+
Aa
-
like
comment

Phải xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, lợi dụng dịch bệnh kiếm lời

sông trà - 05/02/2020 10:15

Câu chuyện xuyên tạc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội và “găm hàng tăng giá” bán khẩu trang của khá nhiều cửa hàng, hiệu thuốc trong dịp virus corona (nCoV) bùng phát đã khiến dư luận bức xúc. Trong bối cảnh cả nước đang cùng chung tay để chống lại dịch họa thì càng không thể chấp nhận được.

Công an TP. Đà Nẵng phạt 10-15 triệu đồng đối với hai trường hợp tung tin đồn về dịch virus Corona.

Cả nước chung tay chống dịch bệnh 

Sáng 2/2, Bộ Y tế xác nhận Việt Nam ghi nhận thêm một ca dương tính với nCoV nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 7 trường hợp.

Theo đó, bệnh nhân nhân là nam giới sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, ca thứ 7 được phát hiện dương tính với nCoV tại Việt Nam là ông T. H.K, sinh năm 1947, quốc tịch Mỹ. Ông này trú tại phòng 202 khách sạn Triều Hân, 382/1-3 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, Quận 3, TP.HCM.

Trước đó, ngày 14/01/2020 bệnh nhân bay từ Mỹ về Việt Nam trên chuyến bay ký hiệu 660 của hãng hàng không China Southern; ngày 15/01/2020 bệnh nhân quá cảnh tại sân bay của Vũ Hán Trung Quốc trong vòng 2 tiếng. Ngày 16/01/2020 bệnh nhân tới sân bay Tân Sơn Nhất và di chuyển đến khách sạn tại địa chỉ 382/1-3 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TP.HCM.

Sau 10 ngày ở tại TP Hồ Chí Minh, đến ngày 26/01/2020 bệnh nhân có những biểu hiện về đường hô hấp, đến ngày 31/01/2020 vào viện. Bệnh nhân cũng có tiền sử bị bệnh phì đạ tuyến tiền liệt.

Tại thời điểm đến viện, bệnh nhân không sốt, không đau cơ, ho khan, đôi khi có khó thở. Ngay tại thời điểm vào viện, các bác sĩ kiểm tra phát hiện bệnh nhân tổn thương phổi và đã phết dịch hầu họng xét nghiệm.

Thông tin xét nghiệm tại bệnh viện: Bạch cầu: 22,9K/mm3, hồng cầu: 4,61M/mm3, tiểu cầu: 388K/mm3, Hct: 42,8%. XQ: Tổn thương nhu mô phổi lan tỏa 2 phế trường. Ngày 31/01/2020 phết dịch hầu họng.

Về tình hình hiện tại đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh thở oxy, kháng sinh và kháng virus. Cũng theo số liệu cập nhật lúc 9h sáng nay của Bộ Y tế, trên thế giới đã có 14.554 người mắc, 304 người tử vong.

Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 7 bệnh nhân dương tính với nCoV. Các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị đặc biệt tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2 Đông Anh, Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Bệnh viện Đa khoa Thanh Hoá, Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hoà, Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Về tình trạng sức khoẻ của hai bệnh nhân người Vĩnh Phúc đang được theo dõi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ổn định, tỉnh táo. Bệnh nhân người Thanh Hoá, nữ lễ tân khách sạn ở Nha Trang cũng trong tình trạng ổn định.

Riêng hai cha con người Vũ Hán – 2 trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên tại Việt Nam, người con đã trải qua 3 lần xét nghiệm âm tính với nCoV, sức khoẻ hoàn toàn bình thường.

Có thể nhận thấy, từ khi có thông tin dịch bệnh từ tổ chức quốc tế, Việt Nam đã rất quyết liệt và phải nói rõ ràng trong lúc này, chúng ta có những cái thuận lợi. Từ Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, đều đã vào cuộc.

Thậm chí, với tinh thần lo cho người dân, Thủ tướng cương quyết khẳng định: “Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”. Tất cả vào cuộc “chống dịch như chống giặc” theo lời kêu gọi của Thủ tướng, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

Thế nhưng bên cạnh đó, câu chuyện xuyên tạc thông tin sai sự thật trên mạng xã hội và “găm hàng tăng giá” bán khẩu trang của khá nhiều cửa hàng, hiệu thuốc trong dịp nCoV bùng phát đã khiến dư luận bức xúc.

Đáng trách những kẻ kiếm lợi trên dịch bệnh 

Mạng xã hội (MXH) ngày nay trở thành kênh thông tin quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp, kết nối, lan tỏa thông tin tốt, nhanh, hiệu quả, góp phần giám sát và phản biện xã hội. Tuy nhiên, MXH cũng chính là “con dao hai lưỡi” nếu sử dụng một cách thiếu trách nhiệm.

Theo thống kê, Việt Nam có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số, trong đó MXH facebook có khoảng 55 triệu tài khoản. Nhiều người dùng MXH thậm chí không cần đọc, không cần hiểu nhưng vẫn cứ chia sẻ, bình luận theo hiệu ứng đám đông.

Những ngày qua, trong bối cảnh khi dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV bùng phát ở nhiều nơi, gây hoang mang trong dư luận bên cạnh những thông tin chính thống được công bố, nhiều người dùng MXH lại đăng tải những “tin vịt” không kiểm chứng, dẫn đến thông tin sai lệch bị lan truyền với tốc độ “khủng khiếp” trên môi trường mạng.

Dường như “thảm họa” mang tên nCoV bắt đầu ám ánh, từ đó trở thành nỗi khiếp sợ cho tất cả mọi người, nhiều người còn bắt đầu nghĩ đến ngày “tận thế” của nhân loại do tốc độ “lây lan” và sự “chết chóc” của loại dịch bệnh này.

Chỉ trong hai ngày 31/1 và 1/2 đã có 6 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch nCoV bị xử phạt hành chính tại tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Cũng ngày 31/1, công an thành phố Bắc Ninh xử phạt anh Nguyễn Công Hoàng (38 tuổi) và chị Vũ Quỳnh Mai (25 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi.

Theo cơ quan công an, khoảng 23h ngày 30/1, Hoàng đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung: “Tại Bắc Ninh có hơn 4.000 người Trung Quốc sinh sống và làm việc. Một trong số họ ngày 30/1 đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh chuyển tuyến khẩn cấp ra Bệnh viện Nhiệt đới trung ương do nhiễm virus corona khi người này vừa về Trung Quốc ăn tết và quay trở lại Việt Nam làm việc!!! Chuyện xấu nhất xảy ra thì Bắc Ninh sẽ là ổ dịch lớn nhất cả nước”.

Tại Vĩnh Phúc, ngày 31/1, công an cũng xử phạt chị B.H.A. (23 tuổi) và chị L.T.P. (28 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi tung tin sai sự thật về diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp. Tại cơ quan công an, cả hai phụ nữ trên đều xác nhận các thông tin đăng tải trên Facebook cá nhân đều là thông tin không chính xác. Vì thấy các phương tiện thông tin đại chúng đang cảnh báo rất nhiều về dịch bệnh này nên đã vội vàng đưa tin theo trào lưu.

Song song với những “tin vịt” là câu cuyện “đội giá, găm hàng” các dụng cụ thiết bị y tế (khẩu trang…). Giá cả của các mặt hàng y tế này đã tăng “phi mã”.
Những hộp khẩu trang bình thường chỉ có giá 50 ngàn đồng được các tiểu thương đẩy ra thị trường với giá gấp 3, thậm chí là gấp 4  đến 5 lần. Tại nhiều nơi, giá đã lên tới 300 nghìn đồng/hộp 20 cái. Thậm chí, một số người phản ánh có nơi còn hét giá 450 nghìn đồng/hộp.

Chính Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, Nguyễn Minh Tuấn, cũng phải thừa nhận, qua ghi nhận thị trường có tình trạng khẩu trang đang rất khan hiếm, giá lên, “găm” hàng. “Đây là điều không hợp lý bởi đang trong vụ dịch, mọi người đều có nhu cầu sử dụng”. – ông Tuấn nói.

Trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về  nCoV chỉ đạo: “Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.

Thực tế trên cho thấy, MXH là ảo và diễn biến rất nhanh, thông tin đa dạng cho nên đòi hỏi người sử dụng cần có kỹ năng xử lý thông tin và đánh giá những tác động của MXH lên bản thân. Vì vậy, người dùng MXH phải luôn tỉnh táo trước sự cám dỗ và những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng.

Đồng thời, người kinh doanh buôn bán đừng kinh doanh, kiếm lời dựa trên nỗi sợ hãi của người dân. Đã làm người, nên có lòng thương cảm, ít nhất cho đồng bào mình, trong nguy cơ về một thảm họa đang ập đến và có thể kéo theo những cái chết.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều