+
Aa
-
like
comment

Ông Trump lần đầu thừa nhận sẽ có một “chính quyền Biden”

12/12/2020 11:04

Tổng thống thứ 45 của Mỹ lần đầu đề cập “chính quyền Biden” trong một bài tweet, nhưng gọi đó là một “mớ hỗn độn bê bối kéo dài”.

Tổng thống Donald Trump ngày 11-12 đã lần đầu tiên đề cập “chính quyền Biden” trong một bài đăng trên Twitter, về cơ bản thừa nhận ông đã thất cử sau nhiều tuần phủ nhận và từ chối nhận thua trước đối thủ Joe Biden.

Tuy nhiên, ông Trump cũng nói rõ rằng ông vẫn muốn thấy kết quả bầu cử bị đảo ngược, mặc dù hầu như không có khả năng điều đó xảy ra vào thời điểm này.

“Chính quyền Biden sẽ là một mớ hỗn độn bê bối kéo dài trong nhiều năm tới, nên sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu Tòa án Tối cao Mỹ tuân theo Hiến pháp và làm những gì mà mọi người đều biết phải làm. Họ phải thể hiện sự dũng cảm và trí tuệ tuyệt vời. Hãy cứu lấy nước Mỹ !!!” – ông Trump viết.

Ông Trump lần đầu thừa nhận sẽ có một ‘chính quyền Biden’ - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Các giao dịch tài chính của con trai Tổng thống đắc cử Mỹ là ông Hunter Biden đang được Bộ Tư pháp điều tra – một sự thật mà Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã biết trong nhiều tháng nhưng được giữ kín để không làm ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, tờ The Wall Street Journal đưa tin hôm 10-12.

Tuy nhiên, ông Hunter nhiều khả năng không nắm giữ bất kỳ vai trò nào trong chính quyền của cha mình.

Tổng chưởng lý bang Texas – ông Ken Paxton tuần này đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao với mong muốn đảo ngược kết quả bầu cử ở các bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia. Tổng thống Trump, 17 tổng chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa và 126 thành viên đảng này tại Hạ viện ủng hộ vụ kiện của ông Paxton.

Theo đài NPR, đơn kiện của ông Paxton tố cáo chính quyền bốn bang nói trên cố tình đề ra các quy định bầu cử mới ngay trước khi diễn ra tổng tuyển cử với lý do bùng phát đại dịch COVID-19, trong khi những thay đổi này phải được các cơ quan lập pháp bang thảo luận và bỏ phiếu thông qua trước.

Ngoài ra, đơn kiện của bang Texas cũng khẳng định chính quyền bốn bang Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia còn có hành vi phân biệt phiếu của cử tri địa hạt này so với địa hạt kia, tức vi phạm Tu chính án số 14 về đảm bảo quyền bỏ phiếu phổ quát của người dân.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ ngay trong ngày 11-12 đã bác vụ kiện của Tổng chưởng lý bang Texas. “Texas đã không thể hiện lợi ích có thể nhận thức được về mặt tư pháp đối với cách thức mà bang khác tiến hành bầu cử” – tờ USA Today dẫn tuyên bố của tòa án trong một phán quyết ngắn gọn.

Động thái bác bỏ thách thức của Texas là dấu hiệu mạnh nhất cho thấy ông Trump không có cơ hội lật ngược kết quả bầu cử tại tòa án. Ngay cả các thẩm phán mà ông Trump từng đề bạt cũng không quan tâm đến việc cho phép nỗ lực pháp lý của ông được tiếp tục.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, trong một lá thư gửi đồng nghiệp, đã nhận định vụ kiện này “là một hành động thổi bùng sự tuyệt vọng của đảng Cộng hòa, vi phạm các nguyên tắc được tôn trọng trong nền dân chủ Mỹ”.

Phán quyết của Tòa án Tối cao dọn đường cho các đại cử tri nhóm họp ở 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia vào ngày 14-12 và gần như xác nhận rằng ông Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Mỹ, theo USA Today.

TRÙNG QUANG/ TTO

Bài mới
Đọc nhiều