Ông Vũ Trọng Kim: ‘Cán bộ chớ có làm vua, làm chúa’
Cho rằng, những vụ án mà người vi phạm là cán bộ, đảng viên còn phổ biến, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị phải tăng cường quản lý đảng viên; lập quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn.
Sáng 5.11, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các vị ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII.
Các vụ án hàng tỉ đồng đều liên quan tới cán bộ là đảng viên
Góp ý tại hội nghị, ông Nguyễn Lân Dũng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục – Môi trường, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết nhân dân hoan nghênh thái độ kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ cao cấp có nhiều công hiến trong quá khứ, song khẳng định tình trạng tham nhũng, lãng phí còn rất lớn.
Ông Dũng cho rằng, việc xây các quảng trường, cổng chào hiện nay… nguy cơ thất thoát, tham nhũng, lãng phí rất lớn. “Tình trạng này ai cũng thấy rõ nhưng tiếp tục xảy ra trên phạm vi cả nước”, ông Dũng nói, và cho rằng nguyên nhân chính là do chúng ta chưa tận dụng sự phát hiện của quần chúng nhân dân.
Theo ông Dũng, Đảng rất quyết tâm trong việc chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. “Nhân dân đều thấy rõ điều đó và đa số quần chúng tin yêu Đảng không hề thay đổi vì quanh họ số đảng viên gương mẫu luôn là đa số”, ông Dũng nhận xét, song cũng khẳng định những vụ án mà người phạm tội là các đảng viên còn rất phổ biến.
“Tôi đề nghị các chi bộ Đảng cần có trách nhiệm cao hơn trong việc quản lý đảng viên. Nếu sinh hoạt của các chi bộ Đảng là thực sự nghiêm túc khi không có lý do gì không phát hiện được sự sa ngã của từng đảng viên, kể cả đảng viên đang giữ cương vị cao trong Đảng, Nhà nước”, ông Dũng kiến nghị.
Cán bộ hư hỏng nhiều do thiếu tu dưỡng, rèn luyện
Cùng góp ý về công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, nhìn nhận tham nhũng, lãng phí như con đỉa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là bit-tông đẩy của cải của nhân dân ra sông ra biển.
Ông Kim lý giải, tham nhũng sinh ra có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. “Nước ta cũng không nằm ngoài lý do đó. Thậm chí còn nặng nề hơn”, ông Kim nhận định.
Từ đó, ông Kim kiến nghị phải lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sỉ, kỷ luật sắt cho người cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay.
Nói riêng về đội ngũ cán bộ, ông Kim đề nghị, đảng viên phải là người đi trước, làng nước theo sau, việc gì có lợi cho dân phải kiên quyết làm, việc gì có hại cho dân phải cố tránh.
“Cán bộ bây giờ thường học lên cao, làm trên cao, rồi mới đưa về cơ sở, trui rèn không đủ độ chín, không thấu được lòng dân, nên sinh ra quá nhiều chuyện không hay”, ông Kim đánh giá, và cho rằng cán bộ cấp trên, cấp T.Ư quản lý vừa rồi hư hỏng nhiều cũng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không được nhân dân nuôi nấng, dạy dỗ.
“Bây giờ xây dựng cán bộ cấp chiến lược phải rút ra bài học quý giá, chớ có “làm vua, làm chúa’”, ông Kim nói.
Lê Hiệp/ TNO