+
Aa
-
like
comment

Phân hạng bằng lái mới không ảnh hưởng hiệu lực bằng lái đã cấp

30/06/2020 19:21

Đại diện ban soạn thảo Luật giao thông đường bộ mới cho biết bằng lái A1 chỉ lái xe đến 125 phân khối và bằng B1 chỉ lái môtô 3 bánh sẽ không ảnh hưởng đến giá trị sử dụng của bằng lái A1 và B1 hiện nay.

Theo dự thảo Luật giao thông đường bộ mới (thay thế Luật giao thông đường bộ 2008) đang được lấy ý kiến góp ý, bằng lái xe xe sẽ phân thành 17 hạng.

Đáng chú ý, hạng A1 chỉ lái xe từ trên 50 đến 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện trên 4 kW đến 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, thay cho xe từ trên 50 đến dưới 175 phân khối như hiện nay;

Phân hạng bằng lái mới không ảnh hưởng hiệu lực bằng lái đã cấp - Ảnh 1.
Những bằng lái hiện hành còn thời hạn sử dụng không phải đổi sang hạng bằng lái khác khi Luật giao thông đường bộ mới có hiệu lực – Ảnh: KHÁNH HỒNG

Bằng lái hạng B1 sẽ dùng cho người lái môtô 3 bánh thay vì lái ôtô số tự động 9 chỗ trở xuống, xe tải số tự động dưới 3,5 tấn như hiện nay.

Đồng thời, dự thảo bổ sung hạng bằng mới là A0 cấp cho người lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) dưới 50 phân khối hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW.

Với người lái môtô 2 bánh trên 125 phân khối hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW, dự thảo quy định sử dụng bằng lái hạng A thay cho bằng A2 hiện nay.

Đối với ôtô, dự thảo cũng có những thay đổi đáng kể.

Đáng chú ý nhất, bằng lái hạng B1 sẽ cấp cho người lái môtô 3 bánh, thay vào đó người lái xe số tự động đến 9 chỗ ngồi hoặc xe tải số tự động có khối lượng hàng không vượt quá 3,5 tấn và có thể được kéo theo rơmoóc không quá 750kg sẽ được cấp bằng B2.

Còn người lái xe cả xe số sàn và số tự động đến 9 chỗ, xe tải số tự động có khối lượng chuyên chở thiết kế không vượt quá 3,5 tấn sẽ dùng bằng lái hạng B thay cho B2 hiện hành.

Trao đổi với PV, ông Lương Duyên Thống – vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái thuộc Tổng cục Đường bộ – cho biết hiện các hạng bằng lái xe của Việt Nam không tương ứng với hạng bằng của nhiều nước cũng như quy định của Công ước Vienna về giao thông đường bộ mà Việt Nam đã tham gia.

Vì vậy, việc thay đổi, bổ sung các hạng bằng lái xe là nhằm phù hợp với chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam sử dụng bằng lái xe của Việt Nam khi ra nước ngoài và người nước ngoài sử dụng bằng lái xe của nước họ cấp tại Việt Nam. Việc này phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay.

Về những lo lắng khi Luật giao thông đường bộ mới có hiệu lực quy định các hạng bằng nói trên, người có bằng A1 hiện nay đã mua môtô tới 150 phân khối sẽ không được lái xe này, người có bằng B1 sẽ không được lái ôtô số tự động nữa, ông Thống lý giải lo lắng đó không có cơ sở bởi nguyên tắc của pháp luật là không hồi tố.

Do vậy, khi luật mới có hiệu lực, những người đã được cấp bằng lái xe A1, B1 vẫn tiếp tục sử dụng bằng đã có để lái những loại xe như bằng lái đã quy định.

Cụ thể, với bằng lái A1 đã cấp không xác định thời hạn không cần phải đổi sang bằng lái hạng A để lái xe trên 125 phân khối, chỉ cấp mới bằng A1, bằng A với người thi bằng lái môtô lần đầu.

Với các bằng lái hạng B1 số tự động, B1, B2 số sàn hiện hành, khi hết thời hạn sẽ được đổi sang hạng bằng mới. Ví dụ, bằng B1 số tự động hiện nay được đổi sang bằng B2 mới; bằng hạng B1, B2 số sàn được đổi sang bằng hạng B. Khi đổi bằng lái hết hạn sẽ có tính phí như quy định hiện nay.

Đối với người cấp mới, cấp đổi bằng lái xe sẽ áp dụng theo hạng bằng lái mới.

Ông Thống cho biết ban soạn thảo và tổ biên tập dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi vẫn tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của người dân để tiếp thu điều chỉnh các nội dung trong dự thảo luật cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

TUẤN PHÙNG/TT

Bài mới
Đọc nhiều