Phần Lan “thức tỉnh” trước sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Một nghiên cứu mới cho biết, đã đến lúc Phần Lan đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng để thoát khỏi sự phụ thuộc thương mại với Trung Quốc, mặc dù việc tìm kiếm các giải pháp thay thế là khó khăn.
Bộ Ngoại giao đã công bố một báo cáo xem xét mức độ phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc. Theo báo cáo do Bộ Ngoại giao điều phối, Phần Lan được xếp vào hàng trung bình của EU về mức độ phụ thuộc thương mại tổng thể vào Trung Quốc.
Báo cáo cho thấy Trung Quốc có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hàng nhập khẩu vào Phần Lan. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong nhập khẩu sẽ được phản ánh gần như không chậm trễ đối với thương mại và công nghiệp, đáng chú ý nhất là tình trạng thiếu pin, máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.
Phần Lan phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về máy móc, dệt may, đồ nội thất và các sản phẩm gia dụng khác, với gần 2/3 máy tính xách tay và gần 50% điện thoại được nhập khẩu từ Trung Quốc, thống kê từ Hải quan Phần Lan cho biết.
Các công ty Phần Lan tạo ra doanh thu hơn 20 tỷ euro hàng năm thông qua thương mại với Trung Quốc. Khoảng 230 công ty Phần Lan xuất khẩu hàng hóa trị giá ít nhất một triệu euro sang nước này, chiếm 97% tổng kim ngạch xuất khẩu của Phần Lan sang Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm ít nhất một phần tư doanh thu của khoảng 50 công ty.
Một nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phần Lan về các nền kinh tế mới nổi (BOFIT) công bố hôm 3/3 cho thấy sự phụ thuộc của Phần Lan vào Trung Quốc mạnh đến mức các công ty thương mại và điện tử của Phần Lan sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề do sự gián đoạn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm các nguồn thay thế sẽ khó khăn vì nhiều quốc gia có lẽ sẽ bị ảnh hưởng đồng thời, nghiên cứu cho biết thêm.
Trong một thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao, cơ quan điều phối nghiên cứu, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Thương mại Quốc tế, Nina Vaskunlahti khuyến khích các công ty tiếp tục đánh giá chuỗi cung ứng của họ về khả năng gián đoạn thương mại.
Trong một cuộc phỏng vấn với YLE, bà Vaskunlahti cho biết đã đến lúc xem xét tình hình và tổ chức đàm phán về tác động của Trung Quốc đối với Phần Lan – ngay cả khi không có khoản đầu tư đáng kể nào của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng Phần Lan và mối liên hệ trực tiếp giữa khu vực tài chính của Phần Lan và Trung Quốc là vừa phải.
Theo bà Vaskunlahti, Phần Lan nên đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài càng nhiều càng tốt để trở nên tự cung tự cấp hơn và tăng sản xuất trong nước, bao gồm cả linh kiện, đồng thời lưu ý rằng Phần Lan chứa 14 trong số 30 nguyên liệu thô quan trọng hiện được Ủy ban Châu Âu liệt kê. Bà nói thêm rằng Phần Lan nên tiếp tục mở cửa cho thương mại và hợp tác toàn cầu.
Bộ Ngoại giao cho biết năng lực của Phần Lan và châu Âu trong sản xuất và tái chế các nguyên liệu thô quan trọng cần được tăng cường để củng cố khả năng phục hồi. Trong khi đó, các công ty nên tăng cường khả năng phục hồi thương mại và đa dạng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một nghiên cứu trước đó cho thấy xuất khẩu của Phần Lan sang Trung Quốc ngày càng tập trung vào nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian trong thập kỷ qua, mang tính phiến diện hơn so với các nước được so sánh.
Báo cáo nêu rõ, một mặt, mặc dù sự phụ thuộc thương mại tồn tại rõ ràng nhưng chúng không phải lúc nào cũng gây bất lợi và mặt khác, điều quan trọng là phải tăng cường sự chuẩn bị và đa dạng hóa rủi ro do tính chất không ổn định của môi trường hoạt động địa chính trị.
Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh rằng không có khoản đầu tư lớn nào của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng cơ bản hoặc quan trọng của Phần Lan. Các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đã được thực hiện đã được nhắm mục tiêu vào phân khúc hậu cần của giao thông cảng và sân bay.
Tuệ Ngô