Phải chăng “kết thúc” là cách duy nhất để Nga và phương Tây giảm bớt đau khổ?
Kỷ nguyên hợp tác mang tính xây dựng giữa Nga và phương Tây đã kết thúc, Vụ trưởng Vụ Hoạch định Chính sách Đối ngoại thuộc Bộ Ngoại giao Nga Alexei Drobinin tuyên bố. Theo Guardian, đây có lẽ là quyết định “‘vừa mừng, vừa lo” đối với cả hai phía.
“Bất kể thời gian và kết quả của hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine ra sao, giờ đây chúng ta có thể khẳng định rằng kỷ nguyên 30 năm hợp tác chung mang tính xây dựng giữa Nga và phương Tây đã kết thúc. Và sẽ không có chuyện mối quan này quay trở lại như trước ngày 24/2”, ông Alexei Drobinin tuyên bố.
Theo ông Alexei Drobinin, phương Tây đang cố gắng bảo vệ sức mạnh của họ trước một thế giới đa cực, vì vậy các quốc gia như Nga, những nước từ chối “trật tự dựa trên quy tắc” của Washington, không còn lựa chọn nào khác ngoài sự phản kháng. Ông tin rằng sau cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, Nga không thể quay trở lại nỗ lực hợp tác với Mỹ và các đồng minh.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/8 cũng đã cảnh báo, nếu phe cứng rắn trong Quốc hội Mỹ hành động theo cách của họ và thúc đẩy Mỹ chỉ định Nga là nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. “Nếu Washington quyết định ngừng hoàn toàn bất cứ tương tác nào với Moscow, chúng tôi có thể sống chung với điều đó”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.
Mặt khác, phương Tây cũng tăng cường gửi vũ khí cho Ukraine, động thái mà Nga cảnh báo có thể khiến khủng hoảng ở Ukraine lan rộng. Thậm chí, nhiều quan chức và chuyên gia đã cảnh báo về kịch bản có thể xảy ra Thế chiến III và nguy cơ vũ khí hạt nhân có thể sẽ được triển khai. Mỹ hiện là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2.
Phát biểu của các quan chức Nga được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang dồn dập trong những tháng qua vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Trong 6 tháng qua, Mỹ và đồng minh đã áp đặt làn sóng trừng phạt chưa từng có tiền lệ lên Nga nhằm gây áp lực buộc Nga chấm dứt chiến sự. Từ đây, Nga đã trở thành quốc gia nhận nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới.
Theo thống kê của hệ thống dữ liệu lệnh trừng phạt toàn cầu Castellum.ai, tính đến ngày 31/7/2022, Nga đã nhận thêm 5.515 công lệnh trừng phạt kể từ ngày 22/3/2022, nâng tổng số lệnh trừng phạt nhằm vào nước này lên tới 8.269 lệnh. Trong đó, quốc gia áp nhiều lệnh trừng phạt nhất tới Nga trong thời gian qua là Anh (890), Thụy Sĩ (868), Hoa Kỳ (838) và Liên minh châu Âu (705). Các lệnh trừng phạt Nga diễn ra ở quy mô lớn và toàn diện từ tài chính, đầu tư thương mại, thể thao, ngoại giao cho đến việc công khai gửi viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine.
Đáng chú ý phải kể các biện pháp tài chính đặc biệt nghiêm khắc như: xóa sổ hầu hết các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT); đóng cửa các tập đoàn đa quốc gia của; ban bố các lệnh hạn chế xuất khẩu và các lệnh cấm tài trợ thương mại… Bên cạnh đó, một số quốc gia châu Âu, Mỹ cũng thông báo cấm các máy bay Nga vào không phận nước này. Ủy ban Olympic Quốc tế cũng đã quyết định gạch tên vận động viên Nga khỏi mọi giải thi đấu quốc tế.
Gần đây nhất, vào tháng 7/2022, Liên minh châu Âu đã nhất trí gói trừng phạt thứ 7 đối với Matxcơva nhắm vào vàng, ngành ngân hàng sau khi đã thông qua biện pháp cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga trong gói trước đó. Mỹ, Anh và Canada cũng áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Nga, đẩy tình hình căng thẳng giữa hai bên lên đến đỉnh điểm.
Đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, nước này đã mở rộng danh sách trừng phạt công dân Anh, khi đưa thêm 39 chính trị gia, doanh nhân và nhà báo vào danh sách. Nga cũng thông báo trục xuất 14 nhân viên làm việc tại Lãnh sự quán và Đại sứ quán Bulgaria tại nước này. Ngoài ra, Nga cũng công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với 62 công dân Canada sau khi Ottawa mở rộng các biện pháp trừng phạt riêng mới nhất chống lại Nga. Đối với Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã đưa thêm 25 công dân Mỹ vào danh sách cấm nhập cảnh Nga, trong đó có vợ và con gái của Tổng thống Joe Biden.
Ngoài ra, vào ngày 6/8, Nga cũng đã cấm các nhà đầu tư từ những quốc gia mà Điện Kremlin cho là “không thân thiện” bán cổ phần trong các ngân hàng và dự án năng lượng quan trọng của Nga cho đến cuối năm nay. Theo đó, nhà đầu tư từ các quốc gia ủng hộ lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ không thể bán tài sản trong các thỏa thuận chia sẻ sản xuất (PSA), các ngân hàng, thực thể chiến lược, các công ty sản xuất thiết bị năng lượng, cũng như các dự án khác, từ sản xuất dầu khí đến than và niken.
Có thể thấy rằng, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và chưa từng có đã khiến kinh tế Nga chịu nhiều tổn thất nặng nề với việc thị trường chứng khoán và giá trị đồng Rúp giảm mạnh. Các doanh nghiệp, tổ chức tài chính của Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán. Người dân đang phải đối diện với tình trạng thiếu tiền mặt và lạm phát tăng cao, đặc biệt là đối với một số mặt hàng như thực phẩm, đồ điện tử và thiết bị gia dụng. Hàng chục nghìn du khách Nga bị mắc kẹt tại nước ngoài do các biện pháp đóng cửa hàng không.
Bên cạnh đó, Mỹ và phương Tây cũng như kinh tế thế giới cũng đang phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chính các lệnh trừng phạt này. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục bấp bênh, nhất là với tình hình dịch bệnh và xung đột Nga – Ukraina hiện nay. Sự chia rẽ trong quan hệ quốc tế giữa một bên là Mỹ và phương Tây với Nga – Trung Quốc được cho là đang ngày càng rõ nét. Bên cạnh đó, sự chia rẽ trong chính nội bộ châu Âu đối với việc áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga do lo ngại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của từng quốc gia thành viên.
Lan Hoa