Ông Trương Minh Tuấn nhận hối lộ, cuốn sách ‘Phòng chống tự diễn biến, tự chuyến hóa’ do ông chủ biên có bị thu hồi?
Ông Tuấn từng chủ biên cuốn sách Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên khiến nhiều người cho rằng phản cảm.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng Công ty MobiFone và một số đơn vị liên quan.
Trong đó, CQĐT đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh nêu trên. Bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn (đều là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị đề nghị truy tố về 2 tội danh “Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”.
Trước đó, năm 2016, ông Trương Minh Tuấn từng chủ biên cuốn sách với tên gọi “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Nhìn lại việc này, nhiều người nhìn nhận rằng đây là điều hết sức phảm cảm và nhiều ý kiến cho rằng cuốn sách cần phải được thu hồi.
Nhận định về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an) cho rằng, cuốn sách đã bộc lộ bản chất không thật thà và thiếu trung thực của ông Trương Minh Tuấn.
“Cuốn sách là sản phẩm trí tuệ của ông thì Nhà nước không nên đụng đến làm gì. Không có cơ chế nào để thu hồi cuốn sách này cả nhưng chính cuốn sách đã làm nhục ông ấy. Thể hiện sự nói một đằng, làm một nẻo.
Cuốn sách là minh chứng cho thái độ thiếu trung thực, lừa dối của ông Trương Minh Tuấn, bộc lộ trước đảng viên và người dân.
Theo tôi, không cần thiết phải thu hồi, cứ để như vậy bởi chẳng có ai đọc làm gì và tự khắc cuốn sách sẽ chết”. Có cuốn sách này càng chứng tỏ ông Trương Minh Tuấn là người lừa đảo, thiếu trung thực”, tướng Cương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Thiếu tướng Lê Văn Cương, ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, đến thời điểm hiện tại, dù thu hồi hay không thu hồi thì cũng không còn ai đọc cuốn sách này nữa.
“Tính ra nó đã là vết nhơ, thu hồi hay không thu hồi thì đấy là quyền của cơ quan phát hành và cơ quan quản lý.
Với cuốn sách, tôi nghĩ tự các đồng chí, những người mà đã đọc được cuốn sách đó thì người ta cũng thấy được giữa nói và làm của các đồng chí như thế nào.
Nó đã ra rồi, thu hồi trở lại cũng chỉ là biện pháp hành chính thôi, nhưng đau nhất là đau trong tim gan của những người đã từng viết và đã từng làm”, ông Túc bày tỏ.
Liên quan đến việc này, ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông (đơn vị xuất bản cuốn sách của ông Trương Minh Tuấn) cho biết, đề tài của cuốn sách thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trương Minh Tuấn khi ấy là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nên cũng là chủ biên cuốn sách.
“Thực tế, về nội dung đề tài nghiên cứu khoa học thì từ năm 2013, đến năm 2014 Ban Tuyên giáo nghiệm thu, năm 2015 xuất bản. Nội dung này thì luật không cấm. Ở thời điểm “soi sách”, sau khi nộp Bộ trưởng 10 ngày thì phát hành được.
Giả sử nội dung trong cuốn sách có vấn đề thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét thu hồi, còn hiện tại về mặt pháp lý thì luật không cấm phát hành cuốn sách đó”, ông Đạt cho hay.
Nói về một số ý kiến cho rằng nên thu hồi cuốn sách này, ông Đạt cho rằng, nếu cuốn sách có sai phạm thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ có trách nhiệm việc thu hồi.
“Đây là công trình nghiên cứu của một tập thể, nếu chỉ vì một cá nhân đứng tên trên bìa sách mà thu hồi tất cả các cuốn sách đã phát hành thì ảnh hưởng đến quyền lợi của bao nhiêu người khác, của cả tập thể tác giả”, ông Đạt nói.
Về ý kiến cho rằng tên ông Trương Minh Tuấn đứng Chủ biên cuốn sách gây phản cảm, theo ông Đạt, có phản cảm hay không cần phải giải thích cho mọi người hiểu một cách rõ ràng. Bởi lẽ, ở thời điểm phát hành cuốn sách ông Tuấn chưa có vấn đề gì mà phải đến thời điểm này ông Tuấn mới xảy ra sai phạm.
“Trước đó, có rất nhiều người viết sách nhưng sau 5, 10 năm người ta vi phạm, thì xã hội phải nhìn nhận ở thời điểm người ta xuất bản sách có vấn đề gì không, có ảnh hưởng hay không?
Nếu cuốn sách có nội dung sai thì cơ quan quản lý phải có trách nhiệm thu hồi. Mình làm thế này còn liên đới đến một tập thể tác giả”, ông Đạt cho biết thêm.
“Hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước bảo đảm quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan. Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được lợi dụng quyền phổ biến tác phẩm làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo quy định của pháp luật, không có trường hợp tác giả sau khi có tác phẩm được xuất bản nếu bị kết án (bản án có hiệu lực pháp luật) thì sẽ bị thu hồi tác phẩm”,
Luật sư Diệp Năng Bình – Đoàn luật sư TP.HCM.
(Theo Xuân Trường – Tùng Lâm/VTC News)