Ông Trương Minh Tuấn phủ nhận ‘được hứa đưa lên làm bộ trưởng’
Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng cáo trạng có sự nhầm lẫn khi nói ông được ông Nguyễn Bắc Son hứa hẹn ‘đưa lên làm bộ trưởng’.
Chiều 16/12, ông Tuấn là người đầu tiên bị thẩm vấn trong phiên xét xử vụ án Tập đoàn Viễn thông MobiFone mua cổ phần Công ty Nghe nhìn toàn cầu AVG mở tại TAND Hà Nội. Cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son được đưa đi cách ly.
Trước tòa, Tuấn phủ nhận nội dung cáo trạng cho rằng, do được “ông Son hứa hẹn đưa lên làm bộ trưởng” nên đã ký một số văn bản liên quan dự án mua AVG dù không thuộc thẩm quyền phụ trách.
Ông khai không hứa hẹn hay “gợi ý gì” với cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ nên việc VKSND Tối cao cáo buộc nhận hối lộ 200.000 USD từ ông Vũ vì có “thẩm quyền đối với dự án” là chưa chính xác.
“Tận đến tết 2016, sau đại hội, bị cáo Vũ đến phòng làm việc của tôi, tặng lẵng hoa chúc mừng và có món quà mừng tôi trúng cử. Khi Phạm Nhật Vũ về, chiều tôi mở gói quà ra mới thấy có phong bì 200.000 USD”, ông Tuấn khai.
“Lúc đó tôi nghĩ đó là quà chúc mừng sau đại hội, nhưng sau này mới ý thức đó là quà liên quan dự án và là tiền cám ơn. Vì thế, tôi đã khai báo với cơ quan điều tra. Gia đình đã nộp đủ hết số tiền này”, ông Tuấn chậm rãi nói và cho hay trước đó, ông Vũ có liên hệ hỏi về tiến độ dự án song ông biết đến đâu nói đến đó vì không chỉ đạo xuyên suốt dự án.
Theo cáo buộc của VKSND Tối cao, vào năm 2015 ông Tuấn biết dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG có tổng mức đầu tư 8.900 tỷ đồng thuộc thẩm quyền Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Khi chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án, ông Tuấn vẫn ký quyết định phê duyệt dự án, dẫn đến việc nhà nước thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa, ông Tuấn thừa nhận đã ký 5 văn bản liên quan đến dự án. Trong số này ba văn bản được Bộ trưởng duyệt rồi giao ký, hai văn bản trình xin ý kiến Bộ trưởng xong mới ký.
Trước nhiều câu hỏi của chủ tọa về trách nhiệm cá nhân, ông Tuấn khai, chỉ thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son. Với việc ký công văn đưa giao dịch giữa MobiFone và AVG vào danh mục mật, ông Tuấn nói không được ông Son trao đổi, bàn bạc, cũng chưa biết việc MobiFone xin duyệt dự án tham gia lĩnh vực truyền hình.
Ông Tuấn giữ chức Thứ trưởng từ tháng 2/2014 đến 4/2016, phụ trách lĩnh vực báo chí; không được phân công phụ trách lĩnh vực doanh nghiệp, tài chính đầu tư doanh nghiệp. Ông sau đó làm Bộ trưởng đến năm 2018.
“Vì sao bị cáo không phụ trách lĩnh vực tài chính kế toán, không phụ trách MobiFone, vụ doanh nghiệp… mà lại ký quyết định 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án? Sao không phải thứ trưởng khác?”, chủ tọa hỏi. Ông Tuấn khai: “Bộ trưởng chỉ đạo thì phải ký”.
“Sau này, tôi mới nhận thức việc ký quyết định 236/QĐ-BTTTT là vi phạm pháp luật, dẫn đến hậu quả như hiện nay. Nhưng sau khi ký, quyết định thực hiện thế nào tôi không được biết”, ông Tuấn nói. Chủ tọa lập tức nói: Sau khi có quyết định này, MobiFone đã chuyển số tiền rất lớn với hơn 8.500 tỷ đồng cho AVG.
Phiên sơ thẩm xét xử 14 bị cáo có sai phạm tại dự án MobiFone mua AVG diễn ra tại TAND Hà Nội từ ngày 16 đến 31/12. Trong các bị cáo, hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son bị truy tố về hai tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220 Bộ luật Hình sự), Nhận hối lộ (Điều 354) với khung hình phạt 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình.
Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ bị xét xử tội Đưa hối lộ (điều 364), đối mặt mức hình phạt 12-20 năm tù.
Theo cáo trạng, năm 2015 MobiFone dự định đầu tư kinh doanh lĩnh vực truyền hình. Ông Nguyễn Bắc Son khi đó là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông gợi ý tìm hiểu AVG. Từ đó, các bị cáo đã thực hiện hàng loạt các chỉ đạo, quyết định, hành vi sai phạm khiến MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng, cao hơn nhiều lần giá trị thật của doanh nghiệp này. Hậu quả, nhà nước bị thiệt hại gần 6.600 tỷ đồng.
(Theo VnExpress)