PGS.TS Trần Đắc Phu: ‘Người dân đang có tư tưởng chủ quan’
“Chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, với tư tưởng chủ quan sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.
Sau 9 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, số ca mắc mới mỗi ngày giảm, nhiều thời điểm ít hơn số ca được công bố khỏi bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân mới như 237, 243 và 251 đang được đánh giá là phức tạp khi nguồn lây chưa được xác định rõ ràng.
PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, về tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch
– Theo ghi nhận của PV, trong vài ngày qua có hiện tượng người dân lại ra đường, nhất là một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Ông đánh giá về tình trạng này như thế nào?
– Đúng vậy, tôi cũng vừa gọi điện cho lãnh đạo thành phố Hà Nội khi thấy tình trạng người dân đang quay trở lại việc ra đường. Người dân đang có tư tưởng chủ quan. Chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, với tư tưởng chủ quan như vậy sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết. Ở nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận ngay.
– Sự chủ quan này có phải xuất phát từ việc số ca mắc gần đây giảm?
– Có lẽ vậy. Khi thấy số ca mắc giảm, người dân cứ nghĩ chúng ta đã thành công. Thực tế, không phải vậy. Dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng, sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh.
Bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau trong khoảng thời gian nhất định (tối thiểu 14 ngày). Sau khoảng thời gian thực hiện hạn chế tiếp xúc giữa người lành với người bệnh thì mầm bệnh của đối tượng mắc bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.
Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi.
– Qua 9 ngày giãn cách xã hội, liệu đã đánh giá được hiệu quả chưa? Ca ca mắc mới giảm, chẳng hạn tối qua và sáng nay đều không có ca mắc, điều này có ý nghĩa gì?
– Thời điểm này chưa thể đánh giá được. Chúng ta phải xác định dịch có thể bùng lên bất cứ khi nào. Số ca giảm không có ý nghĩa vì thực tế ngày giảm ngày tăng chứ không phải giảm hết.
Ngoài ra, số người nhập cảnh càng ngày càng ít đi nên số ca dương tính trong đó sẽ ít đi. Hiện nay, các ca cộng đồng mới là vấn đề cần quan tâm. Thời gian qua, Việt Nam phát hiện những ca mắc qua xét nghiệm từ người nhập cảnh nhiều nhưng xét nghiệm trong cộng đồng cũng chưa nhiều, nên chưa đánh giá được đầy đủ.
Trên thế giới, các nước ở giai đoạn đầu của dịch chưa có đủ năng lực xét nghiệm. Sau đó, khi phát hiện số ca tăng vọt, đi vào chống dịch mạnh mẽ, họ mới tiến hành xét nghiệm rộng rãi trong cộng đồng và phát hiện số ca bệnh nhiều. Việc xét nghiệm nhiều sẽ phát hiện được nhiều ca bệnh.
Vì thế, hiện nay, Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo triển khai xét nghiệm những ca sốt, ho, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ. 40% ca bệnh Covid-19 không có triệu chứng, 20% có triệu chứng nhẹ không đi bệnh viện, do đó cần phải xét nghiệm rộng rãi để tầm soát được hết những đối tượng này.
Tìm F0 không phải ưu tiên hàng đầu
– Một số ca gần đây như 237, 243 và 251 được xác định là phức tạp khi không xác định được nguồn lây, mất dấu F0. Trong bối cảnh này, ngành y tế sẽ xử lý ra sao?
– Hiện nay, các ca lây trong cộng đồng tìm nguyên nhân rất khó. Trước đây, với các ca xâm nhập, người ta khoanh vùng lại, tập trung lại dễ, biết nguồn cơn từ đâu. Còn bây giờ, dịch lây ra cộng đồng nên rất khó. Vì thế, chúng ta mới cần giãn cách xã hội. Nếu tìm được nguồn lây thì đâu cần làm giãn cách xã hội. Chúng ta hiện nay không biết được đâu là người mang bệnh đâu là người lành. Dù số người nhiễm chưa nhiều, nó vẫn có khả năng lây.
Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các giải pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không để dịch lan rộng. Vì vậy, các địa phương không được mất cảnh giác, chủ quan, nghĩ rằng các ca nhiễm mới có liên quan đến ổ dịch cũ.
– Vậy còn ca bệnh 243 ở Mê Linh, nhiều thông tin cho rằng bệnh nhân này ủ bệnh tới 23 ngày và lây từ ổ dịch BV Bạch Mai?
– Bệnh nhân 243 đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3, tới ngày 4/4 lấy mẫu và ngày 5/4 có kết quả xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Để đánh giá bệnh nhân bị nhiễm bệnh lâu hay chưa phải xét nghiệm kháng thể.
Kết quả xét nghiệm được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện không phát hiện kháng thể trong cơ thể bệnh nhân. Chúng tôi nghĩ rằng đây là trường hợp mới nhiễm và có thể đặt vấn đề bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng. Bởi trong quá trình điều tra dịch tễ, bệnh nhân này tiếp xúc nhiều người ở nhiều nơi, nhiều vị trí, kể cả những nơi có nguy cơ cao ở các bệnh viện khác chẳng hạn.
– Việt Nam đã đi được hơn một nửa thời gian giãn cách xã hội. Sau 14 ngày, liệu có nên kéo dài thêm như Bộ Y tế vừa đề xuất?
– Điều này phải đợi hết 14 ngày xem tình hình cụ thể, cân đối giữa chống dịch và kinh tế. Song chắc chắn sẽ có phương án, hoặc tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội, nếu không thì cũng phải nới lỏng chứ không xóa hẳn, quay lại như trước. Bộ Y tế đang viết kịch bản để trình thủ tướng.
Tôi khuyến cáo người dân phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, nghiêm chỉnh và quyết liệt. Tuyệt đối không được chủ quan. Hai là tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Tất cả cùng chung sức vào cuộc chiến chống dịch.
Hà Quyên/ ZFN