+
Aa
-
like
comment

Phải xử lý nghiêm nếu có “chống lưng” cho Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm

22/12/2021 07:24

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khoá XIII cho biết tình trạng thông thầu, nâng giá thiết bị, vật tư y tế đã được đề cập nhiều trong thời gian qua. Nhiều cán bộ quản lý trong ngành y tế, ngay cả cấp thứ trưởng cũng đã bị khởi tố, điều tra. Đó chính là điều đáng báo động trong ngành y tế.

Đặc biệt vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt, ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương cùng nhiều đối tượng liên quan để làm rõ nghi vấn vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Đáng lưu ý, đã có rất nhiều tỉnh, thành bị mua kit xét nghiệm COVID-19 với giá “trên trời”. Trong điều kiện bình thường, việc tăng giá như vậy đã phải xử lý nghiêm, còn trong bối cảnh này lại tăng giá thiết bị, vật tư y tế như vậy, càng phải xử lý nghiêm khắc hơn.

Ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khoá XIII.

Trong vụ việc này, theo tôi, một mình Công ty Việt Á không thể nâng giá kit xét nghiệm COVID-19 như thế được. Do vậy, nếu phát hiện ai trong cơ quan nhà nước “chống lưng”, hay “bảo kê” cho việc này phải xử lý nghiêm. Đồng tiền đã làm cho con người không còn giữ được phẩm giá. Các đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh, làm mọi giá để kiếm tiền, điều đó không thể chấp nhận.

Về trách nhiệm, cần xem xét công tác thanh tra, kiểm tra ngành y tế liệu đã phát huy hết vai trò hay chưa? Không rõ cơ chế quản lý của ngành y tế như thế nào mà lại để xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc đến như vậy? Ngoài trách nhiệm của Bộ Y tế, cần xem xét vai trò, trách nhiệm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Để xử lý tận gốc vấn đề phải có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc nâng khống giá xét nghiệm của Công ty Việt Á là rất nghiêm trọng

Bộ Y tế cũng khẳng định, giá sinh phẩm xét nghiệm phải thông qua đấu thầu công khai, minh bạch. Theo quy định của Luật giá, trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc danh mục mặt hàng phải quản lý giá. Giá trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm được xác định thông qua đấu thầu và giá các sản phẩm khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế và công khai kết quả trúng thầu. Hiện tại, trên Cổng công khai giá trang thiết bị y tế, đã có trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán (giá niêm yết theo quy định của Luật giá), có trên 60.000 mặt hàng trang thiết bị y tế công khai giá (8.256 thiết bị y tế; 36.191 vật tư y tế; 15.584 IVD) và 93.253 kết quả trúng thầu.

Nâng khống giá bộ xét của Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm

Cùng thời điểm Công ty Việt Á niêm yết giá trên Cổng công khai giá là 470.000 đồng/sản phẩm, thì Công ty Sao Thái Dương niêm yết giá loại xét nghiệm RT-PCR là 300.000 đồng/sản phẩm và xét nghiệm LAMP là 385.000 đồng/sản phẩm; Công ty Ampharco U.S.A niêm yết giá 179.800 đồng/sản phẩm; có 15 sản phẩm PCR nhập khẩu đã được cấp phép đăng ký và niêm yết giá từ 280.000 đồng đến 600.000 đồng/sản phẩm.

“Thông tin này đã được công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch, mà không phải là giá bắt buộc áp dụng. Các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện”, Bộ Y tế cho biết.

Trước đó, ngày 18-12, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng hàng loạt bị can có liên quan đã bị khởi tố.

Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 4-2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, Công ty đã cung ứng kit xét nghiệm cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, Phan Quốc Việt đã thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá… cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đặc biệt, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua.

Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.

Về sự việc này, Bộ Y tế nhấn mạnh, việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á là rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh.

Hồng Anh

Bài mới
Đọc nhiều