+
Aa
-
like
comment

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: ‘Đến lúc Việt Nam coi Covid là bệnh thông thường’

11/02/2022 15:20

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng Việt Nam nên coi Covid là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch sau khi phủ vaccine diện rộng.

Ngày 10/2, PV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, về những đề xuất cho giai đoạn mới.

– Ông đánh giá thế nào về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam hiện nay?

– Trước tiên, tôi thấy Việt Nam đang đi con đường đúng đắn là chuyển hướng từ zero Covid sang thích ứng an toàn. Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron càng khẳng định rằng chúng ta không có hy vọng zero Covid được nữa.

Đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.

Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với Covid và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế – xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu

– Khi Covid trở thành bệnh lý thông thường, nghĩa là tiến tới việc đưa Covid ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A. Ông nghĩ sao?

– Sau khi chủng Omicron chiếm ưu thế trên thế giới và xâm nhập vào Việt Nam, tôi thấy rằng chúng ta đã đi qua đỉnh dịch và sang sườn dốc bên kia của dịch bệnh. Nghĩa là chúng ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Còn để khẳng định tuyệt đối rằng Việt Nam đã có thể tuyên bố chấm dứt đại dịch Covid-19 hay chưa thì cần có thời gian.

Ở các nước, chủng Omicron rất ít gây chuyển nặng và tử vong ở người trẻ, người đã tiêm vaccine. Số ca nặng chủ yếu là người già, người chưa tiêm. Thống kê trên thế giới cho thấy tỷ lệ người phải điều trị hồi sức cấp cứu (ICU) xấp xỉ 1%, thấp hơn so với Delta.

Chúng ta cùng chờ đợi sự đáp ứng của xã hội với Omicron để tuyên bố kết thúc đại dịch Covid-19. Khi đó, Việt Nam có thể đưa Covid ra khỏi danh sách dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A (các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Tuy nhiên, Việt Nam không nên đợi đến lúc thế giới tuyên bố kết thúc đại dịch, mà cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để thích ứng với giai đoạn hậu Covid. Trước hết, cần có các chính sách vĩ mô như sửa các điều luật, quy định, quy chế để ứng xử với Covid như các bệnh lý thông thường.

– Chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid, việc quan trọng nhất theo ông là gì?

– Thứ nhất, chúng ta phải xác định không được chủ quan. Tôi vẫn khuyến khích mỗi người dân tự áp dụng tối đa biện pháp bảo vệ bản thân. Bởi nếu người dân chủ quan, dịch bệnh bùng phát mạnh như Mỹ và các nước châu Âu, mỗi ngày có hàng trăm nghìn người nhiễm thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đất nước, như quá tải hệ thống y tế, bệnh viện; ảnh hưởng kinh tế; ảnh hưởng tâm lý xã hội… Do đó, mỗi người cần cố gắng làm những việc đơn giản như đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, hạn chế dự các sự kiện đông người nếu không thật sự cần thiết… Với tốc độ lây lan nhanh của Omicron, chúng ta khó hạn chế được hoàn toàn, nhưng cố gắng không để nó lây nhiễm diện rộng.

Thứ hai, các nhà làm chính sách và các cơ quan chuyên môn cần quan tâm đến tâm lý hậu Covid có thể ảnh hưởng nặng nề đến những người từng bị nhiễm bệnh. Tôi đề xuất lập các đơn vị chuyên trách để chăm sóc, điều trị cho người từng bị nhiễm Covid, cả về thể chất, tâm lý.

Thứ ba, cùng với chuẩn bị về các chính sách vĩ mô, Việt Nam cần chuẩn bị về nguồn nhân lực, trang thiết bị để điều trị lâu dài bệnh Covid. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương cần chủ động vật tư tiêu hao như thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, vaccine… Sự chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn hậu Covid sẽ giúp người dân thực sự được sống bình thản với bệnh này, ngay từ bây giờ.

Kíp bác sĩ tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 xử trí cấp cứu một ca nhiễm nhập viện, tháng 12/2021. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Kíp bác sĩ tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 cấp cứu một ca nhiễm nhập viện, tháng 12/2021. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

– Trên cơ sở phủ vaccine diện rộng, ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc phân chia cấp độ dịch và các biện pháp hạn chế dịch vụ đi kèm?

– Việc đếm ca Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh không hợp lý trong giai đoạn này. Số ca nhiễm bây giờ chưa phản ánh chính xác mức độ dịch. Ít nhất 50% số ca nhiễm hiện nay không làm xét nghiệm PCR mà chủ yếu là test nhanh rồi tự cách ly tại nhà.

Thay vì dựa vào số ca nhiễm, các cơ quan chuyên môn có thể phân loại cấp độ dịch dựa theo số bệnh nhân nặng theo từng cấp xã, huyện, tỉnh; đồng thời phải dựa vào năng lực của hệ thống y tế. Nếu năng lực điều trị bệnh nhân Covid của một địa phương nào đó hạn chế, số giường ICU quá tải (bệnh nhân ra ít hơn bệnh nhân vào) thì cần nâng cấp độ. Nếu số giường ICU vẫn còn dư, đủ khả năng luân chuyển bệnh nhân (bệnh nhân ra nhiều hơn bệnh nhân vào) thì được hạ cấp độ.

Tương ứng với cấp độ dịch, các địa phương quyết định việc đóng hay mở. Nhưng việc đóng – mở cần có nguyên tắc rõ ràng, tránh mỗi nơi làm một kiểu. Thời gian qua, nhiều phường ở Hà Nội liên tục đóng – mở, vừa không hiệu quả về chống dịch mà còn cản trở việc làm ăn, buôn bán, phục hồi kinh tế, gây bức xúc cho người dân. Các biện pháp phòng chống dịch cũng cần áp dụng thống nhất, sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. Chẳng hạn khi xếp hàng lên máy bay, mọi người được yêu cầu giãn cách, nhưng khi lên rồi thì lại ngồi cạnh nhau. Học sinh đã đến trường nhưng không được ăn bán trú… Những quy định như thế này cần hạn chế tối đa, tránh gây bức xúc cho người dân.

Trong tương lai, tôi hy vọng việc đóng – mở sẽ dừng lại, vì không còn cần thiết. Điều này sẽ khả thi, nếu chủng Omicron đúng như các nghiên cứu đã chỉ ra là không tăng nặng quá mức như Delta. Khi đó, Việt Nam có thể yên tâm mở cửa cho toàn bộ hoạt động kinh tế – xã hội.

Tôi hy vọng Omicron sẽ đạt đỉnh tại Việt Nam trong tháng 2 và thoái trào trong tháng 3. Đến cuối tháng 3/2022, nếu số ca chuyển nặng do nhiễm Covid không tăng thì chúng ta yên tâm mở cửa hoàn toàn.

– Trong giai đoạn hiện nay, điều gì khiến ông lo lắng nhất?

– Việc mở cửa đang diễn ra, tôi có hai nỗi lo. Dù Việt Nam đã phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số trưởng thành và phủ mũi hai cho gần 97% dân số trưởng thành, nhưng vẫn còn nhóm người cao tuổi chưa được tiêm. Tỷ lệ tử vong do Covid đang rơi vào nhóm này là chủ yếu.

Nhóm thứ hai là trẻ dưới 12 tuổi vẫn chưa được tiêm vaccine. Mấy ngày gần đây, số lượng trẻ nhiễm Covid tăng lên. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực để giải quyết hai vấn đề này càng sớm càng tốt. Với người già, các địa phương cần rà soát, tiêm cho những người chưa tiêm.

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid ở Hoàng Mai (Hà Nội), 80% ca tử vong rơi vào nhóm chưa tiêm vaccine; 20% còn lại là người bệnh nền nặng.

Với trẻ em, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra nhiều phân tích về tác dụng của việc tiêm vaccine. Nhiều nước đã triển khai tiêm. Các cơ quan cần tiếp tục kiên trì giải thích, động viên, phân tích thiệt hơn để phụ huynh đồng thuận. Nếu người dân chưa đồng thuận, cần hiểu, chia sẻ với nỗi lo của họ. Tôi vẫn cho rằng việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi không nên bắt buộc mà theo tinh thần tự nguyện của người dân.

Đồng thời, các địa phương cần sàng lọc nhóm trẻ có nguy cơ cao nếu nhiễm Covid, như các em bị béo phì, đái tháo đường, tổn thương tim bẩm sinh… để tiêm phòng sớm cho các trường hợp này.

Mấy ngày gần đây, chúng tôi thường xuyên gặp các cháu nhiễm Covid bị sốt cao cần truyền dịch, hạ sốt, phòng chống bội nhiễm. Vì vậy, chúng ta cần chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực để điều trị các bệnh nhân là trẻ em nhiễm Covid nặng.

Người dân TPHCM dạo chơi tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) đêm 13-10

– Giai đoạn hậu Covid, cách ứng xử với người nhiễm, người nghi nhiễm cần thay đổi như thế nào?

– Tôi tham gia đồng chủ biên Hướng dẫn điều trị người nhiễm Covid tại nhà, với các bước rất đơn giản gồm chẩn đoán, theo dõi, điều trị và khỏi bệnh. Mọi người đều có thể tham khảo và thực hành. Người nhiễm Covid vẫn nên hạn chế tiếp xúc với cộng đồng.

Khi đã coi Covid là bệnh lý thông thường, thì các quy định trước đây cũng cần nới lỏng. Chẳng hạn nếu người nhiễm sau 4-5 ngày điều trị, xét nghiệm âm tính thì có thể đi làm lại bình thường. Cần coi việc bị nhiễm Covid là thông thường, không hoảng sợ quá. Cộng đồng cũng cần thay đổi cách ứng xử với họ, không nên xa lánh, kỳ thị người nhiễm Covid.

Tháng 12/2021, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới về cách xác định người nghi nhiễm là có tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm, như bắt tay, ôm, hôn… Hoặc người có đeo khẩu trang nhưng tiếp xúc với người nhiễm trong không gian hẹp, khoảng cách 2 m, tối thiểu 15 phút. Hai trường hợp còn lại được coi là nghi nhiễm nếu không đeo khẩu trang có tiếp xúc người nghiễm trong vòng 2 m hoặc người trực tiếp chăm sóc, khám, điều trị bệnh nhân Covid mà không sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân.

Quy định này đã cụ thể hơn việc xác định người nghi nhiễm. Nhưng tôi cho rằng cần nới lỏng hơn nữa với người nghi nhiễm. Bởi hiện nay, những người mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày rất có thể đã từng tiếp xúc với ca bệnh. Tôi đề xuất nên để người nghi nhiễm tham gia các hoạt động kinh tế – xã hội bình thường, nhưng cần đeo khẩu trang, sát khuẩn; giữ khoảng cách; chủ động cảnh báo cho những người xung quanh về tình trạng nghi nhiễm của bản thân…

Khi mở cửa, các hoạt động đang trở lại bình thường, thì trách nhiệm của mỗi công dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng rất quan trọng.

Tuy nhiên, cần tránh hai thái cực, thứ nhất là chủ quan, coi Covid chẳng có gì nguy hiểm, bởi chúng ta có thể vô tình lây cho ông bà, bố mẹ hoặc người nhà chưa tiêm vaccine, nguy cơ cao. Ngược lại, không cần quá căng thẳng khi biết mình bị nhiễm bệnh hoặc đã tiếp xúc với người nhiễm. Với độ bao phủ vaccine diện rộng và chủng Omicron đang lây lan nhanh, sẽ ít xảy ra bùng phát dịch bệnh với tỷ lệ tử vong cao như trước đây nữa.

Viết Tuân

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều