+
Aa
-
like
comment

Phá băng độc quyền điện

23/08/2020 06:14

Điện là hàng hoá đặc biệt nên nhà nước phải quản lý trực tiếp đó là đủ lý do thuyết phục, về góc độ nào đó. Song, nhìn những cải cách khi đất nước thực hiện Đổi mới năm 1986 thì lý do đó chưa hẳn đã đúng. 

Lúc đó, không còn sổ gạo, không còn tem phiếu, cởi bỏ cái áo bao cấp của nhà nước mà cuộc sống chỉ có tốt lên.

Cải cách ngành điện, từ thực tế đó, có đáng lo lắng hay không? Bài viết này cố gắng phân tích chiều sâu của ngành điện, thay vì thảo luận về cải cách giá điện vì đó chỉ là cái ngọn và không bao giờ hết tranh cãi được.

Chúng ta cùng tìm hiểu, cơ chế nào cần có để quan hệ cung cầu điện tiệm cận các quy luật khách quan của thị trường, nơi cung đáp ứng được cầu; nhà đầu tư bỏ vốn làm ăn và dân nghèo vẫn tiếp cận được đến điện chứ không bị bỏ lại phía sau.

Cải cách bắt đầu từ nguồn cung

Nói “có cầu sẽ có cung” chỉ đúng khi hình thành được thị trường. Làm thế nào để nguồn cung có thêm 5-7% hàng năm đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng GDP. Hiện các nhà máy phát điện có các chủ sở hữu khác nhau. Công ty mẹ EVN quản lý một số nhà máy lớn như Thuỷ điện Sông Đà, Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Ialy, Thuỷ điện Tuyên Quang, Thuỷ điện Trị An, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4…

Phá băng độc quyền điện
Thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hải

Các công ty con của EVN chuyên sản xuất điện như GENCO 1, 2, 3 và Nhiệt điện Thủ Đức, Phong điện Thuận Bình. Trong số này chỉ duy nhất GENCO 3 đã CPH (cổ phần hoá), số còn lại là các công ty TNHH một thành viên.

Ngoài các nhà máy thuộc Tập đoàn EVN, thì Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) và các nhà máy thuộc các thành phần kinh tế khác cũng tham gia sản xuất điện. Khoảng 2% nhu cầu là từ nguồn nhập khẩu.

Nói cơ chế thị trường thì phải theo quy luật cung cầu. Nếu để tự thị trường điều tiết thì ai sẽ đầu tư phát điện. Lượng điện tiêu thụ trung bình một ngày cả nước hiện nay ở mức khoảng 0,6 tỷ kWh tương đương 220 tỷ kWh/năm. Công suất phát điện tính ra là: 0,6 tỷ kWh/24h = 25 triệu kW (25.000 MW). Nhà máy thuỷ điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW, còn thuỷ điện Hoà Bình 1.920 MW.

Tuy nhiên, công suất phát điện thực tế chỉ có thể bình quân ở mức hơn 50% công suất lắp đặt. Hiện thuỷ điện Sơn La cung cấp khoảng 10,2 tỷ kWh/năm, còn Hoà Bình khoảng 8,2 tỷ kWh/năm. Nhiệt điện Phú Mỹ thuộc loại lớn nhất nước với công suất phát điện đã đưa vào sử dụng là 3.900 MW, cung cấp khoảng 17 tỷ kWh/năm.

Nếu đầu tư nhà máy mới mỗi năm tăng sản lượng thêm 10 tỷ kWh, tức là chỉ 5%, thì phải đầu tư đều hàng năm thêm 1 nhà máy thuỷ điện cỡ Sơn La, Hoà Bình hoặc 2 năm phải có thêm một nhiệt điện Phú Mỹ.

Suất đầu tư theo giá hiện tại đối với thuỷ điện cũng phải xấp xỉ 25 tỷ đồng/MW lắp đặt, nếu theo công suất phát điện thực tế thì có thể lên tới 50 tỷ đồng/MW. Đầu tư nhiệt điện càng đòi hỏi hiện đại và yêu cầu cao về xử lý môi trường, thì suất đầu tư càng lớn (khoảng 2 triệu USD/MW). Ai sẽ bỏ tiền đầu tư mỗi năm một nhà máy thuỷ điện cỡ Sơn La với suất đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 tỷ USD?

Nếu gọi vốn đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư phải nhìn thấy lợi nhuận rõ ràng mới bỏ ra một khoản tiền lớn như thế. Nếu là vốn trong nước thì ai bỏ ra? Giả sử thành lập công ty cổ phần phát điện, phát hành cổ phiếu để có vốn đầu tư thì người dân có bỏ vốn ra không, nếu không có lãi? Nếu dùng chính nguồn vốn khấu hao để đầu tư phát điện, thì khấu hao toàn bộ hệ thống từ phát điện đến truyền tải, phân phối cũng chỉ đủ đầu tư một nhà máy phát điện.

Do đã có nguồn cung điện với chủ sở hữu khá phong phú hiện nay và tình trạng cung không đủ cầu thì đã đủ hình thành thị trường phát điện. Hiện GENCO 3 đã được cổ phần hóa, thì các GENCO 1, 2 và các công ty khác cũng cần nhanh chóng chuyển thành công ty cổ phần. Các nhà máy của công ty mẹ EVN cũng phải tách ra thành các công ty độc lập cùng với các nhà máy thuộc PVN và TKV cơ cấu thành các công ty cổ phần.

Khi cổ phần hóa các nhà máy với các giá trị sổ sách rất khác nhau theo giá trị đồng tiền ở các thời kỳ sẽ được trả về giá trị hiện tại. Giá thành của các nhà máy sẽ không quá chênh lệch để có thể dẫn đến ép giá, cạnh tranh không sòng phẳng.

Ngoài ra, do nguồn cung không đủ và căn cứ quy luật giá trị mà giá mua của các nhà máy vẫn có thể khác nhau dựa trên giá thành của từng loại hình phát điện. Một thị trường phát điện lành mạnh phải là một thị trường có khả năng phát triển.

EVN hiện có vốn chủ sở hữu 200.000 tỷ đồng, theo giá hiện nay nếu dành cả cho phát điện thì cũng chỉ đủ đầu tư được xấp xỉ 20% nhu cầu điện hiện tại. Hiện EVN vay hơn 400.000 tỷ đồng. Nếu trả lãi chỉ với mức 6%/năm chẳng hạn đã phải chi phí tài chính hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Chi phí lãi vay thì hạch toán trong giá thành, nhưng trả nợ gốc thì phải từ nguồn khấu hao và lợi nhuận. Khoản vay hiện tại nếu tính từ giờ phải trả trong 10 năm thì mỗi năm cần 40.000 tỷ đồng. Nếu không cân đối đủ để trả gốc theo tiến độ thì phải vay thêm các khoản vay mới.

Vay nước ngoài có lãi suất khá thấp, nhưng vay không dễ. Vay trong nước thì nhà nước không thể bắt các ngân hàng thương mại cho vay lãi suất thấp. Các dự án lớn phải mang ra Quốc hội phê duyệt không chỉ vì các vấn đề môi trường, xã hội mà còn liên quan tiền vốn ở đâu. Nhà nước muốn đầu tư thêm cho EVN thì phải có nguồn thu từ đâu đó. Tăng thuế, phí ở các khu vực khác đều tác động vào thu nhập của người dân là không dễ dàng.

Thị trường phân phối hướng đến cạnh tranh

Các tổng công ty điện lực đang đảm đương vai trò này. Sản lượng điện dùng cho sản xuất chiếm đến 2/3, nhưng khu vực này gần như không có vấn đề gì bức xúc.

Điện sản xuất phần lớn áp dụng công tơ đo điện 3 giá trong một ngày. Giá điện khác nhau buộc các hộ tiêu thụ phải tính toán tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả. Đây là việc không dễ dàng gì nhưng do khả năng cung ứng điện buộc phải thế.

Hơn nữa, giá điện Việt Nam khá cạnh tranh, các nhà đầu tư sử dụng nhiều điện được hưởng lợi nên cũng không có lí do gì để phàn nàn với mô hình quản lý tập trung của nhà nước hiện nay.

Dư luận bức xúc mỗi năm lại rộ lên trong dịp hè và các nhà quản lý lại chạy theo xử lí chính là ở khu vực điện sinh hoạt. Một bộ phận hộ tiêu dùng phản đối chung quy lại là bởi phải trả nhiều tiền hơn do tính giá điện bậc thang khi dùng nhiều vào mùa hè. Chính vì vậy, việc đưa ra phương án điện một giá với giá cao thì chẳng giải quyết vấn đề gì, đưa ra rồi rút lại là đương nhiên.

Với mô hình các công ty điện lực 100% vốn là của các tổng công ty, các tổng công ty này lại 100% vốn của EVN, đến lượt EVN lại 100% vốn nhà nước, thì người tiêu dùng luôn nhìn nhận ngành điện là độc quyền, là đủ các thuộc tính xấu được quy về doanh nghiệp nhà nước.

Các công ty con, cháu của EVN hoàn toàn có thể chuyển thành công ty cổ phần. Khi chuyển thành công ty cổ phần và đặc biệt là công ty đại chúng thì tính minh bạch sẽ cao hơn. Khi đó nhiều người sử dụng điện vừa là khách hàng nhưng vừa là chủ sở hữu mua cổ phần tại các công ty cung ứng điện.

Việc cố duy trì mô hình cũ khi tư duy chỉ có Nhà nước mới đảm bảo được hoạt động ổn định cung ứng điện và an sinh xã hội, cộng với việc cổ phần hóa vô cùng khó khăn khi cấp nào cũng sợ trách nhiệm trong quá trình phê duyệt nên quá trình cổ phần hóa không biết bao giờ bắt đầu và bao giờ có thể kết thúc.

Giữ lại hệ thống truyền dẫn điện 

Các công ty điện lực mua điện của các nhà máy phát điện và bán điện cho các hộ tiêu thụ thông qua hệ thống truyền dẫn từ nhà máy tới mạng lưới phân phối. Hiện vai trò này do một tổng công ty 100% vốn của EVN đảm nhận.

Với tính chất trung gian và có yếu tố an ninh, an toàn hệ thống điện thì Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) này chưa nhất thiết phải cổ phần hóa. Để đảm bảo vận hành trong cơ chế thị trường thì chi phí cho truyền dẫn phải đủ để có thể phát triển.

Hiện có những tiếng kêu của các nhà máy phát điện của các chủ đầu tư khác không thể đấu nối vào lưới điện của EVN.

Phá băng độc quyền điện

Thực tế hoạt động của doanh nghiệp có những nguyên tắc về tài chính. Đầu tư phải có hiệu quả mới được phê duyệt. Mọi sự chậm trễ, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu điện sẽ luôn gây bức xúc. Cơ chế tài chính của EVNNPT phải đủ tự chủ về cân đối chung hiệu quả hoạt động thì mới có thể giải quyết được những bức xúc kiểu như vậy. EVNNPT phải có quyền đàm phán với từng bên mua và bên bán điện về giá cả truyền tải.

Khả năng cổ phần hóa công ty mẹ EVN

Giả sử EVN chuyển đổi thành công ty cổ phần đại chúng với vốn nhà nước trên 51%, các công ty con, cháu, chút, chít cũng theo tỉ lệ nắm giữ vốn như vậy.

Theo quy định của luật Kế toán và luật Chứng khoán, ngoài báo cáo tài chính riêng phải có báo cáo tài chính hợp nhất và phải công bố đúng thời hạn quy định. Với nhiều tầng nấc báo cáo như vậy, khó thể đảm bảo thực hiện đúng quy định (trừ khi các công ty con có vốn của EVN không quá 50% thì đơn giản hơn).

Rõ ràng mô hình tập đoàn EVN là khá cồng kềnh. Quản lý nhà nước nên trả các quyền vận hành doanh nghiệp về doanh nghiệp. EVN nên chia thành 3 doanh nghiệp lớn về phát điện, truyền tải và phân phối.

Các doanh nghiệp quan hệ với nhau và quan hệ với khách hàng theo cơ chế thị trường. Khi đó nhà nước quản lý bằng cơ chế chính sách để thúc đẩy khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng và giải quyết các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, chứ không can thiệp vào việc quyết định giá. Mô hình này cũng là phù hợp khi trong tương lai nhiều nhà máy phát điện không thuộc EVN.

Ngô Văn Tuyển – CEO VEAM

Bài mới
Đọc nhiều