+
Aa
-
like
comment

Ông Vương Đình Huệ sẽ vượt lên thách thức và thay đổi Quốc hội khóa mới

Đặng Trường - 15/04/2021 13:46

Dù muốn hay không thì Quốc hội khóa mới cũng sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức và áp lực. Ông Vương Đình Huệ với lời hứa “vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân” đang được kỳ vọng sẽ mang tới những thay đổi mang tính chiến lược trong hoạt động, giúp Quốc hội khóa mới vượt qua mọi thách thức và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chiếm được nhiều niềm tin của cử tri, đồng bào cả nước.

Việt Nam đang thực hiện những mục tiêu cơ bản đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình 7.500 USD/người và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao 18.000 USD/người. Trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5 – 7%/năm. Với những những mục tiêu kinh tế lớn này, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và toàn dân đã và đang đoàn kết, nỗ lực thực hiện. Trong đó, Quốc hội khóa mới phải thực hiện “sứ mệnh lịch sử” của mình, đại biểu Vũ Tiến Lộc (chủ tịch VCCI) cho rằng trọng trách nặng nề của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng tập thể cộng sự là thể chế hóa đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII, khởi động hành trình xây dựng đất nước hùng cường, trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.

Để làm được điều này, Quốc hội khoá mới cần quan tâm hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp luật, đảm bảo chất lượng các dự án luật, xây dựng luật hay bộ luật cần phương pháp tiếp cận mới, đội ngũ xây dựng luật hay bộ luật phải có sự thay đổi. Phải làm sao các dự án luật “ăn sâu vào lòng dân, được nhân dân tín nhiệm và phải đi vào cuộc sống”. Hơn nữa, trong bối cảnh thế giới luôn có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt sự phát triển kinh tế tư nhân ngày càng mãnh mẽ, sự chuyển dịch dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam càng lớn thì buộc phải có những cơ chế thông thoáng, cởi mở, phù hợp và tạo điều kiện hơn nữa. Thách thức đặt ra chính là cần tiếp tục cải cách cơ chế kinh doanh, đây là một trong những điều kiện, tiền đề quan trọng hàng đầu để đạt tới mục đích thịnh vượng. Xây dựng cơ chế như thế nào để những doanh nghiệp Việt trong nước có thể bay cao bay xa hơn nữa và doanh nghiệp nước ngoài sẽ gắn bó lâu dài với Việt Nam.

Như đã biết, song song với các mục tiêu kinh tế trên thì chúng ta cũng cần phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội mà nhiệm vụ tiếp theo cũng là thách thức cho Quốc hội khóa mới, đó là phải giảm khoảng cách giàu nghèo. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền? Câu trả lời duy nhất chính là Quốc hội khóa mới phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, điển hình là các đạo luật liên quan đến an sinh xã hội, nhất là chủ trương thiết thực, đi sâu vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi để Việt Nam phát triển toàn diện hơn. Đây cũng chính là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 vừa mới được Quốc hội khóa XIV thông qua. Và để thực hiện được đòi hỏi phải có sự quyết tâm chính trị cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Với tài năng và kinh nghiệm của mình, ông Vương Đình Huệ nhận được sự tín nhiệm gần như tuyệt đối của ĐBQH (98,54%), tuy nhiên, trước những thách thức lớn, tân Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ phải đối mặt với một số áp lực nhất định, thậm chí là áp lực lớn. Bởi người xưa có câu, thuyền càng to thì càng gặp sóng lớn. Nguyên Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân được đánh giá rất cao trên cương vị người đứng đầu Quốc hội những năm qua với lối lãnh đạo “lấy nhu thắng cương”, vừa cứng rắn, kiên quyết, vừa mềm mỏng, cùng với những thành công của Quốc hội khóa XIV cũng phần nào tạo nên “áp lực” đối với ông Vương Đình Huệ. Tân Chủ tịch Quốc hội phải làm sao vừa hoàn thành vai trò của một người đứng đầu cơ quan lập pháp, vừa dẫn dắt Quốc hội thành công hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân hơn nữa.

Tuy nhiên, với một người “lão luyện”, tài năng, bản lĩnh như ông Vương Đình Huệ thì ông ấy hoàn toàn có thể vượt qua được mọi thách thức cũng như áp lực. Gần như hầu hết người dân trên cả nước và đại biểu Quốc hội đều bày tỏ niềm tin, sự kỳ vọng vào ông ấy. ĐBQH Đỗ Văn Sinh khẳng định vai trò Chủ tịch Quốc hội cần có kiến thức tổng hợp, tổng hòa được mọi lĩnh vực, trong đó, kinh tế là một nền tảng rất quan trọng. Và ông đánh giá “tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người có kinh nghiệm, năng lực, nhất là trong lĩnh vực kinh tế”. Việc ông Vương Đình Huệ đã từng đóng góp sáng kiến, giải pháp khi làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và Phó thủ tướng. Kết quả là đưa được môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam lọt vào nhóm 3-4 trong ASEAN. Điều này khiến chúng ta càng có cơ sở tin rằng, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông ấy sẽ có nhiều dự án luật về kinh tế chất lượng, hiệu quả, giải quyết  bài toán mục tiêu phát triển kinh tế tầm nhìn xa lẫn trong giai đoạn 2021-2025.

Nguyên Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải từng nhận định, “việc trải qua nhiều cương vị từ Giảng viên đến Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Tài chính, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội chính là những lợi thế đặc biệt của ông Vương Đình Huệ để có thể đưa ra được những thay đổi mang tính chiến lược trong hoạt động của Quốc hội khóa tới, hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch Quốc hội”.

Những thông điệp mà ông Vương Đình Huệ nêu ra khi nhậm chức có lẽ chúng ta sẽ nhớ nhất thông điệp xây dựng hạnh phúc cho nhân dân cũng như đất nước phát triển toàn diện. Với uy tín, năng lực và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, tin tưởng rằng, tân Chủ tịch Quốc hội sẽ quy tụ, phát huy được trí tuệ, trách nhiệm, sự sáng tạo của cả bộ máy Quốc hội, mang lại hiệu quả hoạt động bất ngờ trong thời gian tới.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều