Phải xử phạt nếu nghệ sĩ không minh bạch khi làm từ thiện
Một số nghệ sĩ Việt cho rằng Bộ Văn hóa cần áp dụng chế tài, xử phạt khi ban hành bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là hành vi không minh bạch trong hoạt động quyên góp từ thiện.
Những ngày qua, dự thảo bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ Việt thu hút sự quan tâm của giới giải trí lẫn công chúng. Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, dự thảo vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và sớm được ban hành thời gian tới.
Trong bộ quy tắc ứng xử, vấn đề minh bạch trong hoạt động từ thiện của nghệ sĩ được nhấn mạnh. NSND Tạ Minh Tâm, diễn viên Hồng Ánh, đạo diễn Thanh Hiệp về chủ đề này.
Cần đưa chế tài xử phạt vào bộ quy tắc ứng xử NSND Tạ Minh Tâm cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ ở thời điểm này là cần thiết và hợp lý.
“Thời gian gần đây, giới giải trí có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh mà mọi người đều biết thông qua mạng xã hội lẫn đời sống. Nhiều nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, tác động không tốt đến thế hệ trẻ.
Sự ra đời của một bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết những rắc rối kể trên là phù hợp. Tất nhiên, dự thảo đang trong quá trình hoàn thiện nên cần sự góp ý của các cơ quan, ban ngành, nghệ sĩ và công chúng. Bản thân tôi nhiều ngày qua cũng bình tĩnh lắng nghe, nhận định các ý kiến phản biện từ các nguồn khác nhau”, NSND Tạ Minh Tâm nói với Zing.
Nam ca sĩ hy vọng sau khi bộ quy tắc ứng xử ra đời, nghệ sĩ sẽ có một quy định chung để theo dõi, ứng xử văn minh hơn trước.
“Nếu không có những quy tắc chung, nghệ sĩ sẽ mạnh ai nấy làm, tự bảo vệ quan điểm cá nhân, dẫn đến những tranh cãi không hồi kết. Từ chuyện ứng xử thế nào trên mạng xã hội, chuyện đi làm từ thiện, quảng cáo… nghệ sĩ sẽ ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với công chúng, xây dựng hình ảnh”, nam nghệ sĩ bày tỏ.
Theo NSND, dự thảo không áp dụng chế tài đối với các hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ là điều dễ hiểu. Bởi đây chỉ là quy tắc về ứng xử, không phải văn bản pháp luật.
“Chúng tôi xem đây là nội quy dành cho giới nghệ sĩ để mọi người cùng nhau ứng xử cho đồng bộ, hợp tình, hợp lý, văn minh, không tạo ra những sự phức tạp trong đời sống nghệ thuật. Nếu phải xử phạt, chúng ta đã có quy định trong nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ”, NSND Tạ Minh Tâm trao đổi thêm.
Nam nghệ sĩ nói bản thân ông cũng có những nguyên tắc khi hoạt động trên mạng xã hội.
“Tôi là nghệ sĩ hoạt động trong môi trường mô phạm nên ứng xử theo quy tắc của nhà trường. Bản thân tôi cũng tham gia vào showbiz, không tạo ra tranh luận, scandal để gây chú ý. Tôi chỉ tập trung làm tốt chuyên môn của bản thân và cống hiến cho xã hội”, ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ ông hoàn toàn ủng hộ sự ra đời của bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch soạn thảo.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ những nội dung trong dự thảo, nam đạo diễn nhận thấy bộ quy tắc ứng xử còn chung chung, chưa đủ sức mạnh để răn đe nhằm trong sạch hóa môi trường hoạt động nghệ thuật.
Đạo diễn Thanh Hiệp góp ý cần đưa chế tài xử phạt đối với những hành vi như quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không minh bạch tiền từ thiện hoặc phát ngôn lệch chuẩn của giới nghệ sĩ.
“Những yêu cầu về sự minh bạch trong công việc từ thiện, không quảng cáo bừa bãi, không phát ngôn thiếu trách nhiệm được đề cập trong dự thảo là cần thiết. Thời gian qua, những trường hợp xử phạt hành chính khi nghệ sĩ phát ngôn, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng với mức tiền phạt quá nhẹ, không phải là điều công chúng chờ đợi.
Cái giá cho những hành vi này phải là biện pháp mạnh hơn. Đặt chuẩn mực người nghệ sĩ trước một tấm gương phản chiếu lớn để họ nhìn lại chính mình”, đạo diễn Thanh Hiệp trao đổi.
Đạo diễn cho biết Bộ Văn hóa cần bổ sung mức phạt tiền và thời hạn cấm hoạt động nghề nghiệp, xuất hiện trước công chúng trong thời gian nhất định, gỡ bỏ các sản phẩm của nghệ sĩ trên nền tảng số, bắt buộc tham gia các lớp học về đạo đức nghề nghiệp, ý thức công dân và nhận biết hành vi ứng xử để chỉnh đốn lối sống, phát ngôn.
“Lâu nay, nghệ sĩ làm sai cứ xin lỗi rồi qua chuyện. Một vài người còn lợi dụng sự dễ dãi này để đánh bóng tên tuổi bản thân, bất chấp hậu quả.
Tôi tin rằng ngoài những quy tắc ứng xử chung, ban soạn thảo cần đưa ra các quy tắc cụ thể trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử với đồng nghiệp, khán giả, trong công tác xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội để không chỉ tránh lùm xùm từ hoạt động từ thiện, chuyện quảng cáo, phát ngôn… Bộ quy tắc sẽ là vòng kim cô có sức mạnh kiềm chế nghệ sĩ phát ngôn sai, giữ hình ảnh đẹp trong mắt công chúng”, ông nhận định.
Bản án lớn nhất của nghệ sĩ là sự thanh lọc, tẩy chay Diễn viên Hồng Ánh trao đổi với Zing rằng cô tiếp nhận những nội dung trong bộ quy tắc ứng xử thông qua truyền thông. Tuy nhiên, nữ diễn viên cảm thấy nhiều quy tắc trong dự thảo còn mơ hồ, chung chung.
“Tôi đánh giá cao mục đích của Bộ Văn hóa khi thực hiện bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ. Nhưng cách thức thực hiện và độ khả thi của dự thảo này sẽ rất khó. Vì ở góc độ nào, tôi cũng thấy bất hợp lý.
Nếu xét ở khía cạnh đạo đức, xã hội, những quy tắc trên đây không chỉ dành riêng cho nghệ sĩ mà còn đối với những người dân bình thường. Tôi đọc các nội dung trong dự thảo và thấy thuộc về phạm trù giáo dục hơn là ứng xử. Đó là giáo dục từ gia đình, nhà trường, xã hội”, diễn viên Cây táo nở hoa bày tỏ.
Hồng Ánh nhận xét thế khó của bộ quy tắc ứng xử là làm sao vừa hướng đến xây dựng hình tượng người nghệ sĩ văn minh, hiện đại, vừa không triệt tiêu tính sáng tạo của từng cá nhân.
“Nghệ sĩ là những người có cá tính riêng. Nếu cố ép nghệ sĩ vào những nguyên tắc cụ thể, thiếu linh hoạt sẽ không những không đạt được mục đích như mong muốn mà còn giết chết sự sáng tạo. Hay chúng ta muốn tạo ra những nghệ sĩ đẹp, dịu dàng, tốt giống nhau.
Hơn nữa, bộ quy tắc chỉ mang tính răn đe, nhắc nhở mà không có chế tài xử phạt, liệu mấy ai sợ”, nữ diễn viên đưa ra quan điểm.
Theo Hồng Ánh, đối với nghệ sĩ, “bản án” lớn nhất dành cho họ là sự thanh lọc, tẩy chay của khán giả. Vì thế, mỗi nghệ sĩ cần phải tự xây dựng ý thức, trách nhiệm, hành vi của mình dựa trên hiến pháp, pháp luật và tạo ra sự đóng góp cho xã hội.
Cô nói thêm: “Mỗi công dân trên 18 tuổi đều phải sống và rèn luyện trên nền tảng của pháp luật, không nói riêng gì nghệ sĩ. Chúng tôi chỉ là nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu, tham gia phim ảnh. Còn bước ra đời sống, chúng tôi cũng chỉ là người bình thường. Tôi có quyền giữ cá tính của người nghệ sĩ, nếu điều đó không vi phạm pháp luật hay ảnh hưởng tới ai khác”.
“Tôi nghĩ bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ khó thực hiện. Đạo đức là phạm vi rộng và cần sự điều chỉnh, giáo dục từ khi con người sinh ra”, diễn viên Hồng Ánh kết luận.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đang hoàn thiện dự thảo và có văn bản gửi 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ. Các đơn vị này có trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo để Bộ sớm ban hành.
Nội dung bộ quy tắc bao gồm quy tắc ứng xử chung, quy tắc ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, quy tắc ứng xử đối với đồng nghiệp, quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng, quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Hoàng Yến