Panorama – nỗi buồn trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Nhìn trên bản đồ vệ tinh, khối bê tông khổng lồ ở Mã Pí Lèng chỉ là một cái chấm rất nhỏ. Nhưng, đằng sau cái chấm nhỏ đó là những tư duy sai lầm rất lớn về phát triển bền vững và đa dạng văn hóa. Và câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn ở đâu?.
Nỗi buồn danh thắng!
Còn nhớ năm 2011, cộng đồng phượt đã bàng hoàng khi chợ phiên Đồng Văn dời sang địa điểm mới để lại những dãy nhà cổ đẫm màu thời gian và hoài niệm trở nên hoang lạnh thì mấy ngày gần đây, một bức ảnh chụp toàn cảnh “đệ nhất hùng quan” trên đèo Mã Pì Lèng được chia sẻ trên mạng xã hội lại khiến nhiều người “thương nhớ Đồng Văn” thêm một lần đau xót.
Ai từng đi trên con đường mang tên Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn với Mèo Vạc hẳn đều biết dưới chân vọng cảnh đài Mã Pì Lèng hiểm trở có một mỏm đá huyền thoại nhô ra trên vách núi. Đã không ít khách du lịch men theo lối mòn lẫn trong cỏ dại và những mỏm đá tai mèo sắc nhọn đến mỏm đá này để lưu lại hình ảnh nhớ đời. Bởi đây được xem là nơi lý tưởng nhất để ngắm dòng sông Nho Quế biếc xanh huyền thoại và hẻm vực Tu Sản – hẻm vực sâu nhất Việt Nam. Bởi ở đây bất cứ ai cũng có thể dang tay ôm trọn hình ảnh đất trời nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Bởi cũng chỉ ở đây người ta mới thấy hết một hẻm vực Tu Sản sâu thẳm nhưng cũng hùng vĩ và vô cùng lộng lẫy.
Nhưng, dân phượt sẽ không còn một vọng cảnh đài thiên tạo hoàn hảo, hoang dã và hấp dẫn như thuở nào. Đè lên chính mỏm đá luôn nằm trong những khung hình “kinh điển” của Mã Pì Lèng nơi địa đầu Tổ quốc, giờ là một mảng sân bêtông lớn đang được xây dựng. Mỏm đá huyền thoại đã bị san phẳng, nhường chỗ cho một đài quan sát nằm trong dự án nâng cấp điểm dừng chân Mã Pì Lèng do huyện Mèo Vạc.
Sự thờ ơ của chính quyền địa phương
Công trình bê tông trên đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) đang gây nhiều nhức nhối. Nhức nhối vì cảnh quan tráng lệ bên dòng Nho Quế bị phá vỡ. Nhức nhối vì công trình đi vào khai thác mà thiếu hàng loạt giấy phép, song chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. Nhức nhối vì một công trình kiên cố đặt ngay sát vùng bảo vệ danh lam thắng cảnh quốc gia, song chính quyền và các cơ quan chức năng Hà Giang không hề có quyết định nào, cho đến lúc dư luận dậy sóng.
Trong rất nhiều phát biểu của các cơ quan chức năng, tôi ấn tượng phát biểu của ông Nguyễn Cao Cường – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Mèo Vạc nói công trình này cho du khách có điểm ngắm hẻm vực sông Nho Quế. Huyện từ lâu đã muốn đầu tư điểm dừng chân này nhưng không có kinh phí nên khi tư nhân muốn làm, chúng tôi rất chào đón, không kịp giải quyết thủ tục hồ sơ. Vậy rõ ràng là chính quyền bật đèn xanh cho hành vi vi phạm pháp luật rồi sau đó hợp thức hóa. Có lẽ khả năng này là hướng giải quyết mà chính quyền Hà Giang đang lựa chọn, bất chấp một di sản đang đau đớn trước những khối bê tông chém thẳng vào núi rừng xanh ngắt.
Ta không chắc điều gì nằm phía sau những sự vi phạm ngang nghiên này cũng như hướng khắc phục (nguy cơ là) cho tồn tại, ta sẽ sớm có những “Panorama” tiếp theo không, khi mà dọc đoạn đường đèo đã phát hiện thêm vài cơ sở nhỏ lẻ đang hoạt động hoặc manh nha xây dựng? Panorama xây dựng được ở đỉnh Mã Pí Lèng, liệu có là tiền lệ cho Panorama khác ở một di sản khác, trong hoặc ngoài Hà Giang?
Cũng đáng đau lòng khi nhìn thấy, khi tòa nhà đang gây ồn ào trên công luận lẫn dư luận, nhiều đoàn người đã kéo đến đây, không phải để phản đối, mà để tranh nhau chụp ảnh check-in ngay ở nơi đã xâm phạm trơ tráo cả pháp luật quản lý nhà nước lẫn cảnh quan môi trường.
Chỉ có mẹ thiên nhiên ngày một kiệt quệ khi bị róc từng mảng thịt để bị chuyển hóa thành tiền chất đầy túi các nhà buôn sẵn sàng phục vụ những thị hiếu trước mắt và một tương lai xám không còn màu xanh từ trong nhận thức lẫn hiện thực khách quan cho thế hệ tương lai.
Diệu Hương