+
Aa
-
like
comment

Ông Trương Văn Phước: ‘Đừng quá bi quan khi bị dán mác thao túng tiền tệ’

18/12/2020 19:26

Thành viên chuyên trách tổ tư vấn của Thủ tướng – ông Trương Văn Phước, tin rằng Việt Nam còn thời gian đàm phán để tháo mác “thao túng tiền tệ”.

Sáng 18/12, ông Trương Văn Phước trả lời PV về những ảnh hưởng khi Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam là nước “thao túng tiền tệ”. Ông Phước từng là Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia và có nhiều năm làm Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước).

Xuất siêu sang Mỹ do cơ cấu thương mại, không phải do tỷ giá

– Theo ông, động cơ nào khiến Mỹ theo dõi và gắn mác “thao túng tiền tệ” với một số nước, trong đó có Việt Nam?

– Từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ vào đầu 2017, các chính sách của Mỹ luôn đi theo khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”. Để thực hiện lời hứa tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ, chính quyền Trump có các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài quay về nước sản xuất, cũng như khuyến khích xuất khẩu hàng hoá Mỹ ra nước ngoài trong bối cảnh cán cân thương mại của Mỹ nhập siêu lớn.

Ông đã khởi phát chính sách áp thuế suất lên hàng nhập khẩu vào Mỹ từ các quốc gia xuất siêu lớn với họ như Trung Quốc, Đức, Canada… Đây là các công cụ mạnh mẽ và táo bạo của Donald Trump trong chính sách ngoại thương.

Dưới quan điểm của Mỹ, nếu hàng hoá được mua bán dựa trên chất lượng và giá cả sòng phẳng, tại sao Mỹ mua nhiều nhưng các nước khác lại mua ít? Vì thế họ nghi ngờ các nước thao túng tiền tệ để phá giá đồng tiền trên giá trị thực nhằm tài trợ vào giá thành hàng hoá để xuất đi với giá rẻ hơn.

Ông Trương Văn Phước tại một sự kiện gần đây. Ảnh: Anh Tú.
Ông Trương Văn Phước tại một sự kiện gần đây. Ảnh: Anh Tú.

– Khi nào Mỹ xác định một quốc gia là “thao túng tiền tệ”?

– Để giảm nhanh thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước trên thế giới, Mỹ đặt ra hai tiêu chí gồm thặng dư thương mại hàng hoá song phương với Mỹ không quá 20 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 2% GDP. Tiêu chí thứ ba là trong ít nhất 6 trên 12 tháng, tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương không quá 2% GDP. Có nghĩa, Mỹ ám chỉ một quốc gia mua nhiều ngoại hối là đang làm suy yếu đồng tiền nội tệ hay phá giá tiền tệ. Nếu một quốc gia vượt ngưỡng cả ba tiêu chí sẽ bị họ dán mác “thao túng tiền tệ”.

Hằng năm, Mỹ hai lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn. Việt Nam đã nằm trong danh sách theo dõi từ tháng 6 năm ngoái khi hai tiêu chí xuất siêu sang Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai đều vượt ngưỡng.

Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng 12, Việt Nam không đáp ứng được cả ba tiêu chí trên nên bị gắn nhãn “thao túng tiền tệ”. Tuy nhiên, không đồng nghĩa với việc Việt Nam có ý đồ thao túng tiền tệ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Việt Nam còn thời gian để đối thoại, giải thích rõ cho Mỹ trước khi họ đưa ra kết luận sau cùng.

– Việc Việt Nam vượt ngưỡng cả ba tiêu chí dẫn đến việc bị dán nhãn “thao túng tiền tệ” nên được hiểu như thế nào?

– Thứ nhất, việc thặng dư thương mại với Mỹ lớn có nhiều lý do nhưng chủ yếu do cấu trúc của cán cân thương mại Việt Nam. Hoạt động thương mại xuất nhập khẩu trong hơn 30 năm qua phản ánh quá trình chuyển đổi của nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường, với đặc trưng chi phí nhân công rẻ, thâm dụng lao động, tiếp nhận đầu tư nước ngoài, khai thác tài nguyên. Đó là lý do trong 25 năm bình thường hoá quan hệ với Mỹ, cơ cấu thương mại của Việt Nam với Mỹ ngày càng tăng lên.

Mỹ thắc mắc nếu không phải can thiệp tỷ giá sao Việt Nam bán hàng qua Mỹ nhiều như vậy? Nguyên nhân sâu xa là lao động Việt Nam giá quá rẻ. Nhiều người dân thất nghiệp bỏ làng quê để lên thành thị vào làm cho các khu công nghiệp, mỗi tháng được 5-7 triệu sống qua ngày. Yếu tố này kết tinh vào giá thành sản phẩm, từ đó giá hàng hoá xuất đi rất rẻ.

Thứ hai, về cán cân vãng lai – bao gồm cán cân thương mại và các khoản chuyển tiền (gồm chuyển tiền từ nước ngoài về, nhất là kiều hối). Vài năm trở lại đây, chúng ta xuất siêu nhưng không lớn, một năm cỡ khoảng 5-10 tỷ, năm nay hơn 20 tỷ. Trong khi cán cân vãng lai của các nước tăng cao do thương mại thì ở Việt Nam, cán cân vãng lai thặng dư chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Đây là những khoản người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về để trợ cấp cho người thân trong nước.

Kiều hối chảy về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp mà người Việt tại nước ngoài quyết định chuyển hoặc không chuyển tiền về. Do đó, tỷ giá không phải là yếu tố làm cán cân vãng lai thặng dư vượt quá tiêu chí của Mỹ quy định là 2% GDP.

Thứ ba, về can thiệp trên thị trường ngoại hối, tôi cho rằng hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại hối.

Hiện nay pháp luật ngoại hối Việt Nam không cho phép dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Nhà đầu tư chuyển ngoại tệ vào Việt Nam kinh doanh thì phải chuyển đổi ra tiền đồng. Các nhà xuất khẩu hay nguồn tiền kiều hối chuyển về nước cũng phải đổi qua tiền đồng để sử dụng.

Việc Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.

Một vấn đề quan trọng nữa họ cho rằng Việt Nam đã mua ngoại hối can thiệp nhằm định ra giá trị tiền đồng dưới giá trị thật. Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng, chúng ta có thời gian để giải thích rõ hơn với Mỹ về mức ngang giá tiền tệ của tiền đồng so với USD.

Mức ngang giá tiền tệ này phụ thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với các đối tác thương mại chính, nhất là với Mỹ. Trong những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4% trong khi lạm phát của Mỹ chưa đến 2%, việc tiền đồng mất giá 1-1,5% có thể hiểu được. Tôi không cho rằng VND hiện nay dưới giá trị thực như trong báo cáo của Mỹ. Có nhiều năm lạm phát Việt Nam cao 5-6% nhưng tiền đồng chỉ mất giá 1-2%. Tiền đồng thậm chí còn mất giá rất chậm.

Tóm lại, đó là những vấn đề khách quan, Việt Nam không chủ đích thao túng tiền tệ để tạo lợi thế cho hàng xuất khẩu mà việc xuất siêu sang Mỹ bản chất do cơ cấu thương mại.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: SBV.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: SBV.

Để ‘tháo mác thao túng tiền tệ’

– Vậy Việt Nam cần hành động cụ thể ra sao để hoá giải câu chuyện này và để được tháo mác “thao túng tiền tệ”?

– Sắp tới, chúng ta sẽ đối thoại, giải thích và đàm phán với Mỹ. Còn thời gian đàm phán bao nhiêu để ra quyết định sau cùng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, trong tương quan thương mại, Mỹ mong muốn Việt Nam phải thu hẹp thặng dư thương mại. Việt Nam cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn điều chỉnh dần để cán cân thương mại tiến tới cân bằng là tốt hoặc để thặng dư không lớn.

Theo đó, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh cơ cấu thương mại đối với nhiều nước, tăng cường nhập khẩu các mặt hàng Mỹ có thế mạnh như nông sản, công nghệ cao, năng lượng và thiết bị khoa học kỹ thuật…

– Trong kịch bản kém “tươi sáng” nhất, một nước bị dán nhãn thao túng tiền tệ sẽ chịu hệ quả như thế nào?

– Nên nhớ rằng, Mỹ cũng từng dán nhãn Trung Quốc “thao túng tiền tệ” nhưng sau một năm họ đã gỡ bỏ. Không phải Mỹ nói Việt Nam thao túng tiền tệ là họ áp ngay thuế đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam còn thời gian để giải thích, đàm phán với Mỹ để họ tháo mác “thao túng tiền tệ”.

Hơn nữa, quan hệ Việt Nam và Mỹ vẫn ở trong đà phát triển tốt. Tôi cho rằng hai Chính phủ sẽ cân nhắc dựa trên mối quan hệ mà lãnh đạo hai nước đã dày công gây dựng trong gần 25 năm qua.

Tôi tin chính quyền Mỹ sẽ lắng nghe tiếng nói từ phía Việt Nam và những người hiểu biết lĩnh vực thương mại, tỷ giá hối đoái để thấy rằng Việt Nam không có chủ đích phá giá tiền tệ. Qua quá trình đối thoại, tranh luận, đặc biệt Việt Nam cũng được sự ủng hộ của chuyên gia kinh tế uy tín tại Mỹ, họ sẽ có cái nhìn chiều sâu hơn trong câu chuyện này.

Đừng quá bi quan về chuyện Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ”. Chúng ta sẽ nỗ lực hết sức cung cấp các thông tin khách quan, chi tiết để thuyết phục họ.

Đương nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một số doanh nghiệp kể cả nhà đầu tư không tránh khỏi tình trạng lo ngại, hoang mang. Tuy nhiên, với quan hệ đối tác quan trọng giữa hai nước cùng chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng, tôi cho rằng, khả năng Mỹ áp thuế lên hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ là rất thấp. Việt Nam cũng đang xúc tiến nhanh việc giải trình với Mỹ.

Bên cạnh đó, còn chưa đầy một tháng nữa để chuyển giao chính quyền Mỹ từ ông Trump sang ông Biden. Chúng ta cũng cần theo dõi kết quả của quá trình đàm phán cũng như quan điểm của chính phủ mới về vấn đề này như thế nào.

Quỳnh Trang/VNE

Bài mới
Đọc nhiều