Oxy – Thứ đang khiến người dân Ấn Độ “khủng hoảng”?
Một ngày có hơn 300.000 ca nhiễm mới, thiếu hụt giường bệnh là chuyện dễ hiểu. Nhưng người chết lại nằm la liệt ở hành lang, ở các góc phố chỉ vì lý do duy nhất: Họ không có oxy để thở.
Khi ai đó mắc Covid-19, con virus sẽ khiến phổi bị đông đặc và bệnh nhân sẽ chết vì thiếu oxy trước khi nghĩ đến điều gì khác. Điều đó đang khiến Ấn Độ rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Vậy câu hỏi đặt ra là Ấn Độ có thật sự thiếu oxy không? Câu trả lời là không.
Năng lực sản xuất oxy hàng ngày của Ấn Độ có thể lên đến 7.100 tấn, con số này có thể tăng lên nhiều nữa nếu tái khởi động các dây chuyền cũ và vận hành tối đa công suất 24/7 của các nhà máy hiện tại. Nhưng lý do vì sao các bệnh viện vẫn thiếu hụt trầm trọng lượng oxy? Đáp án có thể được hiểu như sau:
Thứ nhất, oxy không phải là thứ dễ vận chuyển, nó có thể gây ra cháy nổ bất cứ lúc nào. Vận chuyển nó phải có quy trình cực kỳ nghiêm ngặt và điều đó khiến hàng sẽ lâu đến với các bệnh viện hơn.
Thứ hai, các nhà máy sản xuất đặt rất xa trung tâm thành phố và còn nằm rải rác ở các bang khác nhau, có nhà máy cách trung tâm thủ đô New Delhi tới 1.000 cây số. Điều đó khiến quãng đường vận chuyển trở nên dài và khó khăn hơn.
Thứ ba, các bệnh viện và ngành y tế đã rất chủ quan, đánh giá thấp tình hình. Việc quá tự tin vào khả năng miễn dịch cộng đồng ở làn sóng thứ nhất khiến bệnh viện không chuẩn bị đủ lượng oxy cần thiết cho tình huống xấu nhất, hậu quả là họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn oxy khẩn cấp. Các chuyên gia đánh giá nếu các bệnh viện chịu đặt hàng trước cách đây 2-3 tuần thì tình hình đã không tồi tệ đến như vậy. Ngoài ra thì Ấn Độ cũng đã xuất khẩu oxy y tế và vaccine ra nhiều nước khi đà tăng ca nhiễm được kiểm soát cách đây không lâu.
Thứ tư, các bang gây khó dễ. Ấn Độ vận hành theo bang nên sẽ có chuyện trên bảo dưới không nghe và ưu tiên người nhà. Các bang có nhà máy sẽ ưu tiên cho bang mình trước và gây khó dễ trong công tác vận chuyển cũng như lượng hàng xuất đi. Hiện tại có 20 bang đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của làn sóng thứ 2 này.
Oxy hiện tại đang là mặt hàng quý hơn vàng ở Ấn Độ và dẫn đến xảy ra tình trạng cướp bóc, khiến Chính phủ phải tăng cường quân đội bảo vệ nghiêm ngặt mặt hàng khan hiếm này. Tình hình sắp tới sẽ còn rất phức tạp cho Ấn Độ.
Hạ Trắng