Ông Vũ Đức Đam và những người hùng không súng giữa dịch Covid-19
Đó là hình ảnh của bác Vũ Đức Đam, người ta đối chiếu hình ảnh mái tóc của bác trước và ngay lúc này, khi đại dịch Corona đang diễn ra. Người ta thấy rằng tóc bác bạc đi nhiều, khuôn mặt luôn luôn có cái gì đó rất lo toan và thiếu ngủ.
Một hình ảnh khác, là hình ảnh một anh bộ đội nằm trên chiếc chiếu đơn sơ, không chăn màn, không gối đệm cạnh con đường mòn tiểu ngạch nằm ở biên giới Việt Trung. Anh và đồng đội nằm canh những con đường đó để phát hiện kịp thời các trường hợp vượt biên trái phép để tiến hành cách ly đề phòng dịch bệnh.
Hay như hình ảnh các chiến sĩ làm ở Vân Đồn, phải thức gần như trọn mấy ngày nay để đón đồng bào từ Hàn Quốc về, tưởng như sẽ được nghỉ khi bên Trung Quốc bớt dịch thì lại xuất hiện ổ dịch ở Hàn Quốc, lại cố gắng và lên đường thôi.
Một hình ảnh nữa, là vết hằn trên má do đeo khẩu trang quá lâu của một bạn y tá, phải hoãn cưới và tình nguyện ở lại chống dịch đã cả tháng nay.
“Nếu chúng tôi sợ hãi thì chắc chắn người dân sẽ sợ hãi và nếu người dân có suy nghĩ như vậy thì coi như thế trận y tế sẽ tan vỡ. Với những y bác sĩ như chúng tôi thì không được phép sợ hãi. Chúng tôi vẫn hay nói đùa, quân đội mặc áo xanh, chúng tôi thì mặc áo trắng, nhưng không phải cứ trắng là đầu hàng, chúng tôi là những người đang chiến đấu với tử thần mà không dùng súng ống“, là tâm sự của một cán bộ y tế khi đang ngày đêm chống lại dịch Covid-19.
Thật may mắn, vì chúng ta được chứng kiến những hình ảnh như thế và còn bao nhiêu hình ảnh không thể nói hết ở trong những giờ phút khó khăn như thế này. Tại sao lại nói là may mắn mà không phải là một cụm từ khác. Vì không phải lúc nào trong cuộc sống hiện tại, chúng ta cũng có thể chứng kiến được những khoảnh khắc như thế, chúng ta đang sống quá gấp và quá vội, chỉ những lúc đại dịch thế này, chúng ta mới bất giác để ý đến xung quanh, để ý đến nhân tình thế thái.
Đại dịch khiến chúng ta lo sợ nhưng cũng khiến chúng ta vị tha hơn.
“Anh hùng có thể là bất cứ ai” – The Dark Kight Rises. Tựa đề bài viết cũng là tựa đề tên tiếng Việt của bộ phim Hacksaw Ridge do Mel Gibson đạo diễn và Andrew Garfield diễn chính. Bộ phim nói về Desmond Doss, một con người mộ đạo, ông là một người phản đối chiến tranh, từ chối cầm súng khi ra trận và ông trở thành một quân y. Trong khi đồng đội đã di tản khỏi chiến trường thì mình ông ở lại, cứu từng người một. Mình nhớ đến câu nói ám ảnh của Andrew Garfield trong phim: “Xin hãy giúp con cứu thêm một người nữa”.
Nó khiến chúng ta liên tưởng đến một câu nói đã trở thành huyền thoại: “Cuộc chiến không có ai bị bỏ lại”.
Phim Dunkirk của Nolan nói về việc hơn 400 ngàn binh sĩ Anh Quốc bị kẹt lại ở chiến trường nước Pháp, trong tình thế ngặt nghèo, quân Đức đã gần tiến đến nơi. Một trong những phân đoạn giàu cảm xúc nhất phim là một sĩ quan Anh Quốc đưa ống nhóm ra phía chân trời và phát hiện những chiếc tàu mang cờ Anh Quốc đến đón binh lính trở về: “Khi bạn không thể về nhà, thì nhà sẽ tìm đến bạn”.
Trong Dunkirk còn có một đoạn hội thoại “cực đắt” khác, khi một phi công bị những người lính bộ binh trách cứ rằng: Anh đã ở đâu? Thì một người đàn ông khác vỗ vai viên phi công và chỉ cho anh ấy nhìn những nhóm người đã được anh giải cứu và ông nói: “Họ biết anh đã ở đâu”.
Và dĩ nhiên không phải ở trong Dunkirk, chúng ta cũng được chứng kiến những khoảnh khắc ước lệ đầy xúc cảm ngay tại Việt Nam, khi những chuyến bay nối dài đưa người lao động trở về từ các tâm bão đại dịch, các khu cách ly mọc lên ở khắp nơi trên Tổ Quốc.
Chúng ta đang sống trong thời bình, mỗi sáng mở mắt là một ngày mới an nhiên, đâu có biết rằng đang ở ngoài kia, có rất nhiều “người hùng” mà có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ điểm tên hay chỉ mặt. Những người đó chấp nhận đương đầu với một cuộc chiến mà chính họ cũng bị đặt vào trong những tình thế “sống mòn”, nhưng chẳng ai đầu hàng hay sợ sệt, tất cả những gì họ làm, đều vì hai chữ “đồng bào”.
Cuộc chiến này vẫn sẽ còn dài và chưa thể nói chúng ta đã chiến thắng, nhưng thật may vì trong khi thế giới ngoài kia đang ồn ào, sợ hãi vì đại dịch, thì chúng ta, lại đang ở trong một tâm thế bình yên tự tại.
Cám ơn ông Vũ Đức Đam và những người hùng không súng!
Bích Vân