Phá rừng để gắn tên ‘Thị Xã Hoài Nhơn’: Sẽ trồng cây, phủ xanh lại rừng
Trao đổi với PV về việc thị xã Hoài Nhơn bạt rừng để gắn tên ‘Thị Xã Hoài Nhơn’ khiến dư luận bức xúc, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ trồng lại cây, phủ xanh lại rừng tại nơi thực hiện công trình.
Ngày 11-3, có mặt tại phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn, PV ghi nhận phản ánh của người dân về việc UBND thị xã Hoài Nhơn bạt núi để gắn tên “Thị Xã Hoài Nhơn” khiến một khoảng rừng mất đi, lộ ra diện tích đồi núi trơ trọi.
Theo quan sát, công trình này đã được thi công hoàn tất.
Theo tìm hiểu, đây là công trình chào mừng thị xã Hoài Nhơn đón nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng thời kỳ đổi mới”. Công trình được triển khai trước Tết Tân Sửu 2021, tọa lạc trên một đỉnh núi cách trung tâm thị xã Hoài Nhơn khoảng 500m, mặt hướng về phía sông Lại Giang.
Người dân sống tại khu vực này cho biết để thực hiện công trình, UBND thị xã Hoài Nhơn đã giải tỏa hơn 1.000m2 đất rừng sản xuất (trồng keo) của người dân và đền bù giá trị cây trồng cho người dân. Hiện tại địa phương đang lên phương án đền bù, di dời 1 hộ dân sống dưới chân núi đến địa điểm an toàn để phòng ngừa việc sạt lở vào mùa mưa bão.
Trả lời PV, một vị lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn cho biết: “Trước khi thực hiện công trình này, thị xã đã xin ý kiến của UBND tỉnh. Đây là công trình phục vụ lợi ích công cộng, làm đẹp cho thị xã Hoài Nhơn, chứ không phải công trình phục vụ lợi ích cá nhân.
Ngoài ra, khu vực được chọn để triển khai việc dọn dẹp cây cối phục vụ xây dựng công trình là đất trồng rừng sản xuất của người dân. UBND thị xã Hoài Nhơn đã thương lượng và đền bù thỏa đáng cho họ”.
Nói về việc tại sao lại đi bạt núi để thực hiện công trình trên và đi ngược lại với chủ trương trồng cây gây rừng, lãnh đạo UBND thị xã Hoài Nhơn khẳng định: “Địa phương không hề đi ngược lại chủ trương trên. Sau khi công trình được xây dựng, địa phương đã lên phương án sẽ trồng rừng, phủ xanh diện tích đất rừng đã bị dọn bỏ để không gây phản cảm và ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian ngắn nhất, công trình sẽ được phủ xanh giống như một số công trình gắn tên khác trên địa bàn tỉnh Bình Định”.
LÂM THIÊN