Phản đối kịch liệt việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố tập trận trái phép ở Hoàng Sa
Ngày 29/6, Cục Hải sự Hải Nam (Trung Quốc) ngang nhiên ra thông báo, quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo đó cuộc tập trận diễn ra trong 5 ngày từ 1/7 đến 5/7 bên trong khu vực giới hạn bởi 6 tọa độ: 17°16.24N 111°24.65E; 18°02.19N, 112°59.45E; 6°58.63N, 113°48.37E; 16°29.12N, 113°44.93E; 15°41.19N, 112°38.17E; 16°03.58N, 111°26.69E. Thông báo cũng yêu cầu tàu thuyền không vào vùng biển trên trong thời gian diễn ra tập trận. Tháng 9/2019, Trung Quốc cũng ngang nhiên ra thông báo tổ chức hai cuộc tập trận trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và cấm tất cả các tàu thuyền đi lại trong khu vực tập trận.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp tại Biển Đông. Không lâu sau khi điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa” trước khi tự ý đặt tên cho 80 thực thể tại Biển Đông.
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 14/5, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế và mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.
Theo nhận định của PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản; học giả tại Quỹ Châu Á – Thái Bình Dương ở Canada), việc Trung Quốc tiếp tục phô diễn sức mạnh thông qua tập trận sắp tới nhằm thể hiện 3 thông điệp:
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã gây ra tác hại nghiêm trọng cho kinh tế Trung Quốc. Vì thế, bằng cách thể hiện sức mạnh ở Biển Đông, chính phủ Trung Quốc muốn thể hiện cho người dân nước này về sức mạnh quốc gia vẫn được duy trì.
Thứ hai, không thể phủ nhận việc uy tín của Đài Loan thời gian qua tăng lên, nhất là khi đã chống dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, Đài Bắc gần đây nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều hơn từ Washington. Vì thế, nội dung tập trận đổ bộ có thể xem là động thái răn đe để Bắc Kinh gửi thông điệp đến Đài Bắc rằng kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vẫn là một chọn lựa của Trung Quốc đại lục.
Thứ ba, các cuộc tập trận sắp tới còn nhằm gửi thông điệp đến Washington rằng bất chấp việc Mỹ tăng áp lực toàn diện trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, thì Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng đối với vùng biển này.
Vẫn theo PGS Stephen Robert Nagy, Trung Quốc đang cố khẳng định sức mạnh khi Mỹ cùng các nước châu Âu đang phải vật lộn ứng phó dịch bệnh Covid-19. PGS cho rằng: “Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cũng như các nước lân cận cần hết sức cảnh giác trước Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có thể lợi dụng tình hình bệnh dịch để có thêm nhiều hành động đáng quan ngại trên Biển Đông”.
Theo FB Niềm tin
*Bài viết theo quan điểm và văn phong riêng của tác giả