Phải chăng nỗi khổ của người nghèo là chất liệu quý?
Phát từ thiện, chia sẻ khó khăn với đồng bào mình trong cảnh ngặt nghèo là tốt, nhưng có một vài kiểu từ thiện của nghệ sĩ hiện nay rất phản cảm. Và nghệ sĩ ưu tú Hoài Linh là một trong những số đó.
Trong lúc người dân miền Trung khốn khổ vì lũ lụt, nghệ sĩ Hoài Linh đã kêu gọi, xin người hâm mộ chung tay cứu trợ đồng bào. Câu nói mà đến giờ nhiều người hẳn vẫn chưa quên đó là Hoài Linh “đóng đinh” chắc nịch: “Linh chỉ xin lúc ngặt nghèo, chứ không xin lúc khó”. Tín nhiệm Hoài Linh và cũng vì lời kêu gọi động lòng trên mà người người gửi tiền. Như lời Linh nói, mười nghìn có, hai chục nghìn có, số lượng lớn chục triệu cũng có. Trên hết, đó là tất cả tấm lòng của người hâm mộ, muốn thông qua thần tượng của mình, đem qua ra chia sẻ với bà con miền Trung đang trong cảnh màn trời chiếu đất.
Tại sao Hoài Linh “quên” đi số tiền gần 14 tỷ đồng mà bà con đóng góp? Cứu trợ là khẩn cấp anh nhận tiền nửa năm, không mang đi chia sẻ, để đóng băng trong tài khoản. Anh bỏ mặc không cần nghĩ tới người đói có chờ đến nửa năm mới được ăn. Cũng không cần quan tâm đến người bệnh tật có chờ đến nửa năm mới được chữa bệnh. Cho đến khi dư luận thắc mắc và truyền thông bùng cháy thì anh mới lên tiếng xin lỗi một cách nhẹ tựa lông hồng?
Trong hoàn cảnh này, chúng ta thực sự thấy được bi kịch của người nghèo là họ không thể đủ khả năng để làm bất cứ cái gì ngoài sự hy sinh và im lặng. Họ trở thành tấm khiên, con át chủ bài mặc cho nghệ sĩ như Hoài Linh đem ra lợi dụng xin, cho. Và ban ơn phát quà thế nào là do Hoài Linh quyết định, chính quyền dù biết anh đang nắm trong tay số tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung, trong lúc tận cùng khó khăn cũng không ai có thể mở miệng hỏi được một lời. Đối tượng thụ hưởng là người dân nghèo, họ càng không dám hỏi “chừng nào anh Hoài Linh phát quà cho người nghèo chúng tôi”, để rồi không ít người ấm ức chỉ biết chịu đựng và chờ đợi.
Ông bà nói, một miếng khi đói bằng một gói khi no, cho đúng thời điểm một bữa ăn có khi không chỉ bữa no, mà là cứu mạng người. Trong showbiz Việt, Hoài Linh là một trong những cây đa, cây đề của làng giải trí, anh đã đạt đến cái ngưỡng không thể cao hơn được nữa trong nghệ thuật. Tài sản, đất đai bạc ngàn, không tính đến cái nhà thờ Tổ thì gia tài của anh cũng vài trăm tỷ đồng là ít, anh không tham tiền. Anh từng tuyên bố khi làm nhà Tổ, tiền có nhiều hơn nữa cũng không có gì vui. Nhưng bản tính con người, khi đã có nhiều tiền, lại có danh, thì người ta không muốn mãi làm một danh hài. Cái tham vọng sâu xa hơn mà Hoài Linh nhắm đến, chính là trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng của cả xã hội, làm chủ tất cả “cuộc chơi”, ai thấy anh cũng phải kính trọng, cung phụng, không chỉ là người dân, giới thượng lưu, mà ngay cả với chính quyền.
Hoài Linh nói, sẽ nhanh chóng phát quà cho bà con trong thời gian sớm nhất. Rồi ngày mai đây, khi Hoài Linh phát quà, dù muộn đến 6 tháng, nhưng chắc chắn truyền hình, truyền thông, báo chí, có mặt đầy đủ và không thiếu lời ca tụng. Chính quyền địa phương vẫn phải đón tiếp, tay bắt mặt mừng, nói lời cảm ơn, in bằng tuyên dương các kiểu. Và nếu như, có máy quay, micro nào đó chĩa vào người dân hỏi nhận quà có vui không, chắc chắn họ sẽ trả lời “vui” để gọi là đền ơn, đáp nghĩa với người đã “xin” quà cho mình.
Việc làm từ thiện ở nghệ sĩ cầm trong tay số tiền ủng hộ của mạnh thường quân, hoặc giải ngân một ít rồi để đó, thực chất là chiêu trò, để chờ một dịp tốt hơn trao tặng, để đánh bóng tên tuổi, đạt được toan tính riêng của mình. Về việc này không chỉ Hoài Linh, mà nhiều “nhà từ thiện” khác cũng đã và đang dùng, quá quen thuộc đã có Cô Tiên Lũ, MC Lũ hay Nguyên Phó Chủ tịch nào đó đã nghỉ hưu.
Có thể, sau chuỗi vụ việc bát nháo từ thiện thiếu minh bạch và chậm trễ này, có nhiều người vẫn sẽ ủng hộ, cho rằng dù nghệ sĩ làm từ thiện với mục đích gì thì người nghèo vẫn được hưởng lợi. Đúng, là sau tất cả tiền và quà phải đến tay người dân nghèo, đến với đối tượng được nhắc đến, nhưng cái đúng đó thật đáng buồn – vì thật chất, chính chúng ta đang biến mình trở thành “con rối”, là công cụ cho cuộc chơi của người nổi tiếng, và sự u mê chính là kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng, lộng hành.
Tùng Chi
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả