+
Aa
-
like
comment

Ông Vũ Huy Hoàng lo không còn thời gian thụ án

24/04/2021 16:23

VKSND TP. Hà Nội đã đề nghị mức án đối với ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm. Sau khi nghe VKS luận tội, ông Vũ Huy Hoàng trình bày mức án đề nghị là quá nặng nề, không phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Vũ Huy Hoàng lo lắng, giả định mức án mà VKS đề nghị được HĐXX tuyên, với sức khỏe hiện tại thì ông không có đủ thời gian để chấp hành án.

“Khuyết điểm nếu có là do quá quan tâm, quá nhiệt tình”

Tại phiên làm việc buổi sáng ngày 24/4 của Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm, vụ án liên quan dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), đại diện VKSND TP.Hà Nội đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (68 tuổi) và 9 đồng phạm.

VKS nhận định, ông Hoàng giữ vai trò chính trong vụ án, đề nghị HĐXX tuyên phạt ông này mức án từ 10 đến 11 năm tù. Sau khi nghe VKS luận tội mình, ông Vũ Huy Hoàng trình bày mức án đề nghị là quá nặng nề, không phù hợp với tình hình thực tế.

“Tôi rất xin lỗi, ở đây tôi xin nói, với mức độ như đại diện VKS đề nghị, với tình trạng sức khỏe của tôi thế này, giả định rằng việc này được quyết định, tôi có đủ thời gian để chấp hành quyết định này hay không” – ông Vũ Huy Hoàng nói.

Ông Hoàng cho biết, mặc dù về mặt tư tưởng trong nhiều năm, kể từ khi Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định khởi tố vụ án vào năm 2018 đến nay, ông luôn suy nghĩ, trăn trở nhưng bất ngờ trước bản luận tội của VKS.

Theo bị cáo Vũ Huy Hoàng, ông chú ý rất nhiều về cách thể hiện trong văn bản của đại diện VKS và có 2 ý muốn được nói rõ với HĐXX và đại diện VKS.

Đó là việc quy kết ông là người mắc sai phạm chính và các việc liên quan do ông chỉ đạo.

Vị cựu Bộ trưởng trình bày, dự án tạm gọi có 3 giai đoạn là chuẩn bị hồ sơ, xây dựng và đưa công trình vào sử dụng.

Ông Hoàng khẳng định, dự án đầu tư của Sabeco (Tổng Công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, mục tiêu quan trọng, xuyên suốt là xây dựng trụ sở văn phòng làm việc của Sabeco.

Ông này cho rằng, với vị thế là một tổng công ty đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, ngân sách các địa phương, vị thế của công ty cần tương xứng với trụ sở làm việc.

Hơn nữa, thị trường lúc đó có rất nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cạnh tranh rất khốc liệt ở mảng miếng mà Sabeco kinh doanh, Sabeco xây dựng trụ sở không phải chỉ để làm việc, nhưng để khẳng định uy tín, vị thế của mình.

Chính vì thế nên từ Bộ Công nghịệp cũ đến khi thành lập Bộ Công Thương, đây là chủ trương xuyên suốt, là nguyện vọng rất chính đáng của Sabeco và chính quyền sở tại.

“Tôi về Bộ Công Thương cũng chỉ là người tiếp tục thực hiện một nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của Tổng công ty. Cá nhân tôi cũng như Bộ không có đề xuất gì với dự án” – ông Hoàng nói.

Bị đề nghị đến 11 năm tù, ông Vũ Huy Hoàng lo không còn thời gian thụ án - Ảnh 2.
Liên quan đến dự án tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (khoanh tròn đỏ), ông Hoàng cho rằng nếu có khuyết điểm thì chỉ là quá quan tâm, nhiệt tình, lo lắng chia sẻ khó khăn với Sabeco.

Về việc thay thế nhà đầu tư, bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc thay thế nhà đầu tư không làm thay đổi nội dung bản chất của dự án, không phải dự án mới.

Trong suốt giai đoạn từ năm 2007 khi Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) được thành lập đến năm 2012, ông này nói không có bất cứ một thông tin nào liên quan đến việc triển khai dự án.

Dự án chỉ được ông Hoàng biết đến vào năm 2012, khi Sabeco báo cáo với Bộ về những khó khăn trong việc triển khai dự án, rằng các nhà đầu tư không đủ tài chính để thực hiện.

Ông Hoàng nói trước tòa, nếu có mắc khuyết điểm thì là quá quan tâm, quá nhiệt tình, quá lo lắng chia sẻ với khó khăn của Sabeco, mong muốn giúp tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

“Tôi có phải là người thực hiện sai Nghị quyết hay không, đề nghị HĐXX xem xét. Tôi không chỉ đạo, đây là đề xuất của Tổng công ty.

Khi Vụ Công nghiệp nhẹ soạn thảo văn bản trả lời, Thứ trưởng phụ trách đề nghị hỏi ý kiến của tôi, đây không phải là chỉ đạo” – ông Hoàng nói.

“Có bị cáo đến hôm nay mới biết mặt”

Nói về quá trình chuyển quyền sử dụng đất, quyền làm chủ đầu tư dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Sabeco sang Sabeco Pearl (Sabeco Pearl là công ty cổ phần được thành lập bởi Sabeco và các nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án sau khi Sabeco Land giải thể), bị cáo Vũ Huy Hoàng nói không tham gia vào bất cứ một hành vi nào liên quan đến toàn bộ quá trình này.

Bị đề nghị đến 11 năm tù, ông Vũ Huy Hoàng lo không còn thời gian thụ án - Ảnh 3.
Ông Vũ Huy Hoàng trình bày không có quan hệ cá nhân với lãnh đạo của UBND TP.HCM để tác động đến dự án, thậm chí có người đến khi ra tòa ông mới biết mặt.

Ông Hoàng dẫn chứng rằng các nguyên lãnh đạo Sabeco đều khẳng định ông không có một chỉ đạo nào ở giai đoạn thứ 2 của dự án. Ông này cũng khẳng định không có quan hệ cá nhân gì với lãnh đạo UBND TP.HCM để tác động liên quan đến dự án.

Đương nhiên với tư cách là Bộ Công Thương thì không thể không có quan hệ, nhưng với các cá nhân liên quan vụ việc, không hề có quan hệ, thậm chí không biết mặt, đến hôm nay mới biết. Không có điện thoại, không có trao dổi, gặp gỡ, văn bản thì sao tôi chỉ đạo được” – ông Hoàng phân trần.

Về cáo buộc ngay sau khi chuyển giao quyền sử dụng đất thì chỉ đạo ngay Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl, ông Hoàng cho rằng cáo buộc này không khách quan, không đúng sự thật.

Ông Vũ Huy Hoàng cho biết, tháng 3/2014 Bộ Công Thương mới có văn bản đồng ý thay thế nhà đầu tư, đến tháng 2/2016, sau gần 2 năm mới xảy ra việc Sabeco đề nghị thoái vốn khỏi Sabeco Pearl.

“2 năm sao lại gọi là ngay lập tức” – ông Hoàng tranh luận.

“Với tất cả sự khiêm tốn, thành thật của tôi, tôi xin nói rằng ngày nay có rất nhiều công trình kể cả cao cấp, khách sạn, cao ốc hàng chục tầng, hàng trăm, hàng nghìn tỷ, người ta làm trong 10 tháng là xong, đây nói tôi chỉ đạo ngay là không có. Tôi không trực tiếp phụ trách mảng lĩnh vực này, việc đã được phân công cho các tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai. Bảo tôi chỉ đạo thoái vốn ngay, tôi không có việc đó” – bị cáo Vũ Huy Hoàng trình bày.

Bị cáo này cũng cho biết, việc thoái vốn được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt theo đề xuất của Sabeco chứ không phải ý chí của Bộ Công Thương yêu cầu phải thoái vốn.

Tiếp tục đề cập đến vấn đề Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl, bị cáo Vũ Huy Hoàng nói, thực chất vấn đề thoái vốn từ khâu thẩm định phương án thoái vốn chính thức, khâu phê duyệt kết quả đến khâu quyết toán, việc này xảy ra sau khi ông được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công Thương. “Tôi làm gì có tư cách, khả năng. Ai nghe tôi chỉ đạo mà thực hiện quá trình này mà quy cho tôi chỉ đạo quá trình thoái vốn. Tôi thấy không phù hợp, không thực tế”.

Kết thúc phần trình bày quan điểm về bản luận tội của VKS với mình, ông Hoàng nói không nhất trí với quan điểm luận tội đó.

Phạm Hiệp

Bài mới
Đọc nhiều