Ông Võ Văn Thưởng: Xử phạt báo chí mới như ‘gãi ghẻ’
“Xử phạt như gãi ghẻ vì vướng vào quy định xử phạt hành chính, trong báo chí mà xử phạt 5, 10, 15 triệu thì không đủ răn đe. Thậm chí trong quy định xử phạt không có quy định hình thức tước giấy phép, thu hồi giấy phép hoạt động”.
Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương tổ chức sáng 5-7 tại Hà Nội: Cả nước hiện có 1.000 tờ báo, nhưng quy định pháp luật về quản lý báo chí, đặc biệt văn bản dưới luật rất lỏng lẻo, còn nhiều bất cập.
“Đơn giản, sự khác nhau giữa tạp chí và báo cũng chưa có văn bản nào dưới luật quy định. Cho nên nhiều ‘ông’ được cấp phép hoạt động tạp chí nhưng lại hoạt động như một tờ báo mà không có biện pháp nào xử lý”, ông Võ Văn Thưởng chỉ ra.
Ông Thưởng thẳng thắn thừa nhận “kỷ luật một ông tổng biên tập, phó tổng biên tập mà không liên quan tới vấn đề hoạt động phức tạp, nhạy cảm là khó vô cùng”.
Một vấn đề khác cũng được ông Thưởng nêu là do luật không chặt chẽ, nên dù không thừa nhận báo chí tư nhân nhưng lại cho tư nhân, doanh nghiệp hợp tác với cơ quan báo chí trong một số khâu.
Theo ông Võ Văn Thưởng, “chính sự hợp tác này làm cho tác động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vào các cơ quan báo chí lớn hơn, từ đó hình thành những vấn đề cần chấn chỉnh, xử lý trong thời gian tới một cách mạnh mẽ”.
Cho rằng quản lý đối với lĩnh vực báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử do các công ty tự lập, công ty cung cấp công nghệ, công ty kinh doanh công nghệ đang giống như “thả một bầy ngựa ra đuổi”, ông Võ Văn Thưởng nêu quan điểm: “Bầy ngựa này cũng nhốt vào chuồng được thôi nhưng cần thời gian, trước khi đưa bầy ngựa vào chuồng thì bầy ngựa đã quần nát cánh đồng rồi”.
Trương Ban Tuyên giáo trung ương dẫn giải thêm: Những năm đầu đổi mới, khoảng những năm 1990, các báo chí ở nước ngoài chống phá Việt Nam chỉ bằng cách lấy những tin tiêu cực các tờ báo Việt Nam tập hợp đăng thành tờ báo bôi đen toàn bộ những kết quả chúng ta đạt được về kinh tế – xã hội.
“Giờ các tờ báo nước ngoài không làm được cái đó nữa rồi thì chúng ta lại cung cấp giấy phép hoạt động cho những công ty kinh doanh về công nghệ làm điều đó. Báo Mới là dạng đó, NetNews cũng làm theo kiểu đó, cứ ông nào tiêu cực đẩy lên Báo Mới theo kiểu đếm view có nhiều người đọc, rồi một số trang thông tin điện tử cũng làm theo kiểu đó”, ông Võ Văn Thưởng thẳng thắn nêu.
Cũng không đơn thuần là tin có nhiều người đọc, nhiều khi phục vụ cho một số doanh nghiệp, muốn đánh doanh nghiệp này làm một cái tin, muốn đánh cán bộ kia làm một cái tin. Đưa một tờ báo rất trời ơi, một tạp chí hoạt động không đúng lắm, sau đó dùng công nghệ đẩy lên Báo Mới, NetNews, lên mạng xã hội tạo ra vấn đề tiêu cực, đường đi là vậy.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng
Ông Võ Văn Thưởng cho biết hiện Ban Tuyên giáo trung ương đang khắc phục, chỉ đạo xử lý vấn đề này.
Một vấn đề khác được ông Thưởng lưu ý là truyền thông xã hội, bởi trong giai đoạn hiện nay ai chiếm hữu thông tin chắc chắn sẽ khuếch đại, nguy cơ đe dọa cả thế giới, cả xã hội, đồng thời hình thành các nguy cơ khác nên phải quản lý.
Về hoạt động báo chí, ông Võ Văn Thưởng nhận định hoạt động báo chí, truyền thông trong nhiệm kỳ Đại hội 12 đã tốt hơn nhiều so với nhiệm kỳ Đại hội 11 nhưng không được bằng lòng, thỏa mãn với kết quả này.
“Cần khẩn trương thực hiện quy hoạch báo chí, trước mắt sắp xếp lại hơn 20 tờ báo của các tổ chức xã hội nghề nghiệp ở trung ương, ban hành quy định về tạp chí, thậm chí cấp lại giấy phép”, ông nhấn mạnh.
(Theo Tuổi Trẻ)