn ý kiến: “Đất nước thì đang khốn khổ chống dịch. Người dân thì nghèo khổ. Còn những người này thì lợi dụng để tham ô. Thật bất nhân”.

“Những người này không xứng đáng làm cán bộ. Giữa lúc cả nước gồng mình chống dịch, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người thương binh, người có công với cách mạng dành tiền trợ cấp của nhà nước để ủng hộ công tác chống dịch. Những cụ già tuổi xưa nay hiếm dành số tiền tiết kiệm nhỏ nhoi để ủng hộ. Anh thanh niên nghèo chăn vịt ủng hộ khu cách ly cả nghìn quả trứng. Người nông dân mùa màng dù thất bát cũng dành mấy chục nghìn đồng ủng hộ, mong đất nước vượt qua dịch bệnh… Thế mà mấy người này lại làm trò phạm pháp như vậy. Đúng là ăn không chừa thứ gì”, BĐ Nam Huy ý kiến.

Cần mở rộng điều tra ra các tỉnh thành khác
Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội ngày 17.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết Bộ Công an đã triệu tập nhiều cán bộ của CDC Hà Nội trong việc mua sắm máy xét nghiệm. “Việc này cũng liên quan đến một số tỉnh, thành khác. Quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy và của ban chỉ đạo là các trường hợp vi phạm phải được điều tra xử lý và xử lý nghiêm, chứ chúng ta không nương nhẹ bất cứ trường hợp nào. Trong đối phó với dịch bệnh mà lại có hành vi như vậy là những tình tiết tăng nặng”, ông Chung nhấn mạnh.

Được biết, ngoài Hà Nội, một số địa phương khác cũng đã mua sắm thiết bị tương tự với mức giá rất cao, thậm chí cao gấp 3 – 4 lần so với giá thị trường. BĐ cho rằng Bộ Công an phải mở rộng điều tra ra các tỉnh thành khác để đưa hết những “con sâu” ra trừng trị trước pháp luật. “Bộ Công an cần điều tra ở tất cả các địa phương khác rồi “đốt lò” một thể. Thủ tướng đã nói ngay từ khi có dịch là sẽ xử lý nghiêm những ai lợi dụng dịch để trục lợi, thế mà họ vẫn dám làm, thật không coi phép nước ra gì”, BĐ Ta Mac Van ý kiến.

“Mong Bộ Công an điều tra luôn các tỉnh thành khác, nếu có thì lôi hết những kẻ vô đạo đức, vô trách nhiệm với nghề nghiệp, vô lương tâm với đồng bào, vô cảm với dân tộc ra trừng trị. Thật buồn khi cả nước đang gồng mình chống dịch thì những kẻ cơ hội lại làm những việc táng tận lương tâm như thế này”, BĐ Công Thế bức xúc.

Thật xấu hổ cho những việc làm như vậy trong lúc dịch bệnh.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội),

Từng bị tố cáo

Trước khi nhận chức vụ giám đốc CDC Hà Nội, ông Cảm từng làm giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thuộc Sở Y tế Hà Nội. Năm 2018, ông Cảm được công nhận học hàm phó giáo sư và tham gia giảng dạy tại trường Đại học Y Hà Nội. Trong thời gian giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, ông bị cán bộ, viên chức trong cơ quan tố cáo sai phạm, có nhiều khoản thu nhập bất thường. Ngày 28/9/2018, đơn tố cáo của tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm nêu đích danh ông Cảm có sai phạm trong chi trả tiền lương và có tiền lương quá cao so với quy định của pháp luật. Cụ thể, năm 2017, tổng tiền lương của ông Cảm là hơn 1 tỷ đồng, cao gấp 5 lần lương phó giám đốc, gấp 12 lần lương bác sĩ.

Theo đơn tố cáo, ông Cảm không chỉ có nguồn thu nhập ở Trung tâm mà còn ở nhiều nguồn khác; ông phân phối nguồn thu nhập cho “lợi ích nhóm” gia đình; lương và thu nhập giữa lãnh đạo một số bộ phận có dấu hiệu không công bằng. Đơn tố cáo còn nêu việc ông Cảm nâng đỡ một cán bộ khác, giới thiệu kết nạp Đảng, bổ nhiệm làm cấp trưởng phòng, và vị cán bộ có dấu hiệu được ưu ái này từng bị tố cáo là có tiền án tiền sự, làm thất thoát tài sản nhà nước nhiều tỷ đồng trong mua bán, đấu thầu. Theo một cán bộ CDC Hà Nội, các đơn thư tố cáo này đều đã được Sở Y tế, UBND thành phố Hà Nội giải quyết. Vị cán bộ này cho rằng, CDC Hà Nội có hơn 500 cán bộ, công nhân viên, không tránh được những va chạm. Phóng viên đã liên lạc với các lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, CDC Hà Nội, nhưng đều chưa nhận được hồi âm.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung nói: “Liên quan đến mua sắm máy xét nghiệm, vụ này cũng liên quan đến một số tỉnh thành khác”.

Thành Nhân

Bài mới
Đọc nhiều