+
Aa
-
like
comment

Phá chiến dịch tiêm chủng, hại người thì có gì mà “phấn khởi”?

Đinh Thảo - 07/08/2021 18:41

Ngày 6/8/2021, trang mạng Việt Tân đã đăng tải bài viết đầy kích động với âm mưu cản trở chiến dịch tiêm chủng, đẩy lùi đại dịch COVID-19 trên toàn quốc. Nội dung bài viết kích động của Việt Tân như sau: “PHẤN KHỞI QUÁ! Việt Nam sẽ tiếp nối các quốc gia tây phương. Sinopharm sẽ không có trong tự điển của người dân Việt Nam.” Đây là phát biểu hết sức thâm độc, dùng những lời lẽ xuyên tạc, kích động người dân từ chối tiêm vaccine. Sâu hơn, chúng muốn phá hoại chiến dịch tiêm chủng toàn quốc của Việt Nam.

Việt Tân phấn khởi vì cái gì?

Khi Việt Nam đang ra sức nhập đủ vaccine để cung cấp cho người dân, khi TP.HCM tận dụng thời gian 18-23 giờ, các y bác sĩ làm việc không ngừng nghỉ để “phủ” vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất. Trong thời gian chưa nhận được vaccine của Bộ Y tế, ngày 5/8, UBND TP. Hải Phòng đề nghị UBND TP.HCM mượn 500.000 liều vaccine Sinopharm (Beijing) để kịp thời phân bổ cho người dân. Trong khi toàn nước đang nỗ lực như vậy thì Việt Tân cùng bè lũ lại đang “phấn khởi” vì người dân không được tiêm vaccine.

Trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, bất kỳ hành vi nào chống lại vaccine, dù là của hãng nào, nước nào đã được WHO và Bộ Y tế Việt Nam kiểm duyệt, công nhận đều là hành vi hại người.

Liên tục xuyên tạc về vaccine Sinopharm (Beijing)

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Tân cùng đồng bọn xuyên tạc về vaccine Sinopharm (Beijing). Bằng những lý lẽ vô lý, thiếu minh chứng, chúng liên tục đưa ra những khẳng định vô căn cứ: “Vaccine Sinopharm không nằm trong tự điển của các quốc gia phương tây khuyến khích dân tiêm.”

Trên thực tế, vaccine Sinopharm (Beijing) được WHO phê duyệt khẩn cấp ngày 7/5, có tên gọi BBIBP-CorV. Hiện tại, vaccine này đang sử dụng tại hơn 100 quốc gia với hơn 1 tỷ liều đã được sử dụng. Tại Việt Nam, vaccine này được phê duyệt cho mục đích khẩn cấp chống dịch ngày 3/6. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm lâm sàng Murat Akova (Đại học Hacettepe) đã nhấn mạnh: vaccine Trung Quốc là sự bổ sung cần thiết để giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine toàn cầu. Ngày 1/8 tại Singapore, đất nước này cũng cho phép bệnh viện tư nhân nhập khẩu vaccine COVID-19 của Sinopharm để đẩy mạnh tiêm chủng phòng chống dịch.

Về độ hiệu quả, cuối năm ngoái, Sinopharm đã công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine hiệu quả 79%. Trong thử nghiệm lâm sàng mới nhất tại Sri Lanka ngày 20/7, các nhà nghiên cứu từ Đại học đầu ngành Sri Jayewardenepura, cho biết vaccine Sinopharm (Beijing) hiệu quả cao chống biến thể Delta.

Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine COVID-19 mang ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa vaccine bị bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc. Việc cấp phép khẩn cấp vaccine COVID-19 hiện nay vẫn đảm bảo được tính an toàn của vaccine, khi thực hiện đầy đủ quy trình nhằm đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Khẳng định lại, tất cả các loại vaccine khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy trình thử nghiệm lâm sàng gồm 3 giai đoạn trên 3 nguyên tắc, đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Cho đến thời điểm hiện tại, vaccine Sinopharm của Trung Quốc vẫn đang được đánh giá là một trong những loại vaccine hiệu quả trong việc phòng bệnh COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành với diễn biến phức tạp, đây cũng là thời điểm để các thế lực thù địch đưa ra nhiều luận điểm xuyên tạc, gây kích động người dân. Ngay lúc này, người dân cần hết sức cảnh giác, kiểm chứng thông tin từ những nguồn báo chính thống, minh bạch để nhận thức đúng đắn vấn đề. Có như vậy, công tác chống dịch mới nhanh chóng, hiệu quả, sớm đưa người dân Việt Nam trở về cuộc sống “bình thường mới”.

Đinh Thảo

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả.

Bài mới
Đọc nhiều