+
Aa
-
like
comment

Ông Trump đang khiến tham vọng siêu cường của TQ vào năm 2050 trở nên xa vời

13/08/2019 06:24

Trước chiến tranh thương mại, ông Tập Cận Bình để ra tham vọng đưa Trung Quốc trở thành siêu cường vào năm 2050.

ong trump dang khien tham vong sieu cuong cua tq vao nam 2050 tro nen xa voi hinh anh 1
Mọi chuyện đã khác rất nhiều kể từ khi ông Trump khởi đầu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Theo Bloomberg, tầm nhìn đó đến nay đang ngày càng khó khăn hơn. Sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nền kinh tế trị giá 14.000 tỷ USD của Trung Quốc trở nên lung lay, vì thách thức liên quan đến các khoản nợ khổng lồ, ô nhiễm tràn lan và dân số đang già đi.

Giới phân tích kinh tế nói ông Tập có thể chèo lái con thuyền Trung Quốc bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tự do hóa thị trường và phát triển sức mạnh công nghệ. Nhưng các phương hướng này không hề dễ thực hiện.

Từ năm 1960, chỉ có 5 quốc gia đang phát triển tiến lên thành quốc gia tiên tiến trong khi duy trì mức tăng trưởng cao, theo Giáo sư kinh tế Michael Spence của Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, Mỹ.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nếu Trung Quốc không sớm đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, triển vọng kinh tế dài hạn của quốc gia này sẽ trở nên u ám. Chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt thỏa thuận thương mại trong những diễn biến gần đây, theo Bloomberg.

Cựu quan chức thương mại Mỹ Jeff Moon nhận định, Trung Quốc sẽ không có bất kỳ động thái nhượng bộ nào trước tháng 10. Đó là thời điểm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa.

“Bất cứ động thái nào cho thấy sự yếu thế cũng là không chấp nhận được với lãnh đạo Trung Quốc”, ông Moon nhận định.

Những ngày qua, truyền thông Trung Quốc còn kêu gọi cắt hoàn toàn thương mại với Mỹ. Các ấn phẩm nhà nước Trung Quốc thì bày tỏ sự tin tưởng rằng nền kinh tế Trung Quốc đủ sức đứng vững trước thách thức từ bên ngoài.

ong trump dang khien tham vong sieu cuong cua tq vao nam 2050 tro nen xa voi hinh anh 2
Huawei là niềm tự hào của Trung Quốc những cũng đang phải “đứng mũi chịu sào” trong thương chiến Mỹ-Trung.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc đang điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tạo ra các thị trường xuất khẩu mới”, Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu viết, sau khi dữ liệu xuất khẩu vượt mức kỳ vọng trong tháng 7.

Về ngắn hạn, Trung Quốc vẫn còn sức để ngăn tăng trưởng GDP giảm xuống dưới 6%. Nhiều khả năng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Standard Chartered dự báo Bắc Kinh sẽ có động thái thúc đẩy kinh tế trong nửa cuối năm 2019.

Về vấn đề dài hạn, hiện chưa rõ ông Tập sẽ làm cách nào để đưa Trung Quốc trở thành siêu cường theo đúng tầm nhìn đến năm 2050.

“Trung Quốc sẽ khó tiếp cận các công nghệ hàng đầu thế giới hơn từ đó rất khó để Bắc Kinh có thể đuổi kịp phương Tây”, Patrick Hofman, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định. “Vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc có thể tự xây dựng hệ sinh thái công nghệ riêng như thế nào”.

Núi nợ khổng lồ và dân số già là những thách thức lớn với Trung Quốc. Theo Viện Tài chính Quốc tế, nợ Trung Quốc tăng lên 303% GDP trong quý I.2019. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, dân số Trung Quốc trong độ tuổi lao động  sẽ giảm hơn 20% xuống còn 718 triệu vào năm 2050.

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã tăng lên con số 10.000 USD trong năm nay, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 65.000 USD của Mỹ và Singapore. Ông Tập đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng Mỹ vẫn chiếm tới 20% số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

“Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung rõ ràng khiến tham vọng trở thành siêu cường của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc sẽ mất một phần thị phần xuất khẩu và hoạt động chuyển giao công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc cũng ngắt quãng”, nhà kinh tế Michelle Lam đánh giá. “Tin tốt với giới lãnh đạo Trung Quốc là họ có thể nhân cơ hội này để tăng cường cải cách”.

Đăng Nguyễn/Dân Việt

Bài mới
Đọc nhiều