Ông Võ Văn Thưởng: “Đến thăm các nhà giáo, tôi học thêm được nhiều điều”
Sáng 19/11, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đã đến thăm và chúc sức khỏe các cựu giáo chức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Đến thăm nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phạm Minh Hạc, ông Võ Văn Thưởng ghi nhận sự cống hiến, đóng góp rất tích cực và hiệu quả của GS Hạc trong việc chăm lo các hoạt động của ngành giáo dục.
Ông Thưởng cho hay, giáo dục và đào tạo luôn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và coi là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng. Đây là lĩnh vực liên quan đến tất cả mọi người, mọi nhà. Ở mỗi góc nhìn, vị trí khác nhau thì có những nhận định, đánh giá khác nhau, song những thành tựu đạt được trong thời gian qua rất to lớn. Trong đó có sự góp sức của các thế hệ nhà giáo. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế thì vẫn còn nhiều điểm phải cố gắng. Bởi đây là công việc không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian.
Ông Thưởng đặc biệt nhấn mạnh những góp ý của các cựu giáo chức cũng rất cần cho đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Ghi nhận sự tri ân của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, GS Phạm Minh Hạc gửi lời cảm ơn và tặng sách do mình viết về những người bạn, đồng nghiệp và học trò.
GS Phạm Minh Hạc bày tỏ sự trăn trở về vấn đề lương giáo viên chưa đáp ứng được cuộc sống.
Có mặt tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết tới đây Chính phủ sẽ có cải cách về vấn đề tiền lương và chú ý đến việc nâng mức xuất phát điểm lương lúc vào nghề cho giáo viên.
Cùng ngày, ông Võ Văn Thưởng cũng đã đến chúc mừng nhà giáo Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và các thầy cô giáo công tác tại cơ quan trung ương hội.
Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng cũng với tư cách một người học trò, ông Võ Văn Thưởng đã gửi lời chúc sức khỏe và bày tỏ tâm tư những ngày qua, khi đến thăm các thầy cô giáo, ông “chúc thì ít nhưng học được thêm nhiều điều và được động viên cho công việc tuyên giáo, giáo dục”.
Ông Thưởng cũng mong GS Doan cũng như các thầy cô đóng góp những kinh nghiệm quý báu của mình trong quá trình công tác cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập để dân trí đất nước ngày càng cao.
Bà Doan cũng bày tỏ những trăn trở và mong muốn các nhà giáo, các nhà trường cần soi lại mình: “Tại sao cùng một chủ trương chính sách, có nơi các thầy cô làm rất tốt, nhưng có nơi lại không làm được. Cùng một chế độ tiền lương nhưng tại sao có những thầy cô lặn lội xuống suối bắt cá cho học sinh ăn để có đủ chất để học tập, nhưng lại có những hành động không đẹp. Cần soi lại xem rằng mình đã đền đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”.
Vấn đề công việc, đời sống của các giáo viên hợp đồng cũng được bà Doan nhắc đến với hy vọng các thầy cô cũng được trọn niềm vui.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đã đến thăm người đã đề xuất có Ngày Nhà giáo Việt Nam khi còn đương nhiệm là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước. Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, bà Bình đã có đề xuất này. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam”.
“Chúc người làm công tác khoa giáo cố gắng, bởi đây là một lĩnh vực rất khó nhưng cũng rất quan trọng. Cần làm sao để công tác giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn”, bà Bình nhắn nhủ.
Thanh Hùng/ Vietnamnet