Ông Trump hết cách lật ngược kết quả bầu cử
Giáo sư lịch sử chính trị Mỹ Allan Lichtman kinh ngạc khi thấy bạo loạn xảy ra ở quốc hội. Ông nói bạo lực bùng phát thời điểm này vì ông Trump hết cách lật ngược kết quả bầu cử.
Trao đổi với PV, giáo sư Allan Lichtman so sánh cuộc bạo loạn ở trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1 với vụ việc cách đây hơn 200 năm trước. Điểm khác biệt, theo ông Lichtman, là nguồn cơn của sự cố năm nay đến từ chính tổng thống Mỹ chứ không phải thế lực nước ngoài.
– Ông suy nghĩ gì khi chứng kiến sự hỗn loạn xảy ra ở trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1?
– Năm nay tôi 73 tuổi rồi, nhưng chưa từng chứng kiến vụ bạo loạn nào như lần này trong suốt cuộc đời. Tôi nghiên cứu lịch sử Mỹ từ giai đoạn lập quốc cho đến đời tổng thống hiện tại. Và bạn phải trở lại tận năm 1812 để thấy Điện Capitol rơi vào hoàn cảnh như vừa rồi.
Nhưng vụ việc của hơn 200 năm trước xảy ra do thế lực nước ngoài, chứ không phải bởi chính người dân Mỹ như lần này.
Tất cả là vì ông Trump. Tổng thống đương nhiệm nhồi nhét và kích động bạo lực với những người ủng hộ ông ấy. Ngay kể từ khi nhận kết quả bất lợi sau cuộc bầu cử, ông Trump thúc đẩy những tuyên bố không có cơ sở, và thông tin sai sự thật rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp.
Ông Trump khuyến khích những phần tử bạo lực nhất hãy biểu tình. Một phụ nữ chết vì trúng đạn trong cuộc bạo loạn ở quốc hội. Trước tình cảnh này, những người có thể mỉm cười chính là kẻ thù của nước Mỹ, vốn luôn mong làm suy yếu và gây tổn hại cho nền dân chủ Mỹ.
Điểm sáng le lói duy nhất từ vụ việc này là nó giúp các phe phái chính trị trở nên đoàn kết hơn. Ngay cả những nhóm Cộng hòa bảo thủ nhất như Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ (NAM) hay các phòng thương mại đều lên án hành vi kích động bạo lực của tổng thống. Nhiều người Cộng hòa thậm chí cho rằng ông Trump nên bị phế truất hoặc bị truy tố.
– Bạo loạn bùng phát vào thời điểm lưỡng viện quốc hội chuẩn bị phê chuẩn kết quả bầu cử nói lên điều gì?
– Bạo loạn bùng phát ở thời điểm này vì ông Trump không còn gì nữa.
Suốt nhiều tuần qua, ông Trump tận dụng mọi cách để khẳng định cuộc bầu cử có gian lận. Phe của ông thua hơn 50 vụ kiện, và chỉ thắng 1 vụ không đáng kể. Ông gây sức ép lên các nghị sĩ Cộng hòa ở mỗi tiểu bang để lật ngược kết quả tại từng bang.
Ông thậm chí ép buộc phó tổng thống phải đi ngược lại lời tuyên thệ khi nhậm chức chỉ để tuyên bố người thắng bầu cử là ông Trump; ép buộc nghị sĩ Cộng hòa ở quốc hội để phủ nhận phiếu bầu.
Và bây giờ thì ông ấy hết cách rồi. Chiến thuật kiện tụng và việc gây sức ép đều không hiệu quả, nên bạo lực xảy ra ở thời điểm này.
Tôi chưa từng thấy vị tổng thống nào chỉ quan tâm đến chính mình và không màng đến nền dân chủ như vậy.
– Theo ông, tình hình có thể cải thiện trong những ngày tới hay xu hướng bạo lực vẫn tiếp diễn?
– Tôi rất lo lắng rằng ông Trump có thể tiếp tục kích động người ủng hộ. Ông ấy còn hơn hai tuần mới kết thúc nhiệm kỳ, mà vẫn khăng khăng mình thắng cử.
Việc ông Trump cố chấp và khẳng định mình thắng áp đảo sẽ tiếp tục là động lực cho những người ủng hộ. Tổng thống từng quan tâm tới ý kiến muốn kiểm soát đất nước bằng việc thiết quân luật.
Nhìn chung, tôi rất lo ngại về những điều ông Trump có thể làm trong hai tuần tới, trên cương vị người quyền lực nhất thế giới. Tôi cũng không biết chuyện gì có thể xảy ra sắp tới.
– Ông đánh giá thế nào vệ sự bảo đảm an ninh ở khu vực quan trọng như trụ sở quốc hội?
– Tình hình an ninh lúc này được thắt chặt hơn rồi. Nhưng tôi kinh ngạc khi chứng kiến lực lượng an ninh ở Washington dường như không chuẩn bị chu đáo, và cũng không sẵn sàng ứng phó trước vụ bạo loạn mà chúng ta chứng kiến hôm nay.
Cảnh sát quốc hội không có sự chuẩn bị. Vệ binh Quốc gia cũng không được điều động sẵn. Họ không trong tư thế sẵn sàng bảo vệ quốc hội một cách mạnh mẽ nhất. Tôi không thể hiểu được vì sao họ lại như vậy, dù tình hình (khả năng bạo loạn) có vẻ dễ dự đoán.
Tôi cũng không biết nguyên nhân từ đâu. Ít ra là an ninh đã được củng cố hơn kể từ giờ.
– Thủ tục xác nhận kết quả bỏ phiếu ở quốc hội sẽ diễn ra theo hướng nào sau vụ bạo loạn?
– Tôi nghĩ đa số nghị sĩ ở cả Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu xác nhận kết quả bầu cử tổng thống. Số phiếu bầu có thể không quá lớn, nhưng con số đủ để chứng tỏ sự đồng thuận cao tại quốc hội về kết quả này.
Giáo sư Allan Lichtman giảng dạy lịch sử chính trị Mỹ tại trường American University ở Washington D.C. Ông xuất bản hơn 11 cuốn sách và hàng trăm bài viết chuyên sâu, có ảnh hưởng lớn đối với giới học giả quốc tế.
Ông Lichtman đặc biệt nổi tiếng với truyền thông Mỹ nhờ đưa ra mô hình phân tích 13 yếu tố vào năm 1984 để dự báo kết quả các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dự đoán của ông Lichtman luôn đúng cho đến nay, bao gồm cả chiến thắng của ông Joe Biden trong năm 2020.