PGS.TS Nghiêm Trung Dũng: ‘Bảng xếp hạng của AirVisual chưa đáng tin’
Hà Nội và Tổng cục Môi trường không cung cấp số liệu cho AirVisual nên những thông tin họ đưa ra không chính xác và chưa thể tin tưởng vào bảng xếp hạng của họ.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) trả lời VnExpress về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong thời gian gần đây và sự khác biệt về chỉ số giữa các hệ thống quan trắc của Tổng cục Môi trường với PamAir hay AirVisual.
– Xin ông cho biết mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội hiện nay đứng ở đâu so với các nước?
– Chúng ta có thể theo dõi số liệu mà Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã công bố, theo đó, nồng độ trung bình giờ của bụi PM2.5 (bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm) đã nhiều lần vượt quy chuẩn 24h và kéo dài trong nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, để đưa ra được so sánh mức độ ô nhiễm không khí giữa các thành phố cần phải có nghiên cứu trong thời gian dài, trên một hệ quy chiếu nhất định chứ không thể chỉ dựa vào số liệu của một thời điểm.
Trước đây chúng tôi đã thực hiện một dự án lớn, trong đó các loại bụi có kích thước khác nhau được đo và tổng hợp trong một khoảng thời gian dài (2001-2004) tại 6 thành phố gồm Hà Nội (Việt Nam), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan) Manila (Philippines), Bandung (Indonesia), Chennai (Ấn Độ). Cụ thể, trong các thành phố này, nồng độ bụi PM2.5 và PM10 ở Hà Nội cao thứ hai (đứng sau Bắc Kinh).
– Vậy nguyên nhân nào dẫn tới ô nhiễm không khí ở Hà Nội?
– Ô nhiễm ở một khu vực nào đó phụ thuộc vào nguồn thải, điều kiện lan truyền. Nguồn thải tại chỗ và có thể từ tỉnh khác, thậm chí là từ nước khác sang. Điều kiện lan truyền thì phụ thuộc vào địa hình và yếu tố khí tượng. Tại một địa phương cụ thể (ví dụ như Hà Nội), khi điều kiện địa hình, đặc biệt là các nguồn thải địa phương không thay đổi đáng kể thì nguyên nhân làm nồng độ các chất ô nhiễm tăng cao trong ngắn hạn là yếu tố khí tượng.
Do điều kiện khí tượng không thuận lợi, các chất ô nhiễm không phát tán được, dẫn tới làm tăng nồng độ cục bộ. Yếu tố khí tượng, thậm chí có thể mang thêm chất ô nhiễm từ nơi khác đến.
Số liệu quan trắc ở Hà Nội nhiều năm qua cho thấy, vào mùa khô (mùa đông) nồng độ nhiều chất ô nhiễm thường cao hơn mùa mưa (mùa hè). Nguyên nhân do yếu tố khuếch tán, rửa trôi và biến đổi của chất ô nhiễm trong mùa khô kém hơn. Ngoài ra, một số dạng nguồn thải có thể tăng thêm trong mùa khô.
Số liệu đo trong giai đoạn 2001-2008, công bố năm 2010, cho thấy ô nhiễm bụi PM2.5 ở Hà Nội khoảng 40% nguyên nhân tới từ giao thông. Theo một nghiên cứu mới đây của chúng tôi, thì 46% bụi nano (bụi kích thước nhỏ hơn 0,1 µm) ở Hà Nội đến từ giao thông.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ và định lượng nào về sự đóng góp của các dạng nguồn thải tới mức độ ô nhiễm không khí mà cơ bản vẫn nói theo báo cáo từ những năm 2000. Cụ thể, có một số nguồn chính gây ô nhiễm như: công nghiệp, xây dựng, đun nấu sinh hoạt, giao thông…
Trong 15 năm qua đã có nhiều sự thay đổi, nhiều khu công nghiệp đã chuyển khỏi thành phố, đun nấu sinh hoạt cũng đã chuyển từ than, dầu hỏa sang gas, điện. Còn các công trình xây dựng thì chủ yếu sinh ra bụi hạt to chứ bụi hạt bé thì không quá nhiều.
– Ông có đánh giá gì về những hệ thống quan trắc không khí của Nhà nước và các hệ thống tư nhân khác?
– Cơ bản có hai hệ thống quan trắc chính thống ở Hà Nội, một của Tổng cục Môi trường và một của UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội đang vận hành 10 trạm (2 trạm tự động cố định, 8 trạm compact). Để có số liệu chính xác thì phải đảm bảo đồng thời nhiều yếu tố như mua thiết bị đúng hãng, lắp đặt và vận hành đúng quy trình… Nếu chỉ một khâu sai sót thì số liệu sẽ không đảm bảo độ tin cậy.
Các trạm quan trắc cố định có chất lượng thiết bị tốt hơn và điều kiện hiệu chuẩn tốt hơn so với các trạm compact. Hệ thống cảm biến ở các trạm compact thường lão hóa nhanh nên chất lượng số liệu cũng giảm nhanh.
Ngoài ra, tôi được biết một số nơi dùng các cảm biến để đo nhưng không có hiệu chuẩn, vậy nên phải hết sức thận trọng khi xem xét những kết quả mà họ công bố.
Về AQI, cách tính của trạm tại đại sứ quán Mỹ và của PamAir khác với hệ thống của Việt Nam, nên ngay cả khi cùng bộ số liệu đầu vào, kết quả thu được về AQI vẫn khác nhau.
– Vậy người dân phải hiểu như thế nào về thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới mà AirVisual đưa ra?
– Tôi sẽ không đánh giá xếp hạng của AirVisual là đúng hay sai vì họ không công bố đầy đủ cách thức họ đánh giá như thế nào. Tuy nhiên, họ trả lời là lấy số liệu quan trắc của thành phố Hà Nội và Tổng cục Môi trường thì tôi được biết là các đơn vị trên chưa hề có sự đồng ý liên kết bằng văn bản nào cả. Những thông tin họ đưa ra đã không chính xác thì chưa thể đặt sự tin tưởng vào bảng xếp hạng mà họ công bố.
Như tôi đã nói ở trên, để có được đánh giá chính xác về chất lượng không khí thì cần quá trình nghiên cứu tổng hợp, dài hạn, theo một quy trình, một phương pháp luận khoa học.
Thêm nữa, trạm quan trắc tự động cố định của Hà Nội không cập nhật số liệu liên tục (theo thời gian thực – real time) mà theo trung bình giờ, nhưng AirVisual lại có số liệu cập nhật liên tục (real time). Đây cũng là dấu hỏi đặt ra trong hoạt động của hệ thống AirVisual.
Người dân chỉ nên theo dõi thông tin ô nhiễm từ các trang chính thống của Hà Nội và Tổng cục môi trường. Đồng thời, cần hiểu rằng mỗi trạm quan trắc ô nhiễm không khí chỉ đại diện cho một khu vực nhất định, phạm vi phụ thuộc vào địa hình, phân bổ nguồn thải…
– Vậy có những giải pháp nào để Hà Nội khắc phục hiện trạng ô nhiễm không khí?
– Có nhiều việc phải làm, phải bắt đúng “bệnh” và chữa căn nguyên chứ không chữa triệu chứng. Chúng ta đã nói 20 năm nay là Hà Nội có những nguồn ô nhiễm như trên nhưng chúng ta chưa có câu trả lời cụ thể, định lượng là từng dạng nguồn đó đóng góp bao nhiêu phần trăm vào mỗi chất ô nhiễm (chú trọng những chất ô nhiễm chính). Vậy Hà Nội cần phải có câu trả lời định lượng bụi, ví dụ là PM2.5 do nguồn nào phát ra chính, CO, SO2, NO2… do nguồn nào phát thải chính để từ đó đưa ra phương hướng giải quyết cụ thể. Để chỉ ra được điều này thì cần đầu tư để có các nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Có nhiều nguồn và nhiều chất gây ô nhiễm không khí nhưng chúng ta phải tập trung vào giải quyết các nguồn chính và các chất ô nhiễm chính, trong đó, cần nhấn mạnh vào nguồn giao thông.
Chúng ta cần tăng cường sử dụng các công cụ kỹ thuật và kinh tế đối với giao thông, nhưng hạn chế sử dụng các giải pháp hành chính như cấm các phương tiện. Ví dụ như London, họ thiết lập khu vực phát thải siêu thấp (ULEZ), khi xe muốn đi vào khu vực nào thì phải đạt được mức phát thải quy định. Các xe không đạt mức phát thải vẫn có thể đi vào vùng đó nhưng phải đóng phí và chính phí này được sử dụng để cải thiện chất lượng môi trường. Hay phí hạn chế tắc nghẽn giao thông theo từng khung giờ, khu vực; các xe muốn đi vào vùng đó thì cũng phải đóng thêm phí. Đồng thời, thành phố cần nâng cấp phương tiện công cộng đủ tốt và đủ độ phủ.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) là chuyên gia nghiên cứu về các chất ô nhiễm không khí có độc tính cao như bụi PM10, bụi PM2.5, bụi nano (nanoparticle), PAHs – một trong những chất hữu cơ gây ô nhiễm phổ biến nhất và có thể gây bệnh ung thư; hệ số phát thải các chất ô nhiễm không khí; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo chất lượng không khí…
(Theo VnExpress)