+
Aa
-
like
comment

Phần còn lại của châu Âu có tiếp bước các nước Baltic từ bỏ khí đốt Nga?

07/04/2022 07:36

Trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, 3 nước Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia đã quyết định chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt Nga.

Cảng Klaipeda, Litva, nơi xây dựng trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Ảnh: AFP

Cách các nước Baltic không còn phụ thuộc khí đốt Nga

Các nhà chức trách Litva cho biết, từ ngày 1/4, nước này sẽ không nhập khẩu khí đốt của Nga nữa và thay vào đó dựa vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ cảng của họ có tên Independence.

“Từ giờ Litva sẽ không tiêu thụ khí đốt của Nga nữa. Litva là quốc gia EU đầu tiên từ chối nhập khẩu khí đốt của Nga”, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte chia sẻ trên Twitter.

Quyết định này được coi là cột mốc quan trọng trong việc đạt được sự độc lập về năng lượng của quốc gia 2,8 triệu dân.

“Nếu chúng tôi làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được”, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda nói, kêu gọi các quốc gia còn lại của EU noi gương 3 nước vùng Baltic.

Giống như các nước Baltic khác, Litva từng phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi đáng kể từ năm 2014, khi Litva đưa vào hoạt động khu cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Independence tại thành phố cảng Klaipeda.

“Từ lâu, chúng tôi hiểu rằng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng, cụ thể là công ty Gazprom của Nga, là điều quá nguy hiểm. Vì vậy, chúng tôi đã mua thiết bị đầu cuối để nhập khẩu LNG như một loại chính sách bảo hiểm”, Zygimantas Mauricas, chuyên gia tại viện tài chính Luminor Lietuva có trụ sở ở Vilnius, cho biết.

“Đây là một khoản đầu tư rất thành công. Chúng tôi không chỉ ngừng thanh toán khí đốt cho Nga mà giờ đây chúng tôi cũng bán khí đốt cho các nước láng giềng như Latvia và Estonia. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ bán khí đốt cho Ba Lan”, ông Mauricas nói thêm.

Mặc dù Latvia và Estonia không có thiết bị đầu cuối để nhập khẩu LNG, nhưng giới chức của các nước đang thảo luận về việc xây dựng một cơ sở hợp tác với Phần Lan. Nhà điều hành cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của Latvia cho biết, họ sẽ dựa vào nguồn dự trữ hiện có để ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Ông Mauricas cho biết, Latvia gần đây đã giành lại quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng khí đốt của mình, vốn từng nằm trong tay công ty Gazprom. Bởi vậy, quốc gia này có đủ nguồn dữ trự để sử dụng trong năm nay và đủ khả năng để ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga.

“Các nước Baltic đã sớm nhận ra rằng Nga đang sử dụng năng lượng như một công cụ chính trị. Chúng tôi không muốn bị đẩy vào thế bí”, chuyên gia Mauricas nói, đồng thời lưu ý rằng giá năng lượng đã tăng từ rất lâu trước khi Nga triển khai hoạt động quân sự ở Ukraine.

Nga đang cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này.

“Vấn đề đối với châu Âu là làm thế nào để gây tổn hại cho Nga nhưng không tự làm tổn thương chính mình”, Nicolas Mazzucchi, nhà nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược ở Paris, cho biết.

Chuyên gia Mazzucchi nói thêm rằng khi nói đến việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, các nước Baltic vừa có lợi thế vừa có vị trí dẫn đầu so với phần còn lại của châu Âu.

“Litva, Latvia và Estonia cũng như Ba Lan đã nỗ lực trong nhiều năm qua để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga, đặc biệt là về nguồn cung khí đốt. Ba nước Baltic trên cũng nhỏ hơn và ít dân hơn so với nhiều nước EU khác. Mức độ tiêu thụ khí đốt của những nước này tương đối nhỏ so với các quốc gia như Pháp hoặc Đức”, ông Mazzucchi cho hay.

Phần còn lại của châu Âu có thể theo sau?

Trong khi không thiếu khí đốt tự nhiên trên khắp thế giới, vấn đề là sẽ vận chuyển khí đốt đến châu Âu như thế nào?

Theo AFP, một lựa chọn cho châu Âu là tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan, “nhưng điều đó có nghĩa là cần mở rộng đường ống dẫn khí hiện có hoặc xây dựng đường ống mới”, ông Mazzucchi cho biết, đồng thời lưu ý rằng năng lực sản xuất của Azerbaijan cũng nhỏ hơn nhiều so với của Nga.

Nhà nghiên cứu Mazzucchi cho rằng châu Âu nên thận trọng trong việc tìm kiếm nhà cung cấp khác để thay thế cho nguồn cung từ Nga, và trong ngắn hạn, những nguồn cung như vậy có thể không đáp ứng được nhu cầu lớn của khu vực này.

Mỹ đã đồng ý tăng 70% sản lượng LNG sang châu Âu, nhằm cung cấp 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho khu vực này đến ít nhất năm 2030. Tuy nhiên, số lượng này chỉ bằng 1/3 lượng nhập khẩu của châu Âu từ Nga, nghĩa là các nguồn cung khác cũng rất cần thiết.

“EU có thể chuyển hướng sang các nước phía Đông của Địa Trung Hải như Cộng hòa Síp, Israel và có thể là Ai Cập. Tuy nhiên, không phải tất cả các nước đều có sẵn nguồn cung hoặc có khả năng hóa lỏng khí đốt”, ông Mazzucchi cho biết.

Ngoài ra, một trở ngại khác là số lượng tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng có hạn, hầu như chỉ được đóng ở châu Á và cần nhiều thời gian để hoàn thành.

Ben McWilliams, nhà phân tích nghiên cứu về chính sách khí hậu và năng lượng tại Viện Bruegel ở Brussels, cho biết, việc khan hiếm các nguồn lực sẵn có nghĩa là châu Âu sẽ phải chứng minh rằng họ có thể phối hợp và chia sẻ.

“Chúng ta cần sự phối hợp và đoàn kết trong nhập khẩu khí đốt. Lý tưởng là nhập khẩu khí đốt với tư cách một khối duy nhất, như Ủy ban Châu Âu hiện đang cố gắng làm, thay vì để các quốc gia thành viên riêng lẻ cạnh tranh trên thị trường quốc tế và khiến giá khí đốt tăng lên”./.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều