Mỹ lập liên minh kiềm chế Trung Quốc trên biển Đông – đừng vội mừng!
Hiện nay, Mỹ đang kiềm chế Trung Quốc bằng hàng loạt các giải pháp khác nhau và các nhóm liên minh nhỏ, mà nhóm Ngũ Nhãn (Five Eyes, gồm Mỹ, Canada, New Zealand, Úc và Anh). Một công thức dựa trên nền tảng “tứ giác kim cương (QUAD)” mang tên “QUAD Plus” cũng bắt đầu được đề cập nhiều hơn. QUAD Plus là tên xuất hiện trên báo chí Ấn Độ, đề cập tới bốn nước QUAD gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc cùng các nước Hàn Quốc, New Zealand… Vậy thực chất của vấn đề này là gì?
Thứ nhất, không ai phủ nhận những bước tiến thần tốc của người Trung Quốc, họ lột xác về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội, quốc phòng cho đến tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Trung Quốc có hơn 1,4 tỉ dân, lãnh thổ 9.600.000 km2 và xét về quy mô nền kinh tế thì họ thứ hai thế giới cũng chẳng có gì là lạ. Thế nhưng xét về khía cạnh “quốc gia phát triển” thì Trung Quốc vẫn còn kém xa Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước phát triển ở châu Âu. Người Trung Quốc đã sớm bộc lộ tham vọng bá quyền, muốn bá chủ thế giới. Rừng xanh không thể có hai chúa sơn lâm và người Mỹ thì chẳng bao giờ thích một Trung Quốc trỗi dậy, làm “kỳ đà cản mũi”. Trung Quốc là anh học trò giỏi nhưng “chưa thi đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” và hậu quả là họ ở thế vạn bề thọ địch, bị đánh hội đồng. Âu cũng là quýt làm cam chịu! Thế cũng là cái hay, để Trung Quốc bớt hung hăng hơn, biết mình biết người hơn.
Thứ hai, biển Đông là khu vực địa chính trị hết sức quan trọng trong chiến lược “châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ và là nơi mà các nước như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Âu Mỹ rất cần để lưu thông hàng hải và nhiều mục đích khác gắn với lợi ích quốc gia của họ. Chứ không phải là họ giúp Việt Nam và một số nước Đông Nam Á bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên biển, đảo. Tất nhiên việc kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông cũng có lợi cho các nước nhỏ, là láng giềng của Trung Quốc. Họ nhận thức rõ là các nước lân bang sẽ phải liên kết lại kiểu “hợp tung”, “liên hoành”, từ đó khiến người Trung Quốc phải dè chừng. Nhưng chúng ta chẳng vội mừng vì suy cho cùng thì Mỹ và đồng minh lao tâm khổ tứ cũng chỉ vì quyền lợi của họ; việc họ chưa bao giờ công nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam hay như Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đăng bản đồ Việt Nam có Trường Sa, Hoàng Sa hôm trước thì hôm sau vội gỡ là ví dụ dễ hiểu nhất cho mỗi chúng ta.
Thứ ba, Canada mới đây chấm dứt đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc phản ánh thực tế mối quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng cực điểm. Chẳng phải là chuyện 5G hay Mạnh Vãn Chu mà nguyên nhân chính khiến họ tham gia liên minh chống Trung Quốc là vì “tuyên bố chủ quyền của Canada ở khu vực Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage)” ở Bắc Cực bị đe doạ khi các tàu phá băng của Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực này. Ấn Độ thì căng thẳng biên giới với Trung Quốc, họ bị kẹp giữa Trung Quốc và Pakistan nên chẳng có cách nào khác là liên minh với Mỹ.
Tóm lại, việc Mỹ liên tục có những động thái đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt ở biển Đông là tín hiệu tích cực nhằm chống lại tham vọng bá quyền kiểu “cá lớn nuốt cá bé” nhưng để kết luận rằng họ giúp Việt Nam và các nước Đông Nam Á là sai lầm nghiêm trọng! Chỉ khi nào Mỹ và các nước công khai công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam thì mới là tín hiệu tích cực. Nhưng kể cả họ có công nhận thì cũng chẳng ai giúp chúng ta đòi lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc cả! Không bao giờ có chuyện đó xảy ra. Nói vậy để biết là chúng ta muốn vững mạnh thì phải tự lực cánh sinh chứ không thể “trông chờ sung rụng”. Ta chơi với cả Mỹ và Trung Quốc nhưng phải thủ sẵn con dao trong tay áo, không để họ thoả hiệp bán đứng chúng ta như họ đã làm.
Mai Ngọc Quý
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả