+
Aa
-
like
comment

Phải chăng chúng ta đang sống trong thế giới “sợ làm người tốt”?

03/03/2021 06:12

Chúng ta đang sống giữa một thời đại, nói chua chát là “không ai dám làm người tốt”.

Không thiếu những trường hợp đưa người bị nạn vào bệnh viện và bị người nhà vây đánh, rất nhiều trường hợp nhặt được ví rơi rồi bị chủ nhân chiếc ví hạch sách đòi tiền, bị vu cho là ăn cắp… Cách đây gần 2 năm, cư dân mạng rúng động vì sự việc nam thanh niên bị đoạt mạng vì nhắc một thiếu niên vượt đèn đỏ… Tại Bắc Ninh, có anh thanh niên phát hiện một cô gái gặp tai nạn giao thông, anh đưa cô vào bệnh viện, và rồi được bạn trai cô này “đáp lễ” bằng một nhát, chỉ lệch một chút thôi, là có thể tước đoạt đi tính mạng của một người tốt.

Mới đây, anh Nguyễn Ngọc Mạnh, người đã leo vội lên mái tôn, giơ tay cứu cháu bé bị rơi từ tầng 12A xuống, cũng rơi vào một hoàn cảnh cũng gần như tương tự như trên. Trường hợp của những người tốt bị đối xử như những kẻ tội đồ.

Người thì bảo anh là được “tôn vinh thái quá”, kẻ thì lật lại dừng ở từng khung hình chỉ để phán xét rằng “anh không xứng đáng được ngợi ca”, hay “anh chẳng cứu được cháu bé, thứ cứu cháu bé là mái tôn” hoặc “đứng trên mái tôn giơ tay cứu một đứa con nít thì ai cũng làm được”… Lúc thì vinh danh anh, khi thì lại đào bới hạ thấp và “nghi vấn”, lúc thì ngợi ca, rồi lại phán xét…

Luồng dư luận lớn đến mức anh phải lên trang cá nhân viết: “thành thật mong mọi người thông cảm”! Và luôn bày tỏ rằng đừng tôn vinh anh quá, cuộc đời còn nhiều người tốt và hãy để cho anh và gia đình sống một cuộc sống bình thường.

Tại sao một người làm một việc tốt mà lại phải đi “xin lỗi” và “mong thông cảm”?

Chúng ta có thuật ngữ “victim blaming” – là hành vi đổ lỗi cho nạn nhân, quy rằng nạn nhân phải là người chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn phần cho chính cái thứ tội ác mà chính nạn nhân phải chịu. Liệu có một thuật ngữ nào, như là “hero blaming” chẳng hạn – mô tả hành vì đổ lỗi, buộc tội, chỉ trích, tung tin sai sự thực về những người anh hùng nhằm mục đích hạ thấp họ và việc làm của họ.

Một chuyện khác nữa, đó là có nhiều cư dân mạng có những so sánh thiển cận giữa người tốt, giữa anh Mạnh và anh Tròn… Người ta bắt lôi ra những câu chuyện như anh Tròn cứu được nhiều mạng hơn, tại sao anh Tròn lại được vinh danh muộn hơn? Tại sao anh Mạnh lại nổi tiếng hơn anh Tròn? Tự dưng, hai người tốt lại trở thành… con tốt của cánh báo chí lá ngón và cộng đồng mạng.

Bây giờ, chẳng lẽ người ta còn mang lòng tốt ra để cân đo, đong đếm?
Năm 2013, nam sinh Nguyễn Văn Nam vì cứu 5 người mà ra đi vĩnh viễn, tấm gương của Nguyễn Văn Nam được đưa vào trong đề thị Văn của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2013. Một đoạn văn viết về Nguyễn Văn Nam: “Bạn ấy đã ra đi, một người bằng tuổi với em hiện tại. Trước đây, em vẫn thường đặt câu hỏi rằng, liệu em có sẵn sàng hy sinh tính mạng để cứu những người khác hay không. Thú thực là đến giờ, em vẫn chẳng thể trả lời được câu hỏi đó, nhưng em biết chắc chắn rằng, em sẽ không còn sợ hãi nữa, không còn thờ ơ với cuộc sống nữa, sẽ sống vì mọi người, sẽ hết mình, sẽ cố gắng hơn. Những gì Nam đã làm, không chỉ là cứu mạng 5 em nhỏ, mà còn là truyền động lực sống đến với mọi người”.

Khi nhìn những người tốt đang bị tấn công, thì ai dám làm người tốt nữa?

Tifosi

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều