Ông Vũ Mạnh Hải: ‘Không còn ai phủ nhận Việt Nam nếu hạ Thái Lan’
Cựu danh thủ Thể Công cho rằng vượt qua Thái Lan tại bán kết AFF Cup 2020 là cách duy nhất để Việt Nam khẳng định vị thế số một Đông Nam Á.
– Cảm xúc của ông thế nào khi Việt Nam gặp Thái Lan ngay ở bán kết AFF Cup 2020?
– Tất nhiên, tôi cũng như đa số người hâm mộ muốn Việt Nam gặp Thái Lan ở chung kết hơn, chỉ là tình thế không cho phép thầy trò HLV Park Hang-seo làm điều đó. Nhưng tôi không thấy có gì phải tiếc nuối. Việt Nam đến giải đấu lần này với mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch nên phải chấp nhận mọi rủi ro và sẵn sàng cho mọi đối thủ.
– Nhưng thực tế là sau trận thắng Campuchia 4-0, các cầu thủ Việt Nam đều tỏ ra chán chường. Tại sao lại như vậy?
– Có thể họ tiếc nuối vì hụt ngôi nhất bảng, chứ không phải lo lắng vì đụng độ Thái Lan. Nhưng dù thế nào, chuyện đó cũng không ảnh hưởng lắm đến tâm lý của các cầu thủ.
Đội bóng nào cũng có kế hoạch khi bước vào giải đấu. Nếu mọi thứ đúng như tính toán thì tốt, nếu không các cầu thủ cũng xác định tâm lý cả rồi. Hơn nữa, việc Việt Nam không đứng được đầu bảng không hoàn toàn nằm ở yếu tố chuyên môn. Mấy ai nghĩ được Indonesia ghi đến bốn bàn vào lưới Malaysia? Đôi khi, bóng đá trong khu vực là như vậy. Vì hiềm khích, các đội tuyển sẵn sàng làm khó nhau, đá “chết bỏ” luôn. Ở khía cạnh tích cực, tôi nghĩ việc gặp Thái Lan càng khiến cầu thủ Việt Nam có thêm động lực. Chơi như thế nào, chiến đấu thế nào để các đối thủ phải tâm phục khẩu phục. Khó khăn đến sớm, nhưng nếu vượt qua Thái Lan, con đường đến chức vô địch sẽ rộng mở hơn rất nhiều.
– Ông đánh giá thế nào về tương quan giữa Việt Nam và Thái Lan hiện tại?
– Việt Nam có đôi chút khó khăn hơn. Ở trận cuối vòng bảng, Thái Lan dùng đội hình hai đá với Singapore nên thể lực và lực lượng chính được bảo toàn. Không như AFF Cup 2018, năm nay họ có những nhân sự tốt nhất. Những cầu thủ đang đá ở Nhật Bản như Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan đều trở về, bên cạnh đó là các lão tướng như Teerasil Dangda. Điều đó cho thấy quyết tâm của Thái Lan tại giải này rất lớn.
Về phía Việt Nam, dù gặp chút trục trặc về cách triển khai tấn công ở trận hòa Indonesia, tôi cho rằng đội tuyển đã trải qua vòng bảng thành công, nhất là khi không lọt lưới bàn nào. Các cầu thủ cũng trưởng thành hơn nhiều sau khi tham dự giai đoạn ba vòng loại World Cup 2022. Tất nhiên, Việt Nam thiệt thòi khi thiếu một số cầu thủ quan trọng như Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Trọng Hoàng hay Đoàn Văn Hậu… nhưng cho đến lúc này, đội tuyển vẫn đi đúng hướng. Vấn đề duy nhất mà HLV Park đang đối mặt là phong độ của các cầu thủ chạy cánh và tiền đạo. Tiến Linh ghi hai bàn vào lưới Campuchia nhưng chưa đúng như kỳ vọng, trong khi Văn Toàn và Đức Chinh ít được thi đấu.
– Về mặt lối chơi thì sao?
– Thái Lan sở hữu một số cầu thủ quan trọng thi đấu ở những nền bóng đá tiên tiến nên lối chơi có phần hiện đại. Họ cũng đề cao tính phối hợp, sáng tạo và có sự đồng đều ở các tuyến. Các bài đánh biên của Thái Lan rất đa dạng – đây là một xu thế mà các đội bóng hàng đầu thế giới hiện nay đều chú trọng. Cho nên, nhìn Thái Lan thi đấu có thể thấy phảng phất nét tương đồng các đội bóng châu Âu. Họ đá thoáng, ít chạm nhưng hiệu quả dựa trên nền tảng tốt của các cầu thủ. Chất lượng từng cá nhân mà Thái Lan sở hữu cũng đôi chút nhỉnh hơn Việt Nam.
– Thực tế, những con người của Thái Lan vẫn như thế từ thời Akira Nishino. Theo ông, đâu là sự thay đổi lớn nhất của họ dưới sự dẫn dắt của tân HLV Mano Polking?
– Đó là tinh thần thi đấu. Dưới thời Polking, có vẻ các cầu thủ đồng lòng hơn, nỗ lực hơn. Khi HLV Nishino còn tại vị, tôi cảm giác họ bị bó buộc vào chiến thuật nên thi đấu không thoải mái. Kể cả những cầu thủ đẳng cấp và chuyên nghiệp như Chanathip cũng không đạt phong độ tốt khi đá cho đội tuyển. Điển hình là những trận đấu với Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup 2022. Đó là điều khá kỳ lạ. Có thể xem việc tháo bỏ áp lực cho các cầu thủ là thành công của HLV Polking dù đảm nhiệm công việc chưa lâu.
Nhưng chắc chắn, Thái Lan cũng áp lực khi đối đầu Việt Nam. Sự chênh lệch về trình độ và con người hiện tại vốn không quá lớn. Thế nên, trận đấu sắp tới sẽ là nơi kiểm chứng thực sự khả năng úy lạo tâm lý các cầu thủ của HLV Polking.
– Theo ông, HLV Park nên chọn cách tiếp cận nào ở trận bán kết lượt đi ngày 23/12?
– HLV Park không xa lạ gì Thái Lan. Ở hai lần đối đầu tại vòng loại World Cup, đôi bên đều chọn cách tiếp cận thận trọng. Tôi nghĩ kịch bản của hai trận bán kết sắp tới sẽ không khác nhiều. Dù có lợi thế về thể lực hay phong độ, Thái Lan cũng không dám tấn công ào ạt. Về phần Việt Nam, sau những trận đấu căng thẳng ở giai đoạn ba vòng loại World Cup, gặp những đội hàng đầu như Nhật Bản hay Saudi Arabia, thầy trò HLV Park đã quá hiểu tính chất của những trận đấu kiểu này. Đội tuyển phòng thủ hay tấn công sẽ tùy thuộc vào thời điểm của trận đấu và nhân sự lúc đó trên sân. Điều ấy, chúng ta không thể biết được cho đến khi bóng lăn.
– Hai trận bán kết gặp Thái Lan có ý nghĩa thế nào trong triều đại của HLV Park tại Việt Nam?
– Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế nhà vua Đông Nam Á. Dưới thời HLV Park, Việt Nam đã gặp Thái Lan ba lần nhưng chưa lần nào thắng ở một giải chính thức. Hai lần chạm trán ở vòng loại World Cup có kết quả hòa 0-0, trong khi chiến thắng duy nhất, với tỷ số 1-0, diễn ra ở giải giao hữu King’s Cup năm 2019.
Đánh bại Thái Lan là cách chứng tỏ Việt Nam xứng đáng với vị trí nhà vô địch khu vực. Chúng ta đã đăng quang ba năm trước, nhưng khi ấy không trực tiếp thắng Thái Lan do họ bị Malaysia loại từ bán kết. Trong bóng đá, lịch sử có tiếng nói nhất định. CĐV Thái Lan vin vào lý do họ có nhiều chức vô địch Đông Nam Á hơn để phủ nhận vị thế dẫn đầu của Việt Nam hiện tại. Ngoài ra, lịch sử đối đầu cũng là thứ chống lại chúng ta. Có thời Thái Lan luôn được xem là đối thủ kỵ dơ với Việt Nam. Nhưng thời gian qua, đội tuyển đã tiến bộ rất nhiều và không có gì phải ngại nữa. Cơ hội là 50-50, nhưng Việt Nam có thêm động lực đặc biệt khi phía trước là cột mốc lớn cần chinh phục, trong lịch sử bóng đá nước nhà nói chung và triều đại của HLV Park nói riêng.
Vĩnh San