Phải đập bỏ cho được “chủ nghĩa cá nhân”
Việc làm của ông Bùi Tiến Lợi được cho là “suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước”.
Tại kỳ họp thứ 46 (từ 15-17/7) vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xét đơn khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định giữ nguyên hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Bùi Tiến Lợi – thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh.
Việc này một lần nữa cho thấy vấn đề “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ chúng ta ngày càng phức tạp, tinh vi, nguy hiểm.
Muôn màu sắc thái “tự chuyển hóa”
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ cương vị thượng tá, Chủ nhiệm Bộ môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Công binh, ông Bùi Tiến Lợi đã có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Điều nghiêm trọng hơn, trong trang phục quân nhân ông Bùi Tiến Lợi còn đăng một đoạn clip với nội dung hoàn toàn sai trái, đó là “ai đó nói rằng Biển Đông là của Việt Nam, Trường Sa thì đó là tuyên truyền trái với luật pháp quốc tế, không đúng với Công ước về luật biển năm 1982”.
Đáng chú ý, cũng liên quan đến kỷ luật tướng tá trong quân đội, chiều 20/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo đã quyết định cảnh cáo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng (nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4) và Đại tá Nguyễn Trọng Lương (nguyên Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Tham mưu, nguyên Phó bí thư Chi bộ, nguyên Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4).
Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng (nguyên Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Quân khu, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ tham mưu, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 2) bị khiển trách.
Trung tướng Dương Đức Hòa (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2), Ủy ban Kiểm tra Trung ương bị đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật.
Thực tế trên đặt ra một vấn đề đáng suy ngẫm: Phải chăng hằng năm, từng nhiệm kỳ chúng ta đánh giá chưa chính xác chất lượng đảng viên và tổ chức đảng? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát của các cấp chưa được coi trọng, chưa làm tốt, tiến hành không thường xuyên? Tính chiến đấu của người cộng sản, người đảng viên không được phát huy?
Có thể thấy, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có xu hướng diễn biến phức tạp trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong xã hội, từ một bộ phận giảng viên, sĩ quan quân đội đến cấp ủy viên Trung ương..v..v… làm cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ ta.
Đập bỏ bằng được cái gọi là “chủ nghĩa cá nhân”
“Giặc nội xâm” là một thứ giặc vô cùng nguy hiểm. Nó là thứ “bệnh nan y” lây truyền qua nhiều thế hệ, đã và đang làm băng hoại các giá trị tinh thần, nền tảng đạo đức mà Đảng và nhân dân ta đã dày công xây dựng, vun đắp. Nó như vô số “ký sinh trùng” đang hút máu.
Tuy một phần đã bị vô hiệu hoá, nhưng phần lớn còn lại chúng đang “tranh tối, tranh sáng”, thẩm thấu, công phá, bám hút, bòn rút, huỷ hoại những “chất tinh tuý” vốn có, làm cho đạo lý, nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật rối loạn và ngân khố quốc gia của Nhà nước ta đang đối mặt với nguy cơ kiệt quệ.
Trong tác phẩm cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào ngày 3/2/1969, đúng kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, có tên “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Điều này để chúng ta biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho tư tưởng chống suy thoái, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Đảng ta đang tích cực thực hiện.
Đến Nghị quyết 4, khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúng ta mới dùng khái niệm chống suy thoái, “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” chứ Bác thì không dùng từ này, Bác dùng khái niệm rất quen thuộc là chống chủ nghĩa cá nhân. Theo Bác, kẻ thù ẩn nấp ngay trong lòng mình, kẻ thù vô hình đó chỉ đợi chúng ta yếu kém để trỗi dậy.
Vì vậy, về sâu xa của “Tự diễn biến, tự chuyển hóa” chính là từ chủ nghĩa cá nhân. Bác cũng hay dùng từ “hủ hóa” để nói về sự suy thoái này, vì theo Bác sâu xa của “hủ hóa” là lỗi thời, lạc hậu mà cần phải xóa bỏ để xây dựng cái mới tiến bộ và phát triển hơn. Đây là những điều sâu sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh liên quan đến xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Theo Người, Đảng ta là Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên được bố trí vào các cơ quan Nhà nước thì sẽ là người có chức, có quyền. Chức to thì quyền to, chức nhỏ thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ mà lòng dạ không trong sáng thì vẫn có cơ hội tham nhũng.
Tất cả những chỉ dẫn thấm thía đó cho chúng ta thấy rõ từ lâu Chủ tịch đáng kính của chúng ta không chỉ vạch ra những biểu hiện suy thoái của cán bộ, mà còn cương quyết, gương mẫu chữa bằng được căn bệnh đó. Nên Đảng ta gần đây mới nói: “Trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau, để đề cao trách nhiệm, gương mẫu của những người trong Đảng, trong cấp ủy trước nhân dân”.
Phải nói rằng, “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khiến cho vai trò tiên phong, gương mẫu của họ ngày càng giảm, không đủ “sức miễn dịch”, thiếu “sức đề kháng” trước những tác động tiêu cực trong xã hội, đồng lõa với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt Nam.
Đó còn là biểu hiện rõ nhất của bản lĩnh chính trị không vững vàng, từ chỗ ban đầu là mơ hồ ảo tưởng, hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng dẫn đến hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…
Lênin từng chỉ rõ, các thế lực thù địch không ai có thể đánh đổ được chúng ta, trừ chính những sai lầm của chúng ta và “không một ai trên thế giới này có thể làm mất được uy tín của những người Mácxít cách mạng nếu họ không tự làm mất uy tín của họ”. Vì vậy, phải rèn luyện bản lĩnh chính trị để phòng và chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.
Vì thế, cuộc chiến chống “giặc nội xâm” có một vị trí cực kỳ quan trọng trong bảo vệ các giá trị truyền thống, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ nhân quyền và lợi ích của người dân, bảo vệ Đảng và chế độ, ngăn chặn đẩy lùi các trở ngại trên con đường xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thắng lợi của cuộc chiến chống “tự chuyển hóa” có giá trị bảo đảm sự trường tồn của Đảng, của chế độ, đưa dân tộc ta thoát khỏi một thảm kịch bi thương về sự đảo lộn các giá trị công và tội, cống hiến và hưởng thụ của mọi công dân trong quá trình góp sức xây dựng đất nước. Đẩy lùi mọi tư tưởng phá hoại đất nước, chế độ của mọi thế lực thù địch.
Sông Trà
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả