+
Aa
-
like
comment

Pfizer/BioNTech muốn tăng lên ba mũi tiêm

09/07/2021 07:12

Pfizer và BioNTech cho biết sẽ xin cấp phép tăng liều tiêm vaccine Covid-19 của họ lên ba vì thử nghiệm cho thấy tăng liều tiêm sẽ hiệu quả hơn.

Quyết định được đưa ra sau khi dữ liệu ban đầu từ một thử nghiệm đang diễn ra cho thấy liều tiêm thứ ba đẩy mức kháng thể lên gấp 5-10 lần đối với chủng nCoV ban đầu và biến chủng Beta, lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, so với hai liều đầu tiên, theo tuyên bố ngày 8/7 của Pfizer và Biotech.

“Các công ty hy vọng sẽ sớm công bố dữ liệu chính xác hơn cũng như trên một tạp chí bình duyệt và có kế hoạch gửi dữ liệu lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cùng các cơ quan quản lý khác trong những tuần tới”, tuyên bố nêu thêm.

Pfizer/BioNTech muốn tăng lên ba mũi tiêm

Ngoài ra, Pfizer và Biotech kỳ vọng liều thứ ba sẽ phát huy hiệu quả tốt tương tự đối với chủng Delta có khả năng lây truyền cao, đang nhanh chóng áp đảo trên toàn cầu. Họ cũng đang phát triển một loại vaccine đặc hiệu cho Delta, lô đầu tiên đã được sản xuất tại cơ sở của BioNTech ở Mainz, Đức.

Các công ty dự đoán nghiên cứu lâm sàng sẽ bắt đầu vào tháng 8, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý, thêm rằng dựa trên sự sụt giảm hiệu quả được ghi nhận ở Israel sau 6 tháng, họ tin rằng có thể cần tiêm liều thứ ba trong vòng 6-12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ.

“Dù khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ trở bệnh nặng vẫn ở mức cao trong 6 tháng, hiệu quả chống lại ca có triệu chứng suy giảm theo thời gian và thêm nhiều biến chủng xuất hiện”, tuyên bố nhấn mạnh.

Thế giới đã ghi nhận 186.183.093 ca nhiễm nCoV và 4.022.501 ca tử vong, tăng lần lượt 345.708 và 4.960, trong khi 168.592.685 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Các lọ vaccine Covid-19 của Pfizer hồi tháng 11/2020. Ảnh: AFP.
Các lọ vaccine Covid-19 của Pfizer hồi tháng 11/2020. Ảnh: AFP.

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 34.668.836 ca nhiễm và 622.089 ca tử vong do nCoV, tăng 12.791 ca nhiễm và 136 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Dữ liệu mới nhất cho thấy ca nhiễm đang tăng nhanh chóng ở Mỹ khi biến chủng Delta chiếm ưu thế và chiến dịch tiêm chủng bị đình trệ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), số ca mắc mới trung bình trong 7 ngày là 13.859, tăng 21% so với hai tuần trước đó.

Dù sở hữu lượng vaccine sẵn có cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào, chiến dịch tiêm chủng của Mỹ giảm mạnh từ tháng 4. Các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn đang ghi nhận tỷ lệ nhiễm cao hơn, một xu hướng ngày càng rõ ràng trong những tuần gần đây.

Theo tiến sĩ Anthony Fauci, hơn 9/10 người Mỹ chết vì Covid-19 trong tháng 6 là những người không tiêm phòng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại sự cấp thiết của tiêm phòng. “Bây giờ chúng ta không thể tự mãn”, ông nói trong một cuộc họp báo. “Hàng triệu người Mỹ vẫn chưa được tiêm chủng và không được bảo vệ. Và bởi thế, cộng đồng của họ gặp rủi ro, bạn bè của họ gặp rủi ro, những người họ quan tâm cũng gặp rủi ro”.

Canada đã bắt đầu nới lỏng hạn chế đi lại cho công dân, nhưng Thủ tướng Justin Trudeau hôm 8/7 cho biết sẽ còn “khá lâu” trước khi du khách nước ngoài chưa tiêm phòng được phép vào nước này, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Canada.

Tuy nhiên, Thủ tướng báo hiệu những thay đổi đối với các quy tắc “trong những tuần tới” có thể cho phép du khách tiêm phòng đầy đủ đến Canada, song không cung cấp thông tin chi tiết.

Từ tuần này, Canada đã miễn yêu cầu cách ly đối với công dân và thường trú nhân trở về từ nước ngoài đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19. Việc đóng cửa biên giới, được gia hạn mỗi tháng theo thỏa thuận giữa Ottawa và Washington, sẽ được duy trì cho đến ít nhất ngày 21/7.

Pháp ghi nhận thêm 4.442 và 25 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 5.799.107 và 111.284.

Pháp hôm 8/7 cảnh báo công dân không đến Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong kỳ nghỉ do biến chủng Delta, dù nước này hiện cho công dân du lịch đến tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), miễn là họ đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính nCoV.

“Đối với những người chưa chọn được điểm đến, hãy tránh Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tốt hơn nên ở Pháp hoặc đến các nước khác”, Bộ trưởng châu Âu Clement Beaune tuyên bố.

Beaune nói thêm rằng Pháp, quốc gia lo ngại sẽ chịu sóng Covid-19 thứ tư vào mùa hè này, đã đặt ra những hạn chế đối với việc đi lại ở châu Âu do biến chủng Delta. “Chúng ta phải cẩn thận, đại dịch vẫn chưa kết thúc”, ông nói.

Đức đã có lệnh cấm đối với du khách đến từ Bồ Đào Nha, nơi biến chủng Delta đang áp đảo. Chỉ công dân hoặc cư dân Đức mới được phép nhập cảnh từ Bồ Đào Nha và phải cách ly hai tuần khi đến nơi.

Beaune cho biết Pháp đang “theo dõi sát sao tình hình ở các quốc gia nơi dịch bệnh bùng phát rất nhanh”, đặc biệt là vùng Catalonia của Tây Ban Nha.

Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva thừa nhận tình hình trong nước đã “xấu đi” và những lo ngại của Pháp là “có thể hiểu được”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 8/7 cho biết châu Phi vừa trải qua tuần tàn khốc nhất của đại dịch, nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến, khi làn sóng thứ ba đang tàn phá châu lục này.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau 18 ngày, so với 21 ngày một tuần trước đây, thêm rằng “vẫn còn vài tuần nữa” sự gia tăng nhanh chóng này mới kết thúc.

Ca nhiễm gia tăng ở châu Phi từ khi sóng Covid-19 thứ ba bắt đầu ngày 3/5. Trong tuần kết thúc vào ngày 4/7, hơn 251.000 ca nhiễm mới được ghi nhận tại lục địa này, tăng 20% so với tuần trước và tăng 12% so với mức đỉnh của tháng 1.

16 quốc gia châu Phi đang chứng kiến sự bùng phát trở lại, trong đó 10 quốc gia ghi nhận biến chủng Delta. Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức cao kỷ lục 26.000 cuối tuần qua.

Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi vẫn ở mức thấp, chỉ 16 triệu người, tương đương 2% dân số, được tiêm chủng đầy đủ.

Tuy nhiên, Moeti cho biết việc cung cấp vaccine đang tăng lên sau khi quá trình này gần như dừng lại vào tháng 5 và đầu tháng 6. Trong hai tuần qua, hơn 1,6 triệu liều đã được chuyển đến châu Phi thông qua chương trình Covax. Lô hàng 20 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson và Pfizer/BioNTech sẽ sớm được chuyển đến 49 quốc gia.

Theo số liệu mới nhất, châu Phi đã ghi nhận 5.730.638 ca nhiễm và 147.125 ca tử vong do Covid-19.

Campuchia ghi nhận thêm 954 ca nhiễm nCoV và 27 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 58.057, trong đó 825 người đã tử vong.

Thủ đô Phnom Penh gần như đã hoàn thành chương trình tiêm chủng khi số liệu chính thức cho thấy hơn 2,4 triệu người đã được tiêm liều thứ hai tính đến 4/7. Cuộc điều tra dân số gần đây nhất từ năm 2019 cho thấy thủ đô có hơn 2,2 triệu dân.

Phát ngôn viên chính phủ Phay Siphan giải thích sự chênh lệch này là do nỗ lực tiêm chủng cho tất cả người ở Phnom Penh, không chỉ cư dân chính thức của thủ đô.

“Mọi người từ bên ngoài đến Phnom Penh để tiêm chủng. Công nhân nhà máy từ các tỉnh khác đến ‘Vùng đỏ’ cũng đã được tiêm”, ông nói.

Khi được hỏi liệu hơn 90% cư dân Phnom Penh đã được tiêm chủng hay chưa, Siphan chỉ ra rằng con số có thể cao hơn nữa, “hầu hết tất cả mọi người” ở Phnom Penh đều đã được tiêm chủng đầy đủ.

(Theo AFP, Guardian)

Bài mới
Đọc nhiều