+
Aa
-
like
comment

Kiến trúc sư nổi tiếng nói về công trình trái phép Panorama Mã Pì Lèng

Đặng Trường - 08/10/2019 17:10

Một tài khoản FB mang tên Nguyễn Hoàng Phương tự nhận mình là kiến trúc sư đã bỏ nghề 6 năm nhưng khi nghe chuyện Panorama Mã Pì Lèng đã quyết định đến tận nơi để mắt thấy tai nghe và tim cảm nhận. Sau khi, di chuyển quan sát xung quanh, ngắm ngoại thất rồi nội thất, chui xuống tầng hầm rồi leo lên tầng thượng thì ông ấy đã đưa ra những kết luận như sau:

nguyenhoang
Ông Nguyễn Hoàng Phương tự nhận mình là kiến trúc sư đã bỏ nghề 6 năm

Thứ nhất, nếu nói ai đó có lỗi, thì đầu tiên phải là chính quyền địa phương. Mã Pì Lèng đã có cả nghìn năm nay, được coi là cảnh quan đẹp tầm quốc gia, thế mà từ năm 1959 đến nay, không có cơ quan ban ngành nào lập kế hoạch nghiên cứu xem nên quy hoạch cảnh quan môi trường ra sao cả. Khi chưa thấy bóng dáng cũng như động thái của Tổng cục Du lịch, Bộ Xây dựng, Hội kiến trúc sư thì người dân đã nhanh tay nhanh mắt làm trước, cũng dễ hiểu thôi, người dân nào thấy cơ hội kiếm tiền mà ngồi yên được.

Thứ hai, khi mà chưa có quy họach gì cả thì người dân sẽ làm theo ý thích của mình nên khi chúng ta bảo nó to, nó xấu thì chỉ là theo cảm tính thôi, chứ làm gì có chuẩn nào để mà đối chiếu.

mapileng
Công trình Panorama trên Mã Pì Lèng

Thứ ba, nói về chủ xây dựng thì phải khen người đó là siêu giỏi. Chọn vị trí đẹp nhất trong cả cung đèo này, nhìn xuống đúng hẻm núi chữ V tuyệt nhất của sông Nho Quế, rõ là tầm nhìn của người chủ phải là loại có hạng. Lắp pin mặt trời, bán đồ uống sạch và hiện đại để phục vụ tốt cho khách du lịch quốc tế… không hề tìm thấy một chút cẩu thả nào trong dịch vụ, có thể khẳng định rằng, nếu có hành lang pháp lý và được tư vấn chuẩn thì chủ đầu tư sẽ làm ra ngô ra khoai tốt hơn nữa.

vtr
Vị trí xây dựng Panorama rất đẹp.
pileng
pl
Tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cà phê Panorama xây ngay trên lưng chừng đèo Mã Pì Lèng mặc dù chưa có giáy phép nhưng rất được đầu tư xây dựng, công trình có lắp cả pin năng lượng mặt trời.

Thứ năm, nếu cho tồn tại thì phải làm đúng quy trình, thủ tục pháp lý, không để pháp luật xen lẫn cảm tính. Giống như luật sư Giang Văn Quyết chia sẻ: “Cho tồn tại hay phá đi cần phải áp dụng đúng căn cứ pháp luật. Nếu luật quy định phải cưỡng chế, phá dỡ thì phải phá dỡ… mọi sự cảm tính đều sẽ vô hiệu hóa pháp luật”. Sau đó, chủ xây dựng nên suy nghĩ theo hướng sử dụng các vách kính chịu lực thay cho tường đặc để làm cho công trình trở nên trong suốt hơn. Nên tháo dỡ phần mái và chỉ để lại 2 tầng bám theo triền núi dốc, không nên làm cao tầng mà nên làm dàn trải bám men theo bờ dốc để đỡ có cảm giác thô cứng của nhân tạo phá vỡ cái hoang sơ của tự nhiên. Còn nếu phải phá dỡ thì cơ quan chức năng cũng nên xem xét ở góc độ tình cảm, đền bù lại cho chủ xây dựng bằng cách nào đó mà họ có thể chấp nhận bỏ “đứa con tinh thần” mà không uất hận.

Cuối cùng, địa điểm này nên tận dụng để giới thiệu du lịch cho khu vực, bán vé dịch vụ trải nghiệm đi thuyền trên sông Nho Quế chỉ cách đó vài km. Thay vì chỉ nhìn thấy tiêu cực và tìm cách đổ lỗi cho nhau để thoái thác trách nhiệm, cả nhà quản lý lẫn chủ xây dựng nên cùng nhau ngồi lại để đưa ra giải pháp tích cực, khả thi vừa hợp lòng dân vừa đảm bảo không trái quy định của pháp luật.

*Bài viết mang quan điểm cá nhân của kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương, có bổ sung thông tin và chỉnh sửa phù hợp.

Đặng Trường/Theo FB Nguyễn Hoàng Phương

Bài mới
Đọc nhiều