Phải rạch ròi công – tư trong mua sắm thiết bị y tế
Để tránh nâng khống giá thiết bị y tế, phải kiểm soát được khâu thẩm định giá, phải xác định thu của người bệnh bao nhiêu tiền 1 ca…
Trao đổi với PV, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng – phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM, cho rằng để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế thời gian qua một phần xuất phát từ mặt trái của xã hội hóa y tế.
“Thực tế hiện nay thay vì xây bệnh viện tư, nhiều người có tiền mua trang thiết bị đầu tư tại bệnh viện công với đầy đủ cơ sở hạ tầng điện nước, bệnh nhân, nhân sự, quản lý. Thời gian khấu hao máy đã có Bộ Tài chính lo, người đầu tư chỉ cần “ăn rơ” với ban giám đốc là xong và chỉ cần ngồi rung đùi thu tiền” – ông Tùng phân tích.
Theo ông Tùng, cần phải rạch ròi công – tư. Việc xã hội hóa ngay trong bệnh viện công đang tạo cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân lợi dụng kẽ hở để kiếm tiền.
“Nhà nước bây giờ khó khăn trong vấn đề tài chính để phát triển kỹ thuật y tế. Việc kêu gọi xã hội hóa y tế theo tôi chỉ nên theo hướng mở rộng phát triển hệ thống dịch vụ; phòng khám – bệnh viện y tế tư nhân. Còn bệnh viện công hãy thực hiện các chính sách y tế toàn dân như nó vốn có” – ông Tùng nói.
Một cán bộ có trách nhiệm của ngành y tế TP.HCM nói để tránh việc nâng khống giá thiết bị y tế, trước tiên phải kiểm soát được khâu thẩm định giá với đầu vào là hóa đơn nhập khẩu. Đây được xem là mấu chốt trong liên doanh – liên kết mua sắm trang thiết bị, đòi hỏi các đơn vị khám chữa bệnh phải có “nghệ thuật” để đòi được hóa đơn này.
Kế đến, khi liên doanh – liên kết phải xác định thu của người bệnh bao nhiêu tiền trên một ca. Trong đó, giá thu phải bằng chi phí mua máy, cộng các chi phí phát sinh, số ca ước thực hiện và chia cho thời gian khấu hao máy.
“Tôi ví dụ, robot giá 10 tỉ đồng, thời gian khấu hao 5 năm. Như vậy mỗi năm tiền khấu hao máy là 2 tỉ đồng, con số này mang chia cho số ca thực hiện (tương đối) trong năm mới ra được chi phí cho từng ca bệnh.
Ngoài ra, bắt buộc phải tính toán đến tình huống số ca bệnh sử dụng dịch vụ này tăng thì số tiền đóng của người bệnh phải giảm, còn nếu bệnh viện nào cố tình ‘ngây thơ’ không điều chỉnh thì tự động nhà đầu tư sẽ thu lời” – vị này phân tích.
Cuối cùng là trách nhiệm ở bệnh viện, cần phải có sự xem xét kỹ lưỡng về nguồn gốc, giá cả các trang thiết bị y tế. “Mua cho cá nhân đôi khi còn dễ dãi nhưng khi mua cho tập thể, đặc biệt là để phục vụ người bệnh, phải có sự lo lắng, không thể nhắm mắt mua để cuối cùng người bệnh phải chịu chi phí cao như thế” – vị này bức xúc.
Theo vị này, sau vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai bị phát hiện, Bộ Y tế có công khai giá mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, số lượng trang thiết bị được kê khai còn khá hạn chế, nhiều máy mới chưa có giá, thậm chí chỉ khác biệt một số chi tiết thì không thể biết được. Điều này khác xa so với thuốc, vốn có hàm lượng, tên biệt dược để nhận biết.
HOÀNG LỘC/TT