Ông Trump quyết trị Trung Quốc dù kinh tế Mỹ bị tổn thương
Giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy rõ rằng ông quyết tâm đối đầu Trung Quốc, cho dù chiến tranh thương mại có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ.
Hôm 3/9, Tổng thống Trump gửi thông điệp rõ ràng tới bất cứ ai còn đang mù mờ về ý nghĩa của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. “Nếu tôi không làm gì với Trung Quốc, thị trường chứng khoán sẽ tăng 10.000 điểm so với hiện nay”, ông Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng.
“Nhưng cần phải có một ai đó làm điều đó. Với tôi, điều đó quan trọng hơn cả nền kinh tế. Bởi tình hình rối loạn quá mức. Trung Quốc làm loạn quá mức”, ông Trump nhấn mạnh. Thông điệp này khá tương đồng với tuyên bố “tôi là người được chọn” để chống Trung Quốc của ông chủ Nhà Trắng trước đây.
Ông Trump từng khẳng định “chiến tranh thương mại là tốt và dễ thắng”. Nhưng trên thực tế, giới chuyên gia bình luận ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn ý thức được những tổn hại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung gây ra với nền kinh tế Mỹ.
Chính sách cũ đã thất bại
Việc chính phủ Mỹ hồi giữa tháng 8 quyết định hoãn đánh thuế lên hàng hóa Trung Quốc cho tới ngày 15/12 cho thấy ông Trump muốn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực lên người tiêu dùng Mỹ. Và lời thừa nhận của ông Trump hôm 3/9 cho thấy rõ một điều. Đó là ông muốn kiềm chế Trung Quốc.
“Chiến lược trước đây của Mỹ là tương tác với Trung Quốc và hi vọng rằng các chính sách và đường hướng của Bắc Kinh sẽ không đe dọa Washington. Nhưng trong 5 năm qua, hi vọng đó đã tan biến”, Business Insider dẫn lời chuyên gia Martin Chorzempa thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.
Chuyên gia Chorzempa lý giải về cơ bản, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama có cái nhìn lạc quan về tương lai của Trung Quốc và tìm cách tương tác với khối doanh nghiệp nước này. Khi đó Washington mở rộng các kênh đầu tư vào Trung Quốc và cho phép doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Mỹ.
Các cố vấn của ông Obama cho rằng việc tăng cường trao đổi thương mại với Trung Quốc sẽ đem lại những kết quả tích cực, biến nước này thành một thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế.
Nhưng điều đó không diễn ra. Những năm qua, phía Mỹ vẫn nhiều lần lên tiếng cảnh báo về tình trạng Trung Quốc ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng…
Về phương diện chính trị, Trung Quốc tiếp tục phớt lờ các quy định quốc tế khi tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông. Và kế hoạch “Made in China 2025” của chính quyền Trung Quốc cho thấy nước này muốn phế truất vị trí siêu cường số một của Mỹ.
Ông Trump sẽ chơi tất tay
Trong 3 sách trắng về an ninh quốc gia, quốc phòng và chính sách hạt nhân, chính quyền Tổng thống Trump xác định Trung Quốc không phải là đối tác, mà là đối thủ đáng lo ngại. Về phương diện thương mại, ông Trump từng mô tả hành vi kinh doanh của Trung Quốc không khác gì “cưỡng hiếp nền kinh tế Mỹ”.
Theo Business Insider, có thể ông Trump vẫn nói rằng muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng các hành động của ông cho thấy ông quyết tâm leo thang chiến tranh thương mại chống Trung Quốc.
Ông Trump từng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại 600 tỷ USD/năm. Ông nói rằng Mỹ “sẽ sống khỏe hơn khi không có Trung Quốc”. Ông “ra lệnh” cho các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc là nền kinh tế số một và số hai thế giới, có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ. Cố vấn thân cận của Tổng thống Trump là Peter Navarro công khai ủng hộ chiến lược “phân ly kinh tế Mỹ – Trung”. Giới chuyên gia khẳng định điều đó sẽ khiến cả hai nền kinh tế tổn thương nghiêm trọng.
Chuyên gia Chorzempa nhận định ông Trump hiểu rõ điều đó. Nhưng nếu Trung Quốc không tin rằng Mỹ sẵn sàng chịu đựng một khoảng thời gian kinh tế suy thoái để tái cơ cấu lại mối quan hệ thì nước này sẽ không bao giờ chấp nhận lùi bước trước những cú đòn trừng phạt của ông Trump.
Sẽ không dễ để các công ty Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi Trung Quốc. Và theo chuyên gia Chorzempa, chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ khiến nền kinh tế Mỹ lao đao, nhưng ông Trump chấp nhận điều đó. “Ông ấy hoàn toàn tin tưởng vào cuộc chiến này và vai trò của bản thân”, ông Chorzempa nhấn mạnh.
Minh Phụng/ Zing News