+
Aa
-
like
comment

Phải ngăn ‘sự bình thường mới’ kiểu ‘lát cắt salami’ ở Biển Đông

10/09/2019 06:53

Sự lên tiếng của các nước lớn trên thế giới và thái độ kiên quyết của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Ðông cho thấy lẽ phải đang ở bên những nước tuân thủ luật pháp quốc tế.

Phải ngăn 'sự bình thường mới' kiểu 'lát cắt salami' ở Biển Đông
Phải ngăn ‘sự bình thường mới’ kiểu ‘lát cắt salami’ ở Biển Đông

Theo dữ liệu từ trang Marine Traffic, chiều 7-9, nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc đã quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi nhận tiếp liệu hậu cần từ đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép.

Nếu thông tin này được các cơ quan chức năng Việt Nam xác thực là đúng, nó cho thấy âm mưu rất nguy hiểm của Bắc Kinh: tạo ra “sự bình thường mới” trên thực địa.

Việc Bắc Kinh liên tục đưa tàu khảo sát và tàu hải cảnh khiêu khích, quấy phá các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam rõ ràng nằm trong mưu đồ hiện thực hóa việc mở rộng tranh chấp, biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp, từng bước mở rộng kiểm soát trong phạm vi “đường 9 đoạn” phi pháp của nước này.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19-8 về cái gọi là “tôn trọng quyền tài phán của Trung Quốc ở khu vực” cho thấy một ý định nguy hiểm: xác lập EEZ cho các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam để ngụy biện cho yêu sách “đường 9 đoạn”, tạo ra sự chồng lấn với EEZ của Việt Nam, mà cụ thể là bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa không tranh chấp của Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc dường như đang muốn thử sức chịu đựng của Việt Nam và phản ứng của quốc tế. Sự lên tiếng của các nước lớn trên thế giới và thái độ kiên quyết của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Ðông cho thấy lẽ phải đang ở bên những nước tuân thủ luật pháp quốc tế.

Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc - Ảnh: SCHOTTEL
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc – Ảnh: SCHOTTEL

Cuối tháng 8, các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức cũng lên tiếng kêu gọi các bên tuân theo luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, và phản đối các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.

Song, trước một Trung Quốc liên tục phớt lờ và bất tuân UNCLOS 1982, quốc tế cần buộc Bắc Kinh trả giá nhiều hơn vì các hành động trên Biển Ðông, theo gợi ý của giới chuyên gia.

Viết trên tạp chí Wall Street Journal của Mỹ, ông Gregory B. Poling – giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (Mỹ) – nhận định Việt Nam đang kiên quyết bảo vệ lợi ích của các tập đoàn dầu khí nước ngoài đầu tư khai thác trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp áp lực khai thác chung của Trung Quốc.

Ông Poling cho rằng Mỹ, với khả năng tập hợp lực lượng của mình, nên tiếp tục là quốc gia đi đầu trong việc bắt Trung Quốc phải cân nhắc kỹ hơn trên Biển Ðông. Vì Washington luôn là nước tuyên bố bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực.

“Nếu Washington muốn cho các nước thấy họ nghiêm túc với những cam kết đảm bảo tự do hàng hải, họ sẽ cần tiến hành ngay một chiến lược ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ cùng với các nước đối tác khác.

Mục tiêu của chiến lược đó là buộc Bắc Kinh phải nhận ra rằng họ sẽ mất nhiều thứ ở những phần còn lại của thế giới hơn là thứ họ sẽ kiếm được từ các hành động cưỡng ép tại Biển Ðông” – ông Poling gợi ý.

Chẳng hạn, với việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự để khiêu khích và cưỡng ép các nước, Mỹ cần nhanh chóng lập ra danh sách các cá nhân đứng đằng sau và trừng phạt họ.

Một số nước trong khu vực đang nhìn về Việt Nam và sự kiên quyết của Việt Nam trong cuộc đối đầu với các yêu sách vô lý của Trung Quốc cần nhận được sự ủng hộ của những quốc gia này – cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ Elbridge Colby nhận định với Tuổi Trẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 9-9, ông Colby cho rằng Trung Quốc rõ ràng đang thực hiện chiến thuật “lát cắt salami” – tức là thực hiện các hành động nhỏ và tăng dần, quá nhỏ để có thể khơi mào cho một cuộc chiến song tích lũy theo thời gian để có được sự thay đổi chiến lược đáng kể. Theo ông, Bắc Kinh có lợi thế hơn Việt Nam về số lượng tàu. Nhưng Việt Nam sẽ có nhiều năng lực hơn khi hợp tác với Mỹ và các nước.

(Theo DUY LINH/Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều