+
Aa
-
like
comment

Phần bún chả 35.000 đồng và câu chuyện đạo đức kinh doanh

Phạm Khoa - 22/05/2023 10:42

Câu chuyện về phần bún chả giá 35.000 đồng của một quán ăn ở Sầm Sơn, Thanh Hóa làm dậy sóng mạng xã hội mấy ngày qua đã cho thấy những tồn tại nhức nhối ở các địa phương có thắng cảnh du lịch. 

Phần bún chả 35.000 đồng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa đang gây sốt mạng

Ngày 20/05, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và câu hỏi món ăn đắt hay rẻ của một du khách phản ánh về phần bún chả giá 35.000 đồng ở một nhà hàng trên đường Lê Thánh Tông, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Qua hình chụp, phần bún chả chỉ có vỏn vẹn chén nước chấm sơ sài, dĩa bún không và hai miếng chả.

Sau khi câu chuyện được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường Thanh Hoá) đã vào cuộc, và chỉ phạt được quán ăn mỗi lỗi ghi sai chính tả theo quy định, thay “K” bằng “ngàn đồng”, vì theo lời người đứng đầu đội, thì quán có giấy phép kinh doanh hợp lệ, và không hề bán phá giá.

Nhiều người theo dõi câu chuyện đã tỏ ra không hài lòng với giải thích của chủ quán, lẫn hồi đáp của cơ quan chức năng. Hàng trăm comment bên dưới các bài viết về sự việc này cho rằng nguyên do khiến họ bất bình không nằm ở con số 35.000 đồng, mà nằm ở toàn bộ cái gọi là phần bún chả trong hình chụp. Nó cho thấy một sự xem thường khách hàng nghiêm trọng, và qua đó, nó bày ra luôn cả phông văn hóa thấp kém của người kinh doanh ẩm thực.

Nội dung thường thấy nhất từ các comment của người theo dõi câu chuyện, là: “Sự sơ sài đến đáng ngạc nhiên, không có nổi một miếng đu đủ hay cà rốt trong chén mắm. Đây là một sự xúc phạm đối với món bún chả nổi tiếng của Việt Nam.”; “Không một người làm hàng ăn có lương tâm nào lại có thể tự tin dọn cho khách hàng một chén nước mắm cẩu thả như thế!”; “Người Việt phải xấu hổ nếu phần ăn này chẳng may được đưa đến trước mặt khách nước ngoài. “… Thậm chí, có độc giả còn gõ nội dung : “Một phần bún chả truyền thống có gì?” trên Google để chứng minh rằng, bỏ qua mấy cọng rau và ly trà đá mà chủ quán chống chế, thì phần ăn của quán ăn nọ không những thiếu, mà còn bôi bác.

Thế nhưng, đáp lại sự bức xúc của dư luận, là thái độ rất mực tự tin của chủ quán khi nói thẳng với phóng viên một tờ báo: “Suất 35K (35.000 đồng) chỉ được như thế thôi”. Đáng nói hơn, chủ quán còn cho rằng quán kinh doanh món bún chả đã lâu nhưng chưa thấy ai phàn nàn điều gì cả.

Vậy ra, nhiều năm nay, phần ăn bôi bác trên vẫn được nhiều du khách thưởng thức dưới tên gọi “bún chả”, và người khách vừa “bóc phốt” quán mấy ngày trước là người đầu tiên thấy nó kỳ lạ?

Thật ra, câu chuyện trên cũng không quá lạ, nó chỉ tô đậm thêm một vấn nạn nhức nhối tồn tại đã lâu ở các địa phương có thắng cảnh du lịch, là nạn xem thường khách hàng, và tình trạng thiếu đạo đức kinh doanh.

Nếu để ý thì cứ mỗi dịp lễ, khi người dân đi du lịch nhiều hơn, thì bài “bóc phốt” món ăn ở các điểm check-in nổi tiếng trên cả nước luôn tràn ngập mạng xã hội. Từ tô bún quậy với vài khoanh mực và rất nhiều hành được bán với giá 80.000 đồng, đến phần cơm rang trứng được trình bày xấu xí cùng dưa leo xắt vô cùng cẩu thả giá 100.000 đồng tại Phú Quốc; từ tô bún bò Huế 55.000 có vài miếng thịt thâm xì mỏng tang được đặt trong tô mẻ ở Đà Lạt, đến ổ bánh mì có đúng vài miếng chả nhỏ xíu, giữa vài miếng dưa leo héo giá 30.000 đồng khách mua ở Nha Trang… Toàn những món quốc hồn quốc túy đưa Việt Nam lên bản đồ ẩm thực thế giới, lại bị chế biến và đưa ra kinh doanh một cách cẩu thả, bôi bác, lấy tiền du khách mỗi ngày.

Tâm lý tư lợi, kinh doanh bất chấp, lợi dụng sự dễ dãi của khách đi chơi đã khiến bức tranh ẩm thực ở các địa phương có khu du lịch là nỗi ám ảnh của du khách nội địa, và khiến du lịch Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt du khách quốc tế.

Quay lại câu chuyện phần bún chả 35.000 đồng gây sốt mạng, sau các động thái của cơ quan chức năng, dư luận cho rằng những chuyện làm xấu ẩm thực Việt, bôi bác du lịch địa phương vẫn sẽ lại tiếp tục mà không bị chế tài. Đơn giản, vì không có quy định nào yêu cầu trình bày món ăn Việt đúng tinh thần, và đạt thẩm mỹ nhất định. Tất cả đều trông chờ vào đạo đức kinh doanh của chủ các quán ăn.

Thiết nghĩ, giải pháp để ngành du lịch mỗi địa phương cất cánh không nằm ở đâu xa, mà nằm ở những chuyện tương tự như chén nước mắm trong món bún chả, cũng như thái độ của người bán món bún chả trong câu chuyện này. Đạo đức kinh doanh đã tệ, thì cũng đừng hỏi tại sao du khách chỉ đến chỗ mình một lần, rồi không quay lại nữa.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều