+
Aa
-
like
comment

Phải tuyên án tử cho con rắn hổ mang chúa dám cắn tay anh nông dân

Thu An - 25/08/2020 12:43

Mạng xã hội mấy hôm nay xôn xao câu chuyện, anh nông dân tay không bắt rắn, sau đó bị tấn công và mang luôn “đối tượng phạm tội” là con rắn hổ mang chúa vào bệnh viện. Dư luận xúc động với lời nhắn nhủ của anh đối với đội ngũ y bác sĩ là phải giữ gìn con rắn, bởi nó là học phí của những đứa trẻ. Rất may mắn sau đó, anh cũng đã qua cơn nguy kịch và gần 200 triệu được quyên góp hỗ trợ gia đình anh. Mặc dù, còn nhiều đau đớn nhưng đối với anh nông dân có thể như vậy là được gọi là trong họa có phúc. Về phần anh nông dân đã xong, giờ thì cũng là lúc phán quyết về tội lỗi của con rắn hổ mang chúa dám cắn người.

Đã mang thân là rắn chúa hổ mang – vua của các loài rắn, với lượng nọc độc có thể giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng, thì phải trốn tận rừng sâu núi thẳm, thấy người thì lo mà trốn tại sao lại để họ bắt gặp?

Dẫu biết rằng, đặc tính của rắn hổ mang chúa không chủ động tấn công con người, thường cố gắng trốn thoát nhanh chóng, tránh đối đầu khi gặp nguy hiểm. Chỉ trở nên hung dữ khi tiếp tục bị khiêu khích, tuy nhiên vì giá trị cao, bán được nhiều tiền hơn những loài rắn khác, thế nên anh nông dân kia mới phải cố sống, cố chết bắt cho bằng được. Cái nghèo nên thường được thông cảm dù là mưu sinh bằng cái nghề bắt rắn đầy nguy hiểm. Chuyện gì cũng được chặc lưỡi, cảm thông, “Âu cũng vì kế sinh nhai”. Vậy nên, đã không cắn vào đôi tay mưu sinh rồi, thì tại sao còn làm một phát vào đùi người ta? Để đến mức, anh nông dân tức giận, dù chết cũng phải tóm bằng được mang theo vào bệnh viện.

Mặc dù, vẫn biết rằng hổ mang chúa là loài được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam với mức độ “Nguy cấp”, tức là có nguy cơ lớn bị tuyệt chủng trong thiên nhiên tương lai gần, được nhà nước bảo vệ bằng nghiêm cấm săn bắt. Và nếu các cá nhân, có những vi phạm pháp luật với những loài động vật thuộc danh sách này có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc bị phạt đến 5 tỷ đồng. Thế nhưng, truyền thông đang bảo vệ anh ấy, còn Hội bảo vệ động vật hoang dã có lên tiếng đâu. Dẫu biết rằng, ở nông thôn hay thành thị đều có quy chuẩn sống chung là cần tôn trọng thiên nhiên. Nếu như ở thành phố, ai đó bẻ hoa, trộm cây kiểng hay vứt rác làm bẩn công viên mà bị đưa lên mạng sẽ nhận được lệnh “truyền tấn công” của cộng đồng mạng. Nhưng ở quê, được phép thỏa tay bắt động vật hoang dã, thậm chí được liệt vào danh sách Đỏ như chim, rắn, cò vì cái chặc lưỡi “ừ thì họ là nông dân”. Vậy nên tội lỗi ngẫu nhiên là thuộc về con rắn hổ mang chúa.

Lại nói, từ một vết cắn mà có thể khiến anh nông dân bị liệt vào cái diện bần cùng hóa, nằm dưới đáy tầng lớp xã hội. Mà mọi tội lỗi ấy bị đổ là do Nhà nước. Trong khi, mỗi năm Nhà nước bỏ ra hàng chục nghìn tỷ để cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa được xây lên, hàng nghìn con bò được đưa tới với người dân nghèo… Thậm chí, mới đây hơn 20 nghìn người đã được giang tay về với đất mẹ để tránh dịch, người dân cả nước thì được nhận gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ của Chính phủ để vượt qua dịch Covid-19, và đặc biệt, người dân đi cách ly và được điều trị khi nhiễm virus Corona là hoàn toàn miễn phí. Thế nhưng, mọi công sức, nỗ lực ấy, đã bị phá bỏ chỉ vì một vết cắn của con rắn hổ mang chúa.

Từ những dấu hiệu phạm tội trên, kết luận mọi tội lỗi đều từ con rắn hổ mang chúa dám cắn người mà ra, nên đề nghị phải xử tử. Vì bị cáo là động vật, không có tiếng nói, không biện hộ được cho mình, nên y án! Trảm!

Thu An

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều