Phân bón tăng giá, họp khẩn với các nhà sản xuất
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn ngày 13-3 với các đơn vị sản xuất liên quan để đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp quản lý trước thông tin các loại phân bón DAP và MAP khan hàng, sốt giá.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Trung – cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – yêu cầu phải đánh giá lại đầy đủ tình hình sản xuất, cung ứng, lượng tồn kho của phân bón DAP trong 3 tháng qua so với cùng kỳ năm trước để xem liệu có hay không việc sản xuất giảm tới 3/4.
Nhiều thông tin cũng phản ánh do việc áp thuế tự vệ nên giá bán phân DAP có biến động lớn, chênh lệch quá nhiều.
Dẫn trường hợp giá chào bán phân DAP Đình Vũ tại TP.HCM ngày 2-3 là 10.400 đồng/kg, nhưng sau đó vài ngày đã lên 11.000 đồng/kg, ông Trung đề nghị các doanh nghiệp phải thông tin rõ về năng lực sản xuất thực tế, sản lượng xuất khẩu, giá bán để có đầy đủ thông tin cho cơ quan quản lý.
Ông Vũ Văn Bằng – tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP Đình Vũ (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam -Vinachem) – cho hay sản lượng sản xuất và bán hàng của quý 1-2021 đều tăng tới 150% so với cùng kỳ, sản xuất tới đâu bán hết tới đó. Năng lực sản xuất thực tế trung bình 25.000 tấn/tháng, cả năm có thể chạy được 240.000 – 280.000 tấn.
Giá bình quân tháng 1 (số liệu đã được kiểm toán) hơn 8,2 triệu đồng/tấn, tháng 3 ước khoảng 9,3 triệu đồng/tấn. Nguyên do tăng do nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh. Vì vậy giá chào bán tại TP.HCM là 10.549 đồng/kg, chứ không phải 11.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Quốc Hưng – phó tổng giám DAP 2 Lào Cai – cho biết cơ bản không có tồn kho, sản xuất được 68.000 tấn. Tuy vậy giá nguyên liệu tăng nên chào bán tại TP.HCM với phân vàng 10,45 triệu đồng/tấn và phân nâu 10,65 triệu đồng/tấn. Giá tới tay nông dân 11,5 – 11,7 triệu đồng/tấn, trong khi giá của Trung Quốc hiện 15,4 – 15,6 triệu đồng/tấn.
Khảo sát thị trường cũng cho thấy sản lượng nhập khẩu 2 tháng vừa qua cũng tăng mạnh, khoảng 81.000 tấn so với 34.000 tấn của năm trước.
Với nhu cầu DAP cả nước mỗi năm là 1 triệu tấn, trong khi công suất thiết kế hiện nay mới đáp ứng trên 70% nhu cầu, ông Hoàng Trung cho rằng việc duy trì mức thuế không chỉ giúp quản lý giá mà còn tăng cường sự chủ động trong cung ứng phân bón DAP. Giá phân bón tăng, theo ông do yếu tố khách quan, nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu (vận tải) tăng, nhưng giá trong nước vẫn thấp hơn nhập khẩu.
Theo đó, ông đề nghị các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực sản xuất (tổng năng lực thiết kế hiện nay 730.000 tấn, sắp tới 780.000 tấn) lên mức tối ưu nhất, thậm chí tính đến việc dừng xuất khẩu để tạo nguồn cung trong nước.
“Không thể để chuyện một nước nông nghiệp có năng lực sản lượng sản xuất phân bón 7,5 triệu tấn trên tổng công suất sản xuất phân bón hơn 32 triệu tấn, tức tiềm năng sản xuất lớn, mà lại có chuyện khan hiếm phân bón.
Doanh nghiệp cần khẳng định là hoàn toàn cung ứng DAP trong nước với giá cả hợp lý, chứ không thể cùng hè nhau đưa giá lên” – ông Trung nhấn mạnh.
Ngọc An