+
Aa
-
like
comment

PHẦN CUỐI CỦA SỰ THỐNG NHẤT, KHỞI ĐẦU CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

22/04/2025 18:15

Giữa những thay đổi mang tính kỹ thuật trong sắp xếp đơn vị hành chính, có một đề xuất tưởng như nhỏ nhưng lại chạm đến tầng sâu ký ức – đó là cách đặt tên địa phương theo kiểu “huyện cũ + số thứ tự”, ví dụ như Phú Ninh 1, Phú Ninh 2… Đề xuất này từng được nêu ra như một phương án thuận lợi cho quản lý dữ liệu và số hóa thông tin địa lý. Nhưng liệu sự thuận tiện ấy có đủ để đánh đổi bản sắc?

Cần khẳng định rõ: đây chỉ là một gợi ý từ Bộ Nội vụ, không phải mệnh lệnh hành chính. Theo Quyết định 759/QĐ-TTg ngày 14-4 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ, nguyên tắc đầu tiên khi đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp là phải “nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa”. Còn việc dùng số thứ tự chỉ là nguyên tắc cuối cùng, hỗ trợ cho công tác quản lý, không phải ưu tiên hàng đầu.

Người dân hiểu điều đó, và họ phản hồi bằng cách chân thành nhất – họ không đồng tình. Từ các trang mạng xã hội đến ý kiến chuyên gia đến phản biện báo chí, đâu đâu cũng thấy tiếng nói bảo vệ tên làng, tên xã đã in sâu vào tâm trí nhiều thế hệ. Bởi địa danh không chỉ là cách để nhận diện vùng đất. Nó là nơi neo ký ức, gắn kết cộng đồng, là phần linh hồn của quê hương.

Không thể có một bài thơ nào rung động khi viết về “Phú Ninh 2” như đã từng ngân nga với Tam Kỳ, Duy Xuyên, Trà My, Sông Vệ… Những tên gọi ấy gắn với lịch sử khai phá, với chiến công giữ nước, với câu ca dao bà kể cháu nghe. Nó là phần gia sản văn hóa mà cha ông để lại – không phải là thứ có thể thay thế bằng những con số khô khốc.

Chính quyền TP.HCM từng có lúc dự tính đặt tên các phường mới theo kiểu đánh số. Nhưng người dân không im lặng. Họ góp ý, và sau cùng những cái tên như Chợ Lớn, Bà Điểm, An Đông, Thủ Đức… được giữ lại – như một lời hứa với quá khứ, như một sợi dây nối tiếp tương lai. Tổng Bí thư Tô Lâm đã khen ngợi cách làm ấy, bởi khi gọi tên địa danh cũ, người dân có thể hình dung ra vùng đất ấy, có thể kể lại một câu chuyện, có thể tự hào truyền lại cho con cháu.

Chúng ta không nghèo nàn ký ức đến mức phải đánh số tên làng. Chúng ta không thể để hành chính phủ lên văn hóa một lớp bụi kỹ trị. Bởi chính những cái tên cũ – đôi khi là một chữ đơn sơ – lại giữ được phần hồn của đất.

Khi con cháu mai này tìm về gốc gác, làm sao chúng có thể kể lại chuyện “Phú Ninh 3” đã từng chiến đấu, đã từng trồng lúa, đã từng là nơi mẹ cha yêu nhau? Chúng sẽ không thể viết nhạc, không thể viết sử, không thể viết nên quê hương – nếu quê hương ấy chỉ còn là những con số.

Giữ lại tên gọi truyền thống không phải là níu kéo quá khứ, mà là cách để hiện tại có cội rễ, và tương lai có phương hướng. Bởi quê hương, chung quy, không thể gọi tên bằng số thứ tự.

Thu An

Bài mới
Đọc nhiều